Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không - Bài 1: Những chuyện rắc rối xung quanh Jetstar Pacific

Bất cập trong kinh doanh vận tải hàng không - Bài 1: Những chuyện rắc rối xung quanh Jetstar Pacific

Việc không thống nhất quan điểm giữa 3 cơ quan cấp bộ (Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ) trong việc sửa đổi, bổ sung giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Công ty cổ phần Jetstar Pacific Airlines (gọi tắt là JPA) mà báo chí đưa tin trong những ngày gần đây, một lần nữa cho thấy lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không - một ngành nghề kinh doanh có điều kiện vẫn đang còn nhiều bất cập, cần phải được các cấp, các ngành quan tâm nhiều hơn nữa…

Khi chúng tôi trực tiếp liên lạc để nắm thông tin thì ông Lương Hoài Nam, Tổng Giám đốc của JPA, trả lời rằng: “Tôi không trả lời gì cả, phóng viên lấy thông tin ở đâu thì tự chịu trách nhiệm”.

Đã hơn một năm qua, câu chuyện hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines của Việt Nam (gọi tắt là PA) mua thương hiệu Jetstar (một hãng hàng không của Australia) và chính thức khai thác thương hiệu này từ 23-5-2008 cho đến nay vẫn đang còn gây nhiều tranh cãi. Nhất là mới đây, khi JPA đệ trình hồ sơ xin cấp giấy phép kinh doanh vô thời hạn (lâu nay JPA hoạt động theo giấy phép cấp tạm thời và giấy phép này sẽ hết hạn vào tháng 9-2010) thì những tranh cãi ấy càng trở nên gay gắt hơn, bởi quan điểm giữa các bộ ngành liên quan về JPA vẫn còn rất nhiều bất đồng chưa thể giải quyết được, cho dù trong văn bản số 5159/VPCP-KTN mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo: “Việc cấp phép và sử dụng biểu tượng của JPA phải phù hợp với luật pháp hiện hành của Việt Nam và thông lệ quốc tế”.

Từ chuyện bất đồng quan điểm trong cấp phép...

Xoay quanh các bất đồng quan điểm giữa các bộ ngành cho đến tận bây giờ vẫn là 2 câu hỏi: “Trong Luật Hàng không, Việt Nam hiện chưa cho phép hãng hàng không nước ngoài kinh doanh trên các đường bay nội địa (một quyền mà Tổ chức Hàng không thế giới đã thừa nhận), vậy thì việc cho phép Jetstar đưa được thương hiệu của mình vào khai thác thị trường hàng không nội địa của VN có phải là một cách lách luật hay không?”, và việc “JPA sử dụng biểu tượng như thế nào là hợp pháp?”.

Máy bay của JPA mang biểu tượng của một thương hiệu nước ngoài (Jetstar Airways) của Australia. Ảnh: Mỹ Hạnh
Máy bay của JPA mang biểu tượng của một thương hiệu nước ngoài (Jetstar Airways) của Australia. Ảnh: Mỹ Hạnh

Trên thực tế, giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không mà Bộ GTVT cấp cho JPA ngày 15-9-2008 (sẽ hết hạn vào tháng 9-2010) chưa có quy định về biểu tượng của JPA. Nhưng kể từ khi được Jetstar Airways nhượng quyền thương hiệu, JPA đã khai thác biểu tượng này tại các phòng vé, tờ rơi, quảng cáo và trên thân máy bay.

JPA và cơ quan quản lý vốn nhà nước tại đây là Tổng Công ty Đầu tư - kinh doanh vốn nhà nước (gọi tắt là SCIC) đều cho rằng, việc sử dụng thương hiệu và logo của nước ngoài sau khi được nhượng quyền là hoàn toàn hợp pháp. Ông Lê Song Lai, Phó Tổng giám đốc SCIC còn nhấn mạnh rằng, Luật Hàng không chưa cho phép nhà đầu tư nước ngoài khai thác đường bay nội địa, nhưng không cấm các nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn cổ phần không quá 49% vào các hãng hàng không trong nước. Vì vậy, việc hợp tác giữa Jetstar và PA trong nhiều lĩnh vực, trong đó có sử dụng thương hiệu là không sai luật.

Tuy nhiên, Cục Hàng không và Bộ GTVT lại khẳng định rằng Jetstar không có quyền nhượng quyền thương mại vận chuyển hàng không ngoài phạm vi quyền vận chuyển được cấp theo Hiệp định hàng không song phương Việt Nam - Australia. Jetstar cũng không có quyền kinh doanh vận chuyển hàng không nội địa Việt Nam và thương quyền quốc tế của các hãng hàng không VN. Do đó, hãng này không thể thông qua JPA để quảng bá là có chuyến bay ở nơi mình không được phép khai thác.

