Thị trường sản xuất, kinh doanh vàng - Bình ổn hay bất ổn?

Theo dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ thì duy nhất doanh nghiệp SJC mới đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng, sẽ không có một doanh nghiệp nào khác có thể gia nhập ngành. Thị trường sản xuất vàng miếng đang bị chuyển từ độc quyền nhóm sang độc quyền hoàn toàn. Sự độc quyền này sẽ tạo ra hệ lụy gì cho thị trường vàng và quyền lợi của người dân?
Thị trường sản xuất, kinh doanh vàng - Bình ổn hay bất ổn?

Theo dự thảo Nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa trình Chính phủ thì duy nhất doanh nghiệp SJC mới đủ điều kiện để sản xuất vàng miếng, sẽ không có một doanh nghiệp nào khác có thể gia nhập ngành. Thị trường sản xuất vàng miếng đang bị chuyển từ độc quyền nhóm sang độc quyền hoàn toàn. Sự độc quyền này sẽ tạo ra hệ lụy gì cho thị trường vàng và quyền lợi của người dân?

Nóng lòng mua vàng SJC

Vàng miếng giao dịch tại thị trường trong nước. Ảnh: THANH TÂM
Vàng miếng giao dịch tại thị trường trong nước. Ảnh: THANH TÂM

Kể từ sau khi NHNN công bố dự thảo Nghị định quản lý kinh doanh vàng trình Chính phủ đã gây ra nhiều xáo trộn trên thị trường vàng. Chênh lệch giá vàng miếng của hầu hết các thương hiệu vàng trong nước so với giá vàng trên thế giới từ vài triệu đồng/lượng nay đã giảm xuống còn 700.000 - 800.000 đồng/lượng. Tuy nhiên, giá vàng của SJC vẫn có mức chênh lệch khá lớn. Những thương hiệu được xem là sẽ bị loại khỏi cuộc chơi như Rồng Thăng Long, AAA… đã phải hạ giá mua và cả giá bán. Trong khi đó, với tâm lý lo sợ mất giá số vàng đang nắm giữ, người dân cũng đổ xô đi bán vàng miếng của những thương hiệu khác SJC.

Chẳng hạn như vàng miếng AAA niêm yết tại Tổng Công ty vàng Agribank vào lúc 8 giờ 15 ngày 22-11 ở mức 44,6 triệu đồng/lượng, thấp hơn 850.000 đồng/lượng so với giá vàng SJC. Vàng miếng Rồng Thăng Long của Công ty Bảo Tín Minh Châu ở mức 44,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn 950.000 đồng/lượng so với vàng SJC.

Lý giải việc “đại hạ giá”, lãnh đạo các công ty này cho rằng do người dân sở hữu vàng miếng của các thương hiệu khác đã đồng loạt bán ra để chuyển đổi sang vàng miếng SJC. Hiện tại, các thương hiệu vàng miếng khác mặc dù không hạ giá như 2 thương hiệu trên nhưng cũng niêm yết giá thấp hơn so với thương hiệu SJC.

Trước tình hình đó, ngày 21-11, NHNN đã có thông tin giải thích rằng các thương hiệu vàng miếng khác đã sản xuất vẫn được lưu thông khi Nghị định chính thức áp dụng. Thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động sản xuất, gia công, mua bán vàng trang sức mỹ nghệ là 12 tháng; thời gian chuyển tiếp đối với hoạt động kinh doanh mua bán vàng miếng là 6 tháng. Mặc dù vậy, tình trạng bán vàng miếng của các thương hiệu không phải là SJC với giá thấp để rồi mua lại vàng miếng SJC với giá cao hơn vẫn tiếp diễn.

Vào lúc 9 giờ ngày 22-11, chị Minh Hương (quận 3) cầm 2 lượng vàng ACB đến một Chi nhánh Ngân hàng ACB bán với giá 44,7 triệu đồng/lượng để mua lại vàng SJC với giá 45,5 triệu đồng/lượng. Như vậy, chị Hương đã phải bù lỗ thêm 1,6 triệu đồng cho 2 lượng vàng (do chênh lệch bán ra và mua vào). “Mặc dù ACB vẫn chưa hạ giá như các thương hiệu vàng khác và nghe nói sau này vẫn được lưu thông nhưng thôi, tôi cứ đổi qua vàng SJC cho chắc” - chị Hương cho biết.

Nếu Nghị định được chính thức thông qua như đệ trình của NHNN, không chỉ người dân chịu thiệt do có thể phải mua vàng với giá cao hơn giá thế giới mà những công ty sản xuất vàng cũng bị thiệt hại không nhỏ. Họ buộc phải thanh lý “vàng tồn kho” và có thể phải bán lại máy móc thiết bị sản xuất vàng miếng. Những thương hiệu đã dày công xây dựng sẽ biến mất trong nháy mắt.

Không để bất ổn

Xung quanh Nghị định này có rất nhiều ý kiến đánh giá trái chiều. Phía ủng hộ cho rằng các biện pháp trong dự thảo là điều cần thiết để chấn chỉnh hoạt động trên thị trường vàng vốn đang “lộn xộn” và làm tăng hiệu lực của các cộng cụ tiền tệ của Nhà nước.

Theo quan điểm này, vàng như một loại ngoại tệ. Vàng có thể tích trữ như tài sản quốc gia và sử dụng để bình ổn thị trường tiền tệ. Việc quản lý vàng là hết sức cần thiết để đảm bảo công cụ chính sách tiền tệ phát huy được hiệu lực. Ngoài ra, những thiệt hại đối với doanh nghiệp khác và người tiêu dùng khi Nghị định được ban hành là không lớn vì hiện tại SJC đã chiếm trên 90% thị phần. NHNN có thể điều tiết hợp lý lượng vàng cung ứng trong từng giai đoạn và có thể can thiệp để giải quyết các cơn nóng lạnh trên thị trường vàng.

Phía ngược lại cũng có lý lẽ riêng, NHNN đang tạo ra sự độc quyền vì không có doanh nghiệp nào trong số 8 tổ chức tín dụng đang sản xuất vàng ngoài SJC có thể đạt 25% thị phần trong 3 năm liên tiếp gần nhất. Chính NHNN cũng thừa nhận SJC đang nắm giữ 90% thị phần hiện nay. Điều này dẫn đến tình trạng không thể kiểm soát một cách hiệu quả và sẽ gây tác hại cho người tiêu dùng lẫn thị trường.

Theo một chuyên gia về tài chính, nếu chỉ có SJC được độc quyền sản xuất vàng sẽ không thể giải quyết bài toán trên thị trường vàng hiện nay. Sự chênh lệch quá lớn giữa giá vàng trong nước và thế giới gây thiệt hại cho người tiêu dùng và những cơn nóng sốt vàng có thể có sự tham gia của bàn tay “làm giá”.

Như vậy, liệu việc NHNN chỉ cho phép mình SJC được sản xuất vàng miếng đồng thời ra quy chế cấp hạn ngạch có giải quyết được những bất ổn trên? Hơn thế nữa, NHNN sẽ khó đoán biết được chính xác nhu cầu của thị trường để cấp hạn mức cho SJC. Mục tiêu hạn chế việc tích trữ vàng của người dân chắc chắn không thể thực hiện bằng cách tiết cung. Ngược lại, nó sẽ làm cho giá vàng trong nước tăng cao và tình trạng vàng chui, vàng nhập lậu sẽ có cơ hội phình to.

Trong lúc chờ quyết định cuối cùng của Chính phủ, tranh luận xung quanh những nội dung mà NHNN đề xuất vẫn chưa hạ nhiệt dù đã hơn một tháng trôi qua. Chỉ có thời gian mới có câu trả lời tốt nhất nhưng hệ quả nhãn tiền đã thấy rõ là tình trạng 2 giá xuất hiện, nhiều công ty kinh doanh vàng khốn đốn. Cho dù thế nào đi nữa thì khách hàng vẫn là người thiệt thòi nhất sau tất cả những việc này.

Thị trường vàng xuất hiện 2 giá

Trong nhiều ngày qua, thị trường vàng xuất hiện tình trạng 2 giá do một số thương hiệu vàng miếng giảm giá mạnh so với vàng SJC. Tuy nhiên, đến chiều qua (22-11), sau khi giá vàng SJC giảm liên tục, tình trạng này đã cơ bản được khắc phục.

Cụ thể, giá vàng SJC tại Hà Nội lúc cuối giờ chiều được niêm yết ở mức 44,15 - 44,55 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), trong khi vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu báo giá ở mức 43,9 - 44,38 triệu đồng/lượng (giá mua vào và bán ra), chỉ thấp hơn giá vàng SJC tương ứng 250.000 đồng/lượng và 170.000 đồng/lượng.

Tương tự, giá vàng miếng AAA của Công ty Vàng bạc đá quý Ngân hàng Nông nghiệp (AJC) cũng chỉ thấp hơn giá vàng SJC khoảng 150.000 đồng/lượng.


H.YÊN


HẠNH NHUNG - PHÚ THUẬN

Tin cùng chuyên mục