Quyết định 64 của UBND TPHCM

Hướng đến kinh doanh thực phẩm an toàn

Ngày 31-7-2009, UBND TPHCM ban hành Quyết định 64, phê duyệt quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM. Theo đó, từ ngày 10-8-2009, việc bán buôn các mặt hàng này chỉ tập trung tại 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Điền. Quyết định cũng nghiêm cấm việc kinh doanh hàng nông sản thực phẩm tại các tuyến đường bao quanh 3 chợ này dưới mọi hình thức.

* Các hộ bán lẻ đủ điều kiện vẫn kinh doanh bình thường

Ngày 31-7-2009, UBND TPHCM ban hành Quyết định 64, phê duyệt quy hoạch kinh doanh nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM. Theo đó, từ ngày 10-8-2009, việc bán buôn các mặt hàng này chỉ tập trung tại 3 chợ đầu mối Hóc Môn, Thủ Đức và Bình Điền. Quyết định cũng nghiêm cấm việc kinh doanh hàng nông sản thực phẩm tại các tuyến đường bao quanh 3 chợ này dưới mọi hình thức.

        Không ảnh hưởng tới các hộ bán lẻ đủ điều kiện kinh doanh

Ngay sau khi ban hành quyết định, có nhiều luồng ý kiến cho rằng, ngoài việc nghiêm cấm các khu vực xung quanh 3 chợ đầu mối: không được bán lẻ hoặc lập kho chứa hàng thì ngay cả các hộ kinh doanh nông sản thực phẩm tại các chợ bán lẻ cũng thuộc diện điều chỉnh bởi quyết định này.

Chiều qua 5-8, trao đổi với PV Báo SGGP, ông Trương Trung Việt, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cũng rất bức xúc khi dư luận đang hiểu sai nội dung của quyết định này. Theo ông, điều 1 khoản 1 đã ghi rõ, đối với hoạt động kinh doanh bán buôn các nhóm hàng nông sản, thực phẩm trên địa bàn TPHCM chỉ được tập trung tại 3 chợ đầu mối (ngoại trừ các điểm bán buôn nông sản thực phẩm đã được các cơ quan thẩm quyền cho phép) gồm chợ Thủ Đức, Hóc Môn và Bình Điền.

Việc quy định chặt chẽ đối với các điểm bán buôn hàng nông sản, không cho các thương lái bung ra để lập nhiều địa điểm cùng một lúc không chỉ nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng cho tiểu thương đã di dời từ các chợ đầu mối nội thành ra 3 chợ đầu mối ngoại thành đã, được xây dựng mới theo như cam kết của TP, mà còn hạn chế việc thất thu ngân sách nhà nước. Quyết định cũng hướng tới việc từng bước kiểm soát được nguồn gốc, vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) đối với hàng nông sản, thực phẩm.

Về lâu dài, UBND TPHCM đang yêu cầu các công ty quản lý các chợ đầu mối hoàn thiện kinh doanh tiến tới xây dựng thương hiệu riêng cho từng chợ, gắn nhãn mác trên từng sản phẩm trước khi đưa vào nội thành TP tiêu thụ. Tại 3 chợ này cũng sẽ hình thành 3 sàn giao dịch hàng nông sản khu vực.

Đối với hoạt động kinh doanh bán lẻ hàng nông sản, thực phẩm (tại điều 1 khoản 2) được thực hiện theo quy hoạch của UBND quận huyện và theo pháp luật nhà nước. Điều này được hiểu, đối với các hộ kinh doanh lẻ có giấy phép kinh doanh, có chứng nhận đủ điều kiện VSATTP… theo quy định vẫn kinh doanh bình thường. Tuy nhiên, đối với các trường hợp kinh doanh bất hợp pháp, kinh doanh ở lòng lề đường, không có giấy chứng nhận sẽ bị điều chỉnh kể từ ngày 10-8-2009.

        Kinh doanh thực phẩm an toàn

Ngoài việc khẳng định các hộ bán lẻ có đủ điều kiện kinh doanh sẽ không bị ảnh hưởng, quyết định cũng làm rõ hơn về điều kiện kinh doanh đối với các loại thực phẩm cần được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp.

Cụ thể, 3 nhóm hàng 46323, 46321, 46322 phân loại theo hệ thống ngành Việt Nam gồm rau củ quả (tươi hoặc đông lạnh), thịt gia súc, gia cầm, nội tạng dạng thịt (tươi, đông lạnh hoặc có qua sơ chế), các loại khô, mắm, thủy sản (tươi hoặc đông lạnh) như tôm, cua, cá,... là những thực phẩm có nguy cơ nhiễm khuẩn cao. Việc kinh doanh các sản phẩm này phải đáp ứng điều kiện về cơ sở trang thiết bị và có giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP do các sở, ngành chức năng cấp.

Như vậy, Quyết định 64 cho thấy quyết tâm của TPHCM nhằm chấn chỉnh lại tình trạng kinh doanh nông sản, thực phẩm tràn lan tại các tuyến đường bao quanh các chợ đầu mối, cũng như tình trạng kinh doanh thực phẩm bát nháo ở lòng lề đường. Việc siết lại hoạt động kinh doanh đối với mặt hàng này vào thời điểm hiện nay là cần thiết. Thế nhưng, để quyết định này có hiệu lực thì phải thực hiện theo một lộ trình nhất định. Nhất là trong bối cảnh hệ thống các cửa hàng tiện lợi, văn minh hiện đại chưa đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng.

TPHCM hiện có khoảng 500 cửa hàng và điểm bán thuộc các hệ thống như Co.op, Phú An Sinh, CP mart, Shop&Go, 24h, CirCle K, Best&Buy… Một số đơn vị thực sự có nhu cầu phát triển các cửa hàng giới thiệu sản phẩm như Vissan, đến nay mới chỉ lập được 53 cửa hàng. Hầu hết cửa hàng này lại tập trung ở khu vực trung tâm TP. Ngay cả việc quy hoạch chợ, siêu thị tại các quận huyện cũng còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, tại xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh có trên dưới 50.000 dân, trong đó phần lớn là dân nhập cư, nhưng cả xã không có một ngôi chợ.

Để bộ mặt văn minh thương mại đi dần vào nề nếp, ngoài việc các cơ quan phải nỗ lực hơn nữa trong việc dọn dẹp các chợ phát sinh, chợ lòng lề đường…, cũng rất cần việc tuyên truyền để người dân hiểu hơn về VSATTP. Công việc này phải được làm một cách thường xuyên và có lộ trình nhất định, nhằm tránh tình trạng giải tỏa chợ phát sinh theo dạng “bắt cóc bỏ dĩa” như chúng ta đã và đang thực hiện từ nhiều năm qua.  

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục