Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài toán chưa lời giải - Bài 1: Ở “căn cứ” làm hàng lậu

Khi áo Lacoste giá 35.000 đồng
Hàng Trung Quốc tràn ngập thị trường - Bài toán chưa lời giải - Bài 1: Ở “căn cứ” làm hàng lậu

Khi áo Lacoste giá 35.000 đồng

Dù người dân rất lo lắng khi các cơ quan chức năng vừa phát hiện trong các loại quần áo và vải vóc xuất xứ từ Quảng Đông - Trung Quốc (TQ) có chứa hóa chất độc hại nhưng ở các cửa khẩu Tân Thanh, Chi Ma (Lạng Sơn), Ka Long, Bắc Luân (Quảng Ninh)... hàng “núi” quần áo, vải vóc “made in China” vẫn được tập kết, tuồn lậu ồ ạt vào Việt Nam (VN). Thậm chí, hàng qua khỏi cửa khẩu còn được “mông má” thành hàng VN để lừa bịp người tiêu dùng. 

Hiện nay, việc buôn bán giữa VN - TQ qua khu vực TP Móng Cái chủ yếu thông qua 2 cửa khẩu Bắc Luân và Ka Long. Không nằm trong số hàng hóa nhập chính ngạch về VN, mỗi ngày, từ Móng Cái, hàng chục tấn quần áo theo tàu lửa, xe khách lũ lượt xuôi về Nam...

Vừa đặt chân đến cửa khẩu Bắc Luân, chúng tôi bị hàng trăm người vây quanh, mời chào mua đủ loại quần áo hàng hiệu của Lacoste, Pierre Cardin, Levi’s, Armani..., với giá cực “mềm”. Một đôi áo phông Lacoste 100.000 đồng, nhưng khách vừa trả 70.000 đồng, người bán đã gật ngay. Còn giá xa cạ nhiều loại quần áo khác rẻ… như lá khô, chỉ khoảng 15.000 - 20.000 đồng/chiếc. Chủ sạp nói thẳng: “Hàng lậu mới có giá đó, chứ còn hàng nhập qua cửa khẩu thì còn lâu”. Hỏi quần áo lậu có độc không, chị bảo: “Chúng tôi không mặc nên chẳng bận tâm!”.

Không riêng Bắc Luân, khắp các chợ, cửa hàng thời trang ở TP Móng Cái,  đâu đâu cũng gặp quần áo “made in China”.

Hàng Trung Quốc đã ghi sẵn tên người nhận bên phía Việt Nam.

Hàng Trung Quốc đã ghi sẵn tên người nhận bên phía Việt Nam.

Trong vai người đi săn hàng lậu để mở “shop” dưới xuôi, chúng tôi tiếp cận được một số “đầu nậu” thu gom, chuyển quần áo lậu từ bên kia biên giới vào VN. Dù tuổi mới ngoài 30 song Nguyễn Mạnh Liên được coi là có máu mặt ở Móng Cái vì tỏ ra khá “thân mật” với các cơ quan chức năng của địa phương và nắm trong tay cả một tiểu đội “chim lợn”, “cửu vạn”. Khách hàng của Liên, lúc nào cũng có khoảng 14 - 15 mối ruột ở dưới xuôi, chủ yếu ở khu chợ Đồng Xuân (Hà Nội).

Liên thỏa thuận: “Nếu các anh chỉ mua các lô quần áo lẻ tẻ thì đơn giản, bọn tôi chỉ cần bảo các “cửu” sang bên kia xé lẻ các kiện hàng rồi xách dần qua cửa khẩu về bên này là thu gom, giao tận tay cho các anh. Còn nếu đánh lô hàng lớn thì không thể đi qua cửa khẩu mà phải đi bằng đường biên.

Ở đây, 100% quần áo TQ tuồn về VN đều là hàng lậu, vì nếu qua cửa khẩu, nhập đường chính ngạch, nộp đủ thứ thuế thì chủ hàng móm nặng”. Chiêu làm ăn rất đơn giản. Sau khi làm giấy thông hành, các “cò” sẽ đưa khách sang Đông Hưng, thậm chí là vào tận “thủ phủ quần áo” Quảng Châu để đặt quan hệ làm ăn với các chủ hàng TQ và chọn các mẫu quần áo cần mua, số lượng đơn hàng cần nhập - nếu muốn hiệu gì, chỉ cần mang mẫu sang. Xong xuôi, toàn bộ khâu vận chuyển lô hàng về VN sẽ do quân của Liên lo, đảm bảo “đầu xuôi đuôi lọt”. Các kiện quần áo sẽ được tập kết ở Móng Cái để giao tận tay khách - nếu khách cần, Liên bao luôn việc đưa quần áo về Hà Nội hoặc xa hơn.

Đột nhập các “lò sản xuất”

PV Báo SGGP trong vai người mua hàng đã đột nhập vào các “tổng kho” ở tận TP Đông Hưng (TQ) để tìm hiểu các cung đường, đầu mối buôn bán về VN. Một “cò” tên Nguyễn Đức Tài, 32 tuổi, chuyên dẫn mối giữa các chủ hàng người VN với các tổng kho, đại lý vải vóc, quần áo ở TQ, dẫn chúng tôi đến một “tổng kho” nằm bên bờ sông Ka Long, thuộc khu Bắc Luân (Đông Hưng).

Hàng lậu đi bằng mọi ngả đường vào Việt Nam.
Hàng lậu đi bằng mọi ngả đường vào Việt Nam.

Tài nói: “Đây là một trong những cơ sở ruột của bọn em, tập kết đủ loại hàng hóa. Chủ tổng kho thuê lại địa điểm ở Đông Hưng để làm ăn, còn nhà xưởng sản xuất, cung cấp hàng hóa nằm ở tận Quảng Châu, cách Đông Hưng khoảng 800km nên giá khá mềm so với các tổng kho khác”. Ở giữa Đông Hưng, lúc nào cũng có sẵn một chợ hàng hóa từ vải vóc, bếp ga đến giày dép, thuốc lá… Tuy nhiên, chỉ có khoảng 30% các chủ người VN lang thang đánh hàng ở đây về Móng Cái, phần lớn vào tận Quảng Châu, nơi được coi là “thiên đường” hàng hóa của TQ, để đánh từng container hàng về nội địa vì càng đi sâu vào bên trong thì giá càng rẻ hơn.

Chủ của đại lý vải tên Bình, một người TQ, nói khá sõi tiếng Việt: “Sau khi quen biết nhau rồi thì các anh chỉ cần ở bên VN gọi điện là chúng tôi sẽ đưa cả lô hàng sang giao tận Móng Cái. Giả dụ, mỗi một cây vải, kiện quần áo, ngoài việc trả theo đơn giá chung, các anh phải trả thêm 3 NDT/kg gọi là tiền cước vận chuyển về đến Hải Phòng, Hà Nội hoặc 5,5 NDT/kg nếu đưa hàng vào tận TPHCM. Các mặt hàng khác, tùy chủng loại sẽ thỏa thuận giá cả cụ thể”.

Đợi hàng thông biên

Toàn bộ khoản thuê mướn cửu vạn đưa hàng qua sông, kho bãi, làm luật... chủ các “tổng kho” sẽ lo từ A đến Z. Sở dĩ làm được như vậy vì “tổng kho” nào cũng phải có hẳn một công ty chuyên vận chuyển. Chủ của công ty vận chuyển của Bình tên là Minh, cũng người TQ, tiết lộ: “Chúng tôi luôn có trong tay 2 đội xe, đội cửu. Một đặt ở Móng Cái và một đặt ở Đông Hưng. Nếu hàng thông biên thì các cửu sẽ bốc bằng đò qua sông Ka Long. Còn khi cấm biên, hàng sẽ được gửi “ké” vào các thùng container và các chủ hàng sẽ khai thụt lượng hàng cần thông quan với hải quan, nên tính ra lượng hàng gửi thêm cũng không “dính” thuế, chủ xe chỉ nộp thêm khoảng 500.000 đồng “làm luật”, là hàng đi qua cửa khẩu dễ dàng”.

Một điểm tập kết hàng lậu bên bờ sông Ka Long, Móng Cái.

Một điểm tập kết hàng lậu bên bờ sông Ka Long, Móng Cái.

Một “cò” tên Tài cho biết anh có trách nhiệm móc nối với càng nhiều chủ buôn vải ở VN càng tốt và hàng tháng sẽ được các chủ TQ trả lương đàng hoàng. Tài còn là “ngân hàng trung chuyển tiền” giữa các chủ người VN và TQ. Mỗi khi cần thanh toán tiền, các chủ hàng của VN đều phải gửi tiền vào tài khoản của Tài để Tài rút ra và “ôm” sang TQ thanh toán cho các chủ.

Dù là hàng của chủ VN hay TQ, khi về đến cửa khẩu Móng Cái, tất cả được xé lẻ để tập kết dọc các “tổng kho” nằm dọc biên giới, sau đó chờ thông biên mới “khuân” qua sông Ka Long vào VN.

Theo Tài, hàng sang VN một tháng cũng có khoảng 5-7 ngày hoặc nhiều hơn bị “cấm biên”. Khi đó, hàng không thể đưa qua sông được mà phải tiếp tục xé lẻ các kiện hàng hóa ra, gói nhỏ hơn nữa, rồi mỗi “tổng kho” huy động cả trăm “cửu vạn” người VN và TQ cõng, vác, kéo lê từng gói hàng qua cửa khẩu theo kiểu hàng mua bán theo chính sách biên mậu giữa cư dân giáp biên giới của 2 nước Việt - Trung.

Cầm trong tay cuốn sổ thông hành đã nhàu nát, ngồi “canh” cả đống vải vóc, quần áo cần phải vận chuyển qua sông trong ngày theo chỉ tiêu mà chủ các tổng kho giao ở bên bờ sông Ka Long, chị Lệ cùng nhóm nữ cửu vạn tiết lộ rằng, nếu gặp những ngày thông biên thì mỗi kiện hàng mang về VN, các chủ hàng chỉ mất khoảng 20.000 đồng cho các cửu. Song vào những ngày cấm biên thì mức chi phí trên là 150.000 đồng, trong đó khoản tăng thêm là để lo lót cho các cơ quan chức năng hoặc đoàn kiểm tra (!?)

Do đã có sổ thông hành nên một năm chị Lệ có thể qua lại giữa VN và TQ như đi chợ. Đồng thời, nhờ có chính sách biên mậu tự do giữa 2 nước có cư dân sát biên giới nên các kiện hàng đưa sang VN mỗi lần có trị giá dưới 2 triệu đồng sẽ không phải nộp bất cứ một khoản thuế nào, trong khi nếu nhập theo đường chính ngạch với giá trị lớn sẽ phải nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT.

NHÓM PV ĐIỀU TRA


Đón xem bài 2: Ồ ạt hàng lậu giá rẻ

Tin cùng chuyên mục