Làm thế nào để ổn định thị trường gas? Bài 1: Khi thị trường hỗn loạn…

Ngày 2-3-2012 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2012/TT-BTC quyết định giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống 0%. Ngay sau khi có quyết định này, các doanh nghiệp gas cũng đã đồng loạt giảm giá bán gas 16.000 đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là động thái giải quyết tức thời, trước mắt chỉ mới giúp thị trường gas không lên cơn sốt quá cao mà thôi. Vấn đề lâu dài vẫn phải tìm giải pháp căn cơ để ổn định thị trường gas, giúp thị trường này phát triển một cách bền vững và lành mạnh.
Làm thế nào để ổn định thị trường gas? Bài 1: Khi thị trường hỗn loạn…

Ngày 2-3-2012 vừa qua, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 37/2012/TT-BTC quyết định giảm thuế nhập khẩu mặt hàng gas từ 5% xuống 0%. Ngay sau khi có quyết định này, các doanh nghiệp gas cũng đã đồng loạt giảm giá bán gas 16.000 đồng. Tuy nhiên, đó chỉ là động thái giải quyết tức thời, trước mắt chỉ mới giúp thị trường gas không lên cơn sốt quá cao mà thôi. Vấn đề lâu dài vẫn phải tìm giải pháp căn cơ để ổn định thị trường gas, giúp thị trường này phát triển một cách bền vững và lành mạnh.

Sự bỏ ngỏ quản lý, giám sát đối với hệ thống phân phối gas là một trong những nguyên nhân làm rối loạn thị trường.

Loạn từ hệ thống phân phối...

Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay cả nước có 27 doanh nghiệp đầu mối được nhập khẩu gas và khoảng 100 đơn vị kinh doanh gas, trong đó có 10 doanh nghiệp nước ngoài. Về hệ thống phân phối (đại lý, cửa hàng bán lẻ…), riêng tại địa bàn TPHCM con số chính thức thống kê được cũng đã có tới 1.700 giấy phép cửa hàng bán gas (chưa kể rất nhiều cửa hàng bán lẻ gas nhưng không có giấy phép).

Theo Nghị định 107/QĐ-CP của Chính phủ, việc kinh doanh gas phải được thiết lập theo hệ thống phân phối như kinh doanh xăng dầu. Tức là các tổng đại lý kinh doanh gas chỉ được treo biển hiệu, logo của một thương hiệu kinh doanh gas đầu mối mà mình làm tổng đại lý, hay đã ký hợp đồng làm đại lý. Thế nhưng trên thực tế hiện nay, các tổng đại lý và đại lý bán gas đã không thực hiện quy định đó, ngược lại họ treo nhiều biển hiệu và bán rất nhiều loại gas khác nhau. Chính sự bỏ ngỏ quản lý giám sát đối với hệ thống phân phối gas là một trong những nguyên nhân làm rối loạn thị trường. Các doanh nghiệp kinh doanh gas thừa nhận, họ chỉ công bố giá xuất xưởng chứ không quản lý được giá bán đến tay người tiêu dùng.

Một cửa hàng bán gas tại quận Bình Thạnh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: KIM NGÂN

Một cửa hàng bán gas tại quận Bình Thạnh (ảnh chỉ mang tính minh họa). Ảnh: KIM NGÂN

Hiện tượng các tầng nấc trung gian, tranh mua, tranh bán phổ biến hiện nay là hệ lụy của việc chưa xây dựng và quản lý được hệ thống phân phối, khiến doanh nghiệp kinh doanh không quản lý được giá bán đến tay người tiêu dùng. Vì vậy, khi giá gas biến động, biên độ tăng, giảm càng lớn thì thị trường càng hỗn loạn, người tiêu dùng thiệt hại đã đành, các doanh nghiệp cũng thiệt hại nặng về kinh tế. Bởi lẽ khi giá gas lên thì doanh nghiệp bị các đại lý đầu cơ gom hàng giá rẻ để sau đó bán với giá mới cao hơn. Còn khi giá xuống thì doanh nghiệp không bán được hàng, buộc phải bán với giá mới thấp hơn với những hàng giá cao từ trước đó.

