Chiếu sáng công cộng

Thiếu vốn = thiếu sáng

Thiếu vốn = thiếu sáng

Ứng dụng công nghệ cao trong chiếu sáng công cộng là giải pháp hiệu quả để giảm thiểu điện năng tiêu thụ mà không cần phải cắt điện cưỡng bức. Tuy nhiên, để làm được việc này thật không dễ.

Đảm bảo đủ sáng cũng là quá sức

Theo ông Trần Trọng Huệ, Giám đốc Công ty Chiếu sáng công cộng TPHCM, công ty vừa đưa vào ứng dụng Trung tâm điều khiển chiếu sáng tự động giúp thành phố tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Tuy nhiên, để xây dựng trung tâm này cần một khoản vốn đầu tư lớn mà không phải tỉnh thành nào cũng sẵn sàng bỏ ra đầu tư.

Thiếu vốn = thiếu sáng ảnh 1

Chiếu sáng công cộng bằng năng lượng gió và mặt trời ứng dụng tại KCN Láng Hòa Lạc, Hà Nội.

Ông Nguyễn Quốc Bửu, Quyền giám đốc Công ty Đô thị Cần Thơ cho biết thêm, tính riêng trên địa bàn hai quận trung tâm TP Cần Thơ, chỉ có khoảng 60% đèn cao áp Sodium, còn lại 40% là loại đèn huỳnh quang cũ. Còn hệ thống chiếu sáng ở các quận huyện khác của thành phố cũng có nhưng không đáng kể, mỗi huyện cũng chỉ vài trăm bộ.

Kỹ sư Nguyễn Văn Cảnh, Hiệp hội chiếu sáng đô thị Việt Nam bức xúc, việc ứng dụng công nghệ chiếu sáng tiên tiến, hiện đại, hiệu suất cao có chi phí đầu tư xây dựng và lắp đặt ban đầu cao hơn nhiều so với việc áp dụng công nghệ thông thường, cho nên phải có cơ chế tài chính thích hợp để đảm bảo các điều kiện cần và đủ. Tuy nhiên, cho đến nay, gần như chưa có tỉnh thành nào dành nguồn vốn sự nghiệp ưu tiên cho vấn đề này.

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Huế, chính sự hạn chế nguồn vốn đầu tư nên nhiều dự án lãng phí ngay từ khâu lập dự án, thiết kế kỹ thuật. Thể hiện rõ nhất là các giải pháp tiết kiệm năng lượng không được quan tâm đúng mức; trong thiết kế không có phương án tiết kiệm năng lượng; thiết bị đưa vào công trình tiêu tốn điện năng lớn không cần thiết; công nghệ, thiết bị mới để tiết giảm công suất cũng không được nghiên cứu sử dụng. Vì thế, có những công trình xây dựng xong khi chuyển giao cho đơn vị chuyên ngành quản lý, buộc phải cắt giảm đèn chiếu sáng, hoặc phải đầu tư thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng.

Giải pháp: vốn ngân sách phải đứng mũi!

Ông Nguyễn Văn Thành cũng nêu rõ nguyên nhân khiến việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực chiếu sáng bị hạn chế, một phần là do chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm nhiều đến lĩnh vực chiếu sáng đô thị.

Ngoài ra, ngân sách địa phương còn hạn hẹp nên chính sách về vốn đầu tư, phát triển khoa học công nghệ cho lĩnh vực này còn hạn chế. Trong khi đó, nếu đầu tư hệ thống chiếu sáng bằng công nghệ hiện đại thì chi phí dự án có thể cao hơn 30%-40% so với đầu tư bằng công nghệ chiếu sáng hiện tại đang sử dụng.

Do đó, để chuyển đổi thiết bị chiếu sáng hiệu suất thấp sang thiết bị chiếu sáng hiệu suất cao, tiết kiệm năng lượng; đưa ứng dụng các loại thiết bị chiếu sáng sử dụng năng lượng mặt trời nhất thiết phải thực hiện xã hội hóa nguồn vốn huy động phục vụ cho chiếu sáng. Tuy nhiên, đây là những công trình phúc lợi công cộng nên ngân sách nhà nước vẫn phải là chủ yếu. Có như vậy mới có thể khuyến khích đầu tư tư nhân cho lĩnh vực này.

Ông Nguyễn Quốc Bửu nhấn mạnh, tùy theo nguồn tài chính mà có thể thực hiện chuyển đổi dần hệ thống chiếu sáng từng tuyến đường. Trong đó, ưu tiên tuyến đường trung tâm quận huyện. Tuy nhiên, muốn làm được điều này yếu tố quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn kinh phí nhất định. Ngoài ra, về phía lãnh đạo địa phương các cấp cần quan tâm, nhất quán về chủ trương chuyển đổi và đầu tư trong lĩnh vực chiếu sáng.

Khi thực hiện phải đảm bảo nguồn ngân sách được sử dụng đầu tư tập trung, không dàn trải và phải ứng dụng vật tư thiết bị chiếu sáng hiện đại đã được cơ quan có thẩm quyền xét chọn… Về lâu dài, các địa phương cần quy hoạch nguồn vốn để xây dựng trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng. Có như vậy mới chuẩn hóa hệ thống chiếu sáng công cộng theo hướng tiết kiệm điện năng và thân thiện với môi trường.

Lĩnh vực chiếu sáng hiện nay chưa được các địa phương quan tâm đúng mức. Ngay cả đến việc đáp ứng yêu cầu được chiếu sáng của người dân cũng đã là quá sức nên việc đầu tư cho ứng dụng những công nghệ cao vào lĩnh vực chiếu sáng là điều không tưởng.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục