Giữa thời thịt heo siêu nạc, heo nuôi bằng chất cấm tràn lan, gây lo ngại cho người tiêu dùng, thật khó hiểu khi thịt heo an toàn VietGAP đã có mặt trên thị trường vài năm qua nhưng không ai biết! Hợp tác xã Chăn nuôi Tiên Phong (TPHCM) với sự tài trợ của dự án SIDA đã nuôi và chào hàng thị trường thịt heo có chứng nhận VietGAP từ khá lâu, nhưng bị tắc đầu ra, do thịt heo siêu nạc lại được tiểu thương chuộng hơn heo VietGAP!
Sức ép từ tiểu thương
Từ ngày 9-10-2015, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ (huyện Củ Chi) đã đưa ra thị trường 2 sạp chuyên bán thịt heo VietGAP tại chợ Hòa Bình (quận 5). Cùng với sự giúp sức của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) và báo chí, người dân TP mới biết chuyện… có thịt heo sạch VietGAP bắt đầu bán tại chợ Hòa Bình. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm xuất hiện, heo được nuôi và chứng nhận VietGAP (nuôi theo thực hành nông nghiệp tốt hay nói nôm na là không sử dụng chất cấm, đảm bảo truy xuất nguồn gốc từ trại nuôi đến người tiêu dùng) mới có kênh tiêu thụ riêng tại chợ Hòa Bình.
Liên tiếp trong những ngày đầu ra mắt thịt VietGAP, số lượng người mua tăng cao, thậm chí có ngày, không ít người dân từ các huyện xa của TP phải tới chợ thật sớm mới có thể mua được thịt. Giá bán lẻ thịt heo VietGAP bằng với giá thịt heo thông thường. Theo đánh giá cảm quan, thịt heo tươi hồng tự nhiên, phần nạc không sát da. Sau mua, thịt heo được đựng trong các túi ni lông có in chữ VietGAP để người tiêu dùng có thể nhận biết, so sánh. Thế nhưng, nếu trở lại chợ Hòa Bình vào những ngày này, người mua sẽ không biết quầy hàng nào bán thịt VietGAP, bởi xung quanh 2 quầy thịt heo VietGAP của Công ty An Hạ, các quầy thịt khác đều gắn bảng “thịt sạch” và tiểu thương cũng không ngại giới thiệu quầy thịt của mình cũng bán… thịt heo VietGAP!
Ít ai biết rằng, thịt heo VietGAP ở TPHCM đã có mặt trên thị trường mấy năm nay. Hợp tác xã Chăn nuôi Tiên Phong (TPHCM) với sự tài trợ của dự án SIDA đã nuôi và đạt chứng nhận VietGAP từ khá lâu, nhưng bị tắc đầu ra, do các nhà phân phối lớn e ngại vì lượng cung cấp hàng ngày quá ít. Cuối cùng, heo VietGAP của HTX Tiên Phong khi ra thị trường bị hòa lẫn, không còn phân biệt được.
Heo VietGAP nuôi theo dự án Lifsap được đầu tư thực hiện theo chuỗi, từ chăn nuôi, giết mổ, vận chuyển và phân phối. Mỗi khâu trong chuỗi này đều phải thực hiện theo yêu cầu nghiêm ngặt Lifsap đặt ra. Các chợ bán heo VietGAP phải nâng cấp phù hợp, đồng bộ cả khu vực bán thịt. Có thể nói, dự án đã thực sự tạo ra chuỗi thực phẩm thịt heo an toàn, là điều kiện để khi dự án Lifsap kết thúc, chuỗi tiếp tục tồn tại và nhân rộng, thay vì chấm dứt như không ít dự án hỗ trợ trước đây.
Nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGap tại HTX Tiên Phong
Quầy bán thịt heo tại Công ty Vissan. Ảnh: CAO THĂNG
Vậy nhưng, mô hình này lại đứng trước những thách thức mới. Nếu trước đây bị tắc do không nhà phân phối nào mặn mà, thì hiện nay lại bị sức ép bởi chính các tiểu thương trong cùng một chợ. Sau thời gian đưa vào hoạt động, quầy bán thịt heo VietGap đã bị một số tiểu thương buôn bán tại chợ gây áp lực, buộc phải tháo gỡ băng rôn có liên quan đến chữ “thịt sạch” dán trên quầy sạp, bảng giá cũng buộc phải làm nhỏ lại.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ: “Việc tiểu thương không bán thịt heo VietGAP của công ty nhưng vẫn mạo nhận để bán cho khách hàng đang khiến chúng tôi đau đầu. Công ty An Hạ chỉ chọn 2 quầy sạp số 123D - 124D để phân phối thịt tại chợ Hòa Bình với số lượng 300kg - 400kg, trong thời gian từ 6 giờ đến 10 giờ sáng mỗi ngày. Sau 10 giờ, nếu thịt còn dư không bán hết, công ty sẽ thu hồi về xử lý theo quy định. Tuy nhiên, do các quầy sạp trong chợ lại tương tự nhau về hình thức, kiểu dáng - vì đều do Dự án Lifsap đầu tư hỗ trợ, một số tiểu thương lợi dụng sự “mập mờ” này khi bán nên không ít người tiêu dùng mua nhầm”. Vấn đề này chính quyền, ban quản lý chợ nên vào cuộc, giải quyết thỏa đáng, cũng như thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng biết các điểm bán thịt heo an toàn.
Vì sao chưa mở rộng điểm bán thịt heo VietGAP?
Thông tin về nguyên nhân chưa bán đại trà thịt heo VietGAP ở thời điểm hiện tại, Công ty An Hạ cho biết: Việc quản lý thịt heo VietGAP khi phân phối ra thị trường đang gặp khó. Nguy cơ thịt bị trà trộn với thịt heo được nuôi thông thường rất cao. Ví dụ, sau giết mổ, cả tảng heo VietGAP của An Hạ sẽ được đóng dấu kiểm dịch có chữ VietGAP, nếu cần thiết, công ty dễ dàng truy xuất nguồn gốc. Nhưng khi pha lóc, các dấu hiệu nhận biết sẽ không còn như ban đầu, khả năng bị trà trộn các loại thịt heo khác khá lớn.
Một quầy tự gắn bảng “thịt sạch” tại chợ Hòa Bình, quận 5, TPHCM
Gần đây, nhiều thương lái định lấy thịt heo của công ty để bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Phía chúng tôi có yêu cầu thương lái cam kết chỉ bán thịt heo VietGAP của Công ty An Hạ, họ đã đồng ý. Thế nhưng, khi An Hạ đề nghị được quyền đột xuất lấy mẫu thịt heo (khoảng 200gr) để kiểm tra thì họ không chấp nhận. Do vậy, chúng tôi đã từ chối hợp tác với các thương lái này vì thấy không đủ tin cậy.
Để giải quyết bài toán trà trộn thịt heo, Công ty An Hạ hướng đến việc cử nhân viên công ty trực tiếp bán; hướng tới việc đóng gói sẵn sản phẩm để phân phối cho người mua, mở dịch vụ giao hàng tận nơi theo số điện thoại 0933.781.616. Về khả năng cung ứng, công ty cho biết, hoàn toàn đủ khả năng cung cấp thịt heo VietGAP (khoảng vài trăm con/ngày).
Vừa qua, một số hộ chăn nuôi heo VietGAP tại 12 tỉnh, thành phố có tìm đến công ty đề nghị cung cấp heo hơi; vì người dân thấy được lợi ích mỗi tạ heo hơi VietGAP bán ra giá cao hơn heo nuôi bình thường 100.000 - 200.000 đồng/kg. Điều này chứng tỏ nguồn cung heo VietGAP ra thị trường khá dồi dào, không lo thiếu hụt.
Về giá bán, hiện nay giá thịt heo VietGAP bán ngang giá heo nuôi thông thường, tuy nhiên, bà Nguyễn Hồng Thắm chia sẻ: Hiện nay, các hộ chăn nuôi heo VietGAP đang được Dự án Lifsap hỗ trợ đến hết năm 2015, nên giá heo được ưu đãi. Tuy vậy, hết năm nay, khi dự án hỗ trợ chấm dứt, chúng tôi dự kiến tăng giá bán thịt heo VietGAP khoảng 5.000 đồng/kg để hỗ trợ giá thu mua heo hơi cho bà con, giúp người chăn nuôi có động lực làm việc. Quy trình nuôi heo VietGAP phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe, nhưng người dân lại bán heo với giá thông thường, thì chắc chắn chẳng ai muốn tiếp tục công việc.
| |
CÔNG PHIÊN - THI HỒNG