Tiếp viên của Jetstar Pacific (Việt Nam) được trang bị đồng phục của Jetstar Airways (Australia). Ảnh: Việt Dũng
Tiếp viên của Jetstar Pacific (Việt Nam) được trang bị đồng phục của Jetstar Airways (Australia). Ảnh: Việt Dũng

Về phía Bộ Khoa học - Công nghệ, Thứ trưởng Nguyễn Quân trong văn bản số 1333/BKHCN-SHTT cho rằng: JPA có quyền sử dụng 3 nhãn hiệu đăng ký (Jetstar, jet, hình, Starclass) theo quy định pháp luật về nhãn hiệu. Tuy nhiên, việc sử dụng phải tuân thủ pháp luật về chống cạnh tranh không lành mạnh và pháp luật về quyền kinh doanh. Nếu JPA ghi rõ chỉ dẫn trên giấy tờ giao dịch, phương tiện cung cấp dịch vụ thì khả năng gây nhầm lẫn về tên thương mại, biểu tượng sẽ bị hạn chế hoặc loại bỏ. Thứ trưởng Nguyễn Quân cũng khẳng định là quyền sử dụng nhãn hiệu của JPA nêu trên không đồng nhất với quyền cung cấp dịch vụ theo sự cấp phép của Bộ GTVT.

Còn trong văn bản số 5509/BCT-KH, Thứ trưởng Bộ Công thương Lê Danh Vĩnh thì lại cho rằng, việc Jetstar chuyển giao 3 đối tượng sở hữu công nghiệp cho JPA chịu điều chỉnh của pháp luật về sở hữu trí tuệ khi hai bên đã có hợp đồng chuyển nhượng thể hiện sự đồng thuận nên không phát sinh cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Lê Danh Vĩnh cũng cho rằng, vận chuyển hàng không nội địa thuộc danh mục kinh doanh có điều kiện. Do vậy, quan điểm của Bộ Công thương là phải tuân thủ các quy định tại Điều 7 Nghị định 35/2006/NĐ-CP, và như vậy JPA chỉ được kinh doanh sau khi được cơ quan quản lý ngành cấp giấy phép kinh doanh.

Và như vậy, “quả bóng” đã được đá về Bộ GTVT - đơn vị chịu trách nhiệm cấp phép hoạt động cho JPA. Vấn đề đặt ra là Bộ GTVT sẽ căn cứ trên những luận điểm nào để có thể cấp phép cho JPA hoạt động trong bối cảnh còn quá nhiều bất đồng, tranh cãi như đã nêu trên?

...Đến chuyện kinh doanh thua lỗ ở JPA

Mặc dù mới đây, cùng với việc gửi hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vô thời hạn, JPA đã phát đi một bản thông cáo báo chí trình bày kết quả kinh doanh cực kỳ ấn tượng của mình trong 6 tháng đầu năm 2009. Theo đó, có gần 1 triệu lượt khách bay đã bay cùng JPA trên các chặng nội địa. Và nếu chỉ tính riêng trong tháng 6-2009, JPA đã thu hút gần 180.500 lượt hành khách, tăng 43% so với cùng kỳ năm ngoái. Dù vậy, bản thông cáo báo chí này không thấy đề cập đến mức lợi nhuận mà hãng thu được trong 6 tháng đầu năm nay.

Ở đây chúng tôi cũng xin lưu ý là trong kinh doanh hàng không, doanh thu của các hãng có thể rất lớn nhưng lợi nhuận thường thấp, thậm chí lỗ, nhất là trong tình hình giá xăng dầu tăng cao như hiện nay. Còn nhớ, hơn một năm trước, tại buổi ra mắt JPA, Ban tổng giám đốc đã rất lạc quan khi phát biểu trước báo giới rằng: Việc PA đổi màu cờ sắc áo, kinh doanh bằng một thương hiệu mạnh và được Jetstar cung cấp dịch vụ đặt giữ chỗ, cập nhật lịch bay, giá vé lên hệ thống phân phối toàn cầu... sẽ khiến JPA nâng cao chất lượng, phát triển được mạng đường bay với tổng doanh thu có thể đạt trên dưới 140 triệu USD để tiến tới hòa vốn trong năm đầu là trong tầm tay.

Nhưng cho đến nay, hoạt động của JPA vẫn còn đang trong tình trạng lỗ. Theo tờ trình số 617/TCT-ĐT báo cáo Thủ tướng Chính phủ của SCIC, thì JPA đang gặp khó khăn lớn về tài chính. Theo đó, hãng này lỗ trung bình mỗi tháng 2 triệu USD (tương đương 34 tỷ đồng), và số lỗ lũy kế tính đến nay có thể đã lên tới 60 - 70 triệu USD (tương đương gần 1.000 tỷ đồng). Vậy tại sao JPA thua lỗ tới hơn 1 tỷ đồng một ngày?

Ngoài một số nguyên nhân khách quan, thì nguyên nhân chủ yếu dẫn tới tình trạng càng bay càng lỗ của JPA là do cách điều hành, quản lý. Được gọi là hãng hàng không giá rẻ, bán ra nhiều vé giá rẻ, thu hút được lượng khách hàng đông đảo, nhưng JPA có chi phí đầu vào rất cao. Ngoài việc trả lương cao (khoảng 650 - 700 ngàn USD/năm/người) cho bộ máy điều hành (chủ yếu là người nước ngoài), chi phí quảng cáo cho việc thay đổi thương hiệu của JPA rất tốn kém. Hiện nay số tiền mà JPA trả cho Jetstar gồm phí thương hiệu và dịch vụ kinh doanh lên tới con số xấp xỉ 3 triệu USD/năm. Nhiều người cho rằng, với những chi phí quá tốn kém như vậy thì JPA không lỗ mới là chuyện lạ.

>> Bài 2: Khi tài nguyên quốc gia bị “chảy máu”

THU TUYẾT – QUYÊN NGA

Tin cùng chuyên mục