Thịt bẩn tấn công thị trường tết

Ngày 11-2, lãnh đạo Đội Quản lý thị trường (QLTT) Thủ Đức - Chi cục QLTT TPHCM cho biết đã tiêu hủy hơn 3 tấn thịt gà, heo, chả lụa không rõ nguồn gốc được phát hiện tại cơ sở Như Hương ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Đáng chú ý, cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng thực tế không phải như vậy.
Thịt bẩn tấn công thị trường tết

Ngày 11-2, lãnh đạo Đội Quản lý thị trường (QLTT) Thủ Đức - Chi cục QLTT TPHCM cho biết đã tiêu hủy hơn 3 tấn thịt gà, heo, chả lụa không rõ nguồn gốc được phát hiện tại cơ sở Như Hương ở phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Đáng chú ý, cơ sở có giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng thực tế không phải như vậy.

Lực lượng chức năng kiểm tra thịt bẩn đông lạnh tại cơ sở Như Hương, quận Thủ Đức.

Sản xuất thịt bẩn trong khu dân cư

Chỉ một ngày sau vụ Như Hương, ngày 11-2, Đội QLTT Bình Thạnh phát hiện thêm vụ chế biến thực phẩm bẩn tại cơ sở sản xuất của ông Trần Văn Sửu (số 439/9, đường Bình Quới, quận Bình Thạnh, TPHCM). Tại đây, lực lượng chức năng ghi nhận 202 cây chả lụa thành phẩm trọng lượng 101kg, cùng 65kg mỡ, đồ gia vị… được chế biến trực tiếp trên nền nhà dơ bẩn, cạnh thùng đựng rác. Lô hàng được chuyển giao Trạm Thú y quận Bình Thạnh tiêu hủy theo quy định.

Cùng ngày, thông tin với Báo SGGP, ông Nguyễn Văn Minh, Đội phó Đội QLTT Thủ Đức, cho biết, toàn bộ lô hàng 3.380kg (trị giá khoảng 200 triệu đồng) không đảm bảo an toàn thực phẩm của cơ sở Như Hương được tiêu hủy tại bãi rác Đông Thạnh, huyện Hóc Môn vào tối 10-2. Chi phí tiêu hủy, hơn 20 triệu đồng, do chủ cơ sở Trần Thị Hằng Nga chi trả.

Hiện QLTT Thủ Đức cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ cơ sở Như Hương 58,6 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động sản xuất tại địa chỉ số 98 Bình Chiểu, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức. Như vậy, trong 2 ngày 10 và 11-2, cơ quan QLTT đã phát hiện, tiêu hủy hơn 3,5 tấn hàng gồm thịt, nguyên liệu sản xuất, chả lụa thành phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Thông tin từ một số người dân sống cạnh cơ sở Như Hương, điểm sản xuất, kinh doanh, mua bán bánh mì, chả lụa này đã hoạt động nhiều năm. Sản phẩm chủ yếu cung cấp cho người dân xung quanh, hoặc bán cho khách đặt hàng. Chả lụa 120.000 đồng/kg, chả thủ 140.000 đồng/kg, chả bò 160.000 đồng/kg.

Trong khi đó, giá bán các loại chả này tại khu vực quận 5, quận 10 cao hơn 80.000 - 100.000 đồng/kg. Tại thời điểm kiểm tra, 32 cây chả lụa thành phẩm không nhãn mác, không hạn sử dụng được bỏ đống gần hộp bột màu trắng sử dụng dở dang. Dùng tay quệt thử, bột có mùi giống mắm tôm. Nhân viên cơ sở Như Hương nói rằng đó là hương liệu chiết xuất từ các túi bột lớn, có tác dụng làm chả lụa giòn, dai; nhưng khi cơ quan chuyên trách yêu cầu làm rõ xuất xứ của loại phụ gia này thì cơ sở không chứng minh được. Trên nền nhà, trong kho lạnh, phát hiện 450kg mỡ heo; hơn 2,1 tấn ức gà; 215kg thịt xay… trôi nổi.

Ghi nhận của PV Báo SGGP tại hiện trường cho thấy, nhiều miếng thịt gà sau rã đông bắt đầu chảy dịch vàng. Thịt, da heo có dấu hiệu bốc mùi, ruồi nhặng bu kín một vài tảng thịt lớn. Trên quầy kệ (chứa hương liệu, chả lụa) xuất hiện hàng trăm nhãn mác ghi cơ sở Tiến Thành, Long An...

Gia súc, gia cầm trôi nổi không đảm bảo chất lượng

Những ngày này, ghé qua một số điểm “nóng” kinh doanh gia cầm trôi nổi như khu vực cầu Chợ Cầu (đường Quang Trung, nơi giáp ranh quận 12 và Gò Vấp), khu vực đầu cổng chợ Bình Điền (kéo dài từ đại lộ Nguyễn Văn Linh tới trước cổng chợ), dọc tỉnh lộ 10 (quận Bình Tân giáp huyện Bình Chánh)… gia cầm sống, gia cầm đã giết thịt chưa qua kiểm dịch được bày bán tấp nập. Càng về chiều, tối, lượng người đổ ra bán càng đông, vì vào giờ tan tầm, công nhân, người lao động bắt đầu tan ca, nên tranh thủ chọn mua hàng.

Chị Mai Thị Bích, người dân sống gần UBND phường Tân Tạo A, quận Bình Tân, cho biết, gia cầm trôi nổi từ Long An dạt vào TPHCM qua địa bàn huyện Bình Chánh, Bình Tân khá nhiều. “Người nào thích thì mua. Cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra cũng không ăn thua. Kiểm tra gắt nơi này họ chạy sang nơi khác buôn bán” - chị Mai Thị Bích cho hay.

Tính riêng từ đầu tháng 2-2015 đến nay, Trạm Thú y huyện Bình Chánh đã xử phạt hàng chục vụ vi phạm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm lậu… Một số vụ điển hình, ngày 6-2, đoàn liên ngành thú y Bình Chánh phát hiện bà Võ Thị Dung (tổ 19, ấp 4, Vĩnh Lộc B) tổ chức giết mổ heo trái phép trên nền nhà dơ bẩn, dính đầy phân, huyết heo.

Bà Võ Thị Dung từng bị đoàn liên ngành xử phạt vào giữa tháng 1-2015 nhưng nay lại tái phạm.Cùng ngày, đoàn liên ngành phát hiện ông Cao Hoàng Nam (số 6C22, ấp 6, xã Phạm Văn Hai) chuẩn bị giết mổ trái phép 9 con dê.

Cuối năm, giáp tết, cũng là mùa hàng dỏm, hàng kém chất lượng trà trộn ra thị trường. Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục QLTT TPHCM, khẳng định, sẽ thường xuyên kiểm tra việc kinh doanh, chế biến hàng hóa tết các loại.

Khi được hỏi thời gian gần đây có nhiều vụ thực phẩm lậu tràn vào nội thị với số lượng lớn, ông Phan Hoàn Kiếm cho rằng: “Không loại trừ khả năng các đối tượng kinh doanh hàng lậu cho rằng, cận tết lực lượng chuyên trách buông lỏng kiểm tra nên liều lĩnh vận chuyển hàng vào thành phố. Trước thực trạng đến hẹn lại xuất hiện hàng lậu, hàng kém chất lượng, lực lượng QLTT đã lên kế hoạch tăng cường kiểm tra, hạn chế hàng bẩn, hàng dỏm ra thị trường mùa cao điểm mua sắm tết”.

GIA HÂN

Tin cùng chuyên mục