Tết Việt dùng hàng Việt - Bài 1: Độc quyền thị trường thực phẩm

Lên ngôi
Tết Việt dùng hàng Việt - Bài 1: Độc quyền thị trường thực phẩm

Sau nhiều năm nỗ lực cạnh tranh với hàng ngoại, đến nay có thể khẳng định hàng sản xuất tại Việt Nam đã đủ mạnh để chi phối thị trường Quý Tỵ 2013. Không chỉ nhà sản xuất nỗ lực đầu tư, đa dạng sản phẩm, tạo nét mới trong tiêu dùng, mà quan trọng là hàng nội được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua.

Hàng phục vụ tết thương hiệu Việt chiếm lĩnh tại các chợ. Ảnh: Cao Thăng

Hàng phục vụ tết thương hiệu Việt chiếm lĩnh tại các chợ. Ảnh: Cao Thăng

Lên ngôi

Còn 2 tuần nữa thị trường mới thực sự bước vào cao điểm mùa kinh doanh hàng tết. Thế nhưng, so với những năm trước, dường như tết năm nay đến sớm hơn. Đi đến đâu, người ta cũng bắt gặp hàng tết được bày biện với các mẫu mã đẹp mắt. Cùng với đó, hàng loạt các chương trình kết nối để tung hàng Việt ra thị trường đã làm nóng không khí đón tết, mừng xuân. Theo ghi nhận của chúng tôi, hàng hóa tết năm nay có xu hướng nghiêng hẳn về hàng Việt, với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng tốt, giá cả phù hợp với túi tiền của nhiều phân khúc tiêu dùng.

Biểu hiện rõ nhất là ở mặt hàng mứt tết các loại. Khác với cách đây hơn 3 năm, từ chợ đầu mối Bình Tây, mứt nhập gồm mứt gừng, khoai, bí, dừa, củ năng, chà là… của Trung Quốc tràn về các chợ thì nay từ chợ lẻ ở phường cho đến chợ trung tâm như Bến Thành, An Đông và chợ đầu mối như Bình Tây gần như chỉ có mứt sản xuất tại VN. Với nhiều thông tin về thực phẩm ngoại nhập kém chất