... đến loạn gas giả, giá bán

Có thể nói, sự hỗn loạn, bát nháo của hệ thống phân phối là một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến cho thị trường gas trong nước thường xuyên biến động và giá của mặt hàng này liên tục nhảy múa. Thực tế thời gian gần đây cho thấy, gas là mặt hàng tăng giá kinh khủng nhất. Chỉ cần tính trong một thời gian ngắn từ tháng 1-2012 đến nay, gas đã 3 lần tăng giá với tổng mức tăng 126.000 đồng, mức tăng này đã đẩy giá bán lẻ hiện nay lên 461.000 - 465.000 đồng/bình 12 kg.

Lý do mà các đại lý đưa ra thường là chiết khấu quá thấp, hoa hồng không đủ chi phí cho công tác bán hàng nên họ buộc phải tăng thêm giá bán. Còn các doanh nghiệp đầu mối lại cho rằng, mình không thể quản lý được các đại lý.

Một vấn đề nữa cũng cần phải đề cập ở đây là tình trạng hỗn loạn vô tổ chức, thiếu quản lý trong hệ thống phân phối gas, dẫn đến tình trạng tràn lan gas giả. Thực tế cho thấy, những bình gas bị chiếm dụng và san chiết trái phép thường thiếu trọng lượng từ 1 - 2kg. Một trạm chiết gas trái phép 100 tấn/tháng, mỗi bình gas thiếu 1kg thì số tiền kiếm lời bất chính đã lên đến xấp xỉ 100 triệu đồng. Con số đó sẽ rất lớn ở những trạm san chiết gas trái phép lên đến 300 - 500 tấn/tháng với số lượng thiếu hụt mỗi bình là 2kg. Ngoài ra chưa kể đến việc trốn thuế và chiếm đoạt thuế VAT. Vì giá bán gas hiện nay đã bao gồm thuế VAT mà người tiêu dùng đã nộp, khi san chiết gas trái phép, không có chứng từ hóa đơn thì số thuế này đã bị chiếm dụng.

Theo tính toán, với khoảng 20% trong số 6 triệu bình gas đang trôi nổi trên thị trường, bị chiếm dụng san chiết trái phép thì mỗi năm nhà nước thất thu thuế VAT khoảng 83 tỷ đồng. Vì nguồn lợi nhuận lớn mà rất nhiều cá nhân đã bất chấp nguy hiểm để san chiết gas trái phép.

Tiến sĩ Nguyễn Sỹ Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết, hợp đồng kinh doanh với các đại lý đều có ghi rất rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của mỗi bên, trong đó có yêu cầu giá bán phải được ấn định theo giá các doanh nghiệp đầu mối công bố, nếu không thực hiện sẽ áp dụng các biện pháp xử phạt như cảnh cáo, ngừng cung cấp hàng, điều chỉnh kịp thời để bảo vệ lợi ích người tiêu dùng... Nếu làm đúng theo hợp đồng thì không có vấn đề gì xảy ra, nhưng hiện nay các doanh nghiệp gas đều không làm tốt khâu kiểm tra, giám sát, xử phạt đối với các đại lý, mỗi lần thay đổi về giá hoặc chính sách, các đại lý, cửa hàng làm trái thì cũng phớt lờ, không có biện pháp xử lý. Trên thực tế, các doanh nghiệp đầu mối hiện chỉ quản lý được các đại lý hệ thống (đại lý cấp 1) và hệ thống bán lẻ trực tiếp. Còn các đại lý tự do, kinh doanh nhiều loại của nhiều hãng khác nhau thì rất khó quản lý.

NGUYỄN THU TUYẾT

Tin cùng chuyên mục