Giá xăng tăng lên 19.300 đồng/lít

Giá xăng tăng lên 19.300 đồng/lít

(SGGPO).- Sáng nay, 24-2, Bộ Tài chính đã có công văn số 98 /BTC-QLG cho phép doanh nghiệp được tăng giá bán xăng thêm 2.900 đồng/lít (từ 16.400 đồng lên 19.300 đồng) bắt đầu từ 10 giờ sáng 24/2/2011.

Cũng theo quyết định này, giá dầu hỏa tăng 3.100 đồng/lít, từ 15.100 đồng/lít lên 18.200 đồng/lít, giá dầu mazuts tăng 2.110 đồng/kg, từ 12.690 đồng/kg lên 14.800 đồng/kg, giá dầu diezel tăng thêm 3.550 đồng/lít từ 14.750 đồng/lít lên 18.300 đồng/lít.

Giá xăng đã lên 19.300 đồng/lít từ 10 giờ sáng 24-2-2011. Ảnh: Minh Sĩ

Giá xăng đã lên 19.300 đồng/lít từ 10 giờ sáng 24-2-2011. Ảnh: Minh Sĩ

Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối ngừng việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng, dầu. Mức trích Quỹ Bình ổn giá đối với các loại xăng, dầu vẫn tiếp tục thực hiện như hiện hành.

Đây là mức tăng giá lớn nhất trong lịch sử ngành xăng dầu, vượt cả kỷ lục tăng giá xăng vào tháng 7-2008 (19.000 đ/lít), khi đó giá dầu thô thế giới vào khoảng 130 USD/thùng. Hiện tại, giá dầu thô tại New York hôm qua lên 100 USD mỗi thùng, còn dầu Brent biển Bắc tại London cũng vọt lên 111 USD một thùng.

Xếp hàng mua xăng trước giờ tăng giá

Khoảng 9g sáng nay, tại nhiều cây xăng ở Hà Nội như ở Trần Hưng Đạo, Yên Phụ, Nguyễn Lương Bằng… lượng người xếp hàng mua xăng đã tăng đột biến. Nguyên nhân là trước đó, một số thông tin về việc giá xăng, dầu tăng mạnh đã được một số cơ quan thông tin đại chúng đăng tải và tin đồn đã lan truyền với tốc độ chóng mạnh. Tuy nhiên, sau thời điểm tăng giá (10g sáng nay), số lượng người mua xăng tại các điểm bán đã diễn ra bình thường, cảnh chen lấn xếp hàng không còn.

Sáng 24-2, mặc dù biết xăng sẽ tăng giá nhưng người dân tại Thừa Thiên - Huế không ồ ạt đến mua xăng dầu như những lần tăng giá trước đây. Ảnh: Văn Thắng

Sáng 24-2, mặc dù biết xăng sẽ tăng giá nhưng người dân tại Thừa Thiên - Huế không ồ ạt đến mua xăng dầu như những lần tăng giá trước đây. Ảnh: Văn Thắng

Tại TP. Hồ Chí Minh, trước 10 giờ, nhiều người biết thông tin xăng dầu tăng giá qua mạng internet đã vội vàng đến các cửa hàng bán xăng để mua gây nên cảnh chen lấn. Tuy nhiên, rất ít người xách thùng đi mua xăng về trữ, phần lớn khách đến đổ đầy bình xăng để được lợi một vài chục ngàn đồng. Các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ở thành phố vẫn phục vụ bình thường dù lượng khách khá đông. Nhiều người cho biết, dù rằng biết xăng dầu sẽ tăng giá nhưng không mua xăng về tích trữ vì rất nguy hiểm. Đa số người dân coi việc xăng tăng giá là chuyện bình thường và tính tới việc chuyển sang sử dụng các phương tiện vận chuyển công cộng.

Trong khi đó, tại Thừa thiên-Huế, vịn cớ xăng dầu tăng giá, tại các chợ lớn như Đông Ba, An Cựu, Bến Ngự (TP Huế), nhiều mặt hàng thiết yếu đã và đang có khoảng cách giá khá lớn so với các siêu thị trên địa bàn. Điển hình là nhóm hàng tươi sống đã có mức chênh lệch dao động từ 2.000 - 3.000đ/kg.

Bộ Tài chính: Việc điều chỉnh giá xăng, dầu là bất khả kháng

Lý  giải về việc cho phép doanh nghiệp tăng giá  xăng, dầu, Bộ Tài chính cho biết, giá xăng, dầu thế giới năm 2010 tăng 28,7% so với giá bình quân của năm 2009 và đầu năm 2011 tiếp tục vận động theo xu hướng tăng, nhưng giá xăng dầu trong nước thời gian đó được điều hành cơ bản là bình ổn thông qua việc Nhà nước 6 lần điều chỉnh giảm thuế nhập khẩu (từ 20% xuống 0% tính thành tiền đến nay khoảng 10.089 tỷ đồng); 4 lần cho doanh nghiệp sử dụng Quỹ Bình ổn giá để bù đắp giá vốn cơ sở tăng cao hơn so với giá bán hiện hành với số tiền đến nay khoảng: 6.396 tỷ đồng và hiện nay số dư Quỹ Bình ổn giá đã hết. Do giá xăng dầu được giữ bình ổn nên giá xăng trong nước đang thấp hơn giá xăng của Lào khoảng 8.000 đồng/lít và của Campuchia khoảng 7.100 đồng/lít, của Trung Quốc khoảng 6.100 đồng/lít. Điều này làm cho tình trạng buôn lậu xăng dầu qua biên giới diễn biến hết sức phức tạp.

Theo dự báo năm 2011 nhiều dự báo cho rằng nền kinh tế  toàn cầu tiếp tục hồi phục; hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc vẫn có những tín hiệu tăng trưởng khả quan, vì vậy, nhu cầu dầu mỏ tiếp tục gia tăng; tình hình thiên tai, lũ lụt ở các quốc gia lớn trên thế giới, tình hình bất ổn về chính trị ở Trung Đông, châu Phi... sẽ có tác động làm giá cả nói chung, giá dầu nói riêng biến động tăng.

Cảnh mua xăng bình thường trở lại sau 10 giờ sáng 24-2. (Ảnh chụp tại mũi tàu Lý Thường Kiệt - Lạc Long Quân, P8, quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: Trần Thanh

Cảnh mua xăng bình thường trở lại sau 10 giờ sáng 24-2. (Ảnh chụp tại mũi tàu Lý Thường Kiệt - Lạc Long Quân, P8, quận Tân Bình, TPHCM). Ảnh: Trần Thanh

Trong khi đó, tổng nguồn cung dầu mỏ của các nước không thuộc OPEC (sản lượng dầu mỏ của các nước ngoài OPEC chiếm xấp xỉ 65% sản lượng dầu mỏ của toàn cầu trong năm 2010) sẽ giảm khoảng 250.000 thùng/ngày, chủ yếu do sản lượng dầu mỏ ở Biển Bắc, Bắc Mỹ và nguồn cung từ Nga giảm. Như vậy, sẽ có khả năng mất cân đối ở mức độ nhất định giữa nguồn cung cấp và nhu cầu sử dụng về dầu mỏ trên toàn cầu trong năm tới.

Mặt khác, sự biến động của đồng đô la Mỹ cũng là một trong những nhân tố chính dẫn tới những thay đổi trên thị trường dầu mỏ. Do giá xăng dầu thị trường thế giới sẽ tiếp tục giao động ở mức cao trong thời gian tới; hơn nữa các giải pháp tài chính đã được sử dụng hết và tiềm lực không còn vì thuế đã giảm về 0%, Quỹ Bình ổn giá đã sử dụng hết; đồng thời để khắc phục hiện tượng gian lận thương mại trên đây ... thì việc điều chỉnh giá là cần thiết.

Cũng theo Bộ Tài chính, sau bước điều chỉnh trên, từ quý II trở đi sẽ tiếp tục thực hiện kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước: nếu giá thế giới tăng thì điều chỉnh tăng giá trong nước, nếu giá thế giới giảm thì khôi phục mức thuế nhập khẩu, sau đó có thể thực hiện giảm giá bán.

      Nhóm PV

Tin cùng chuyên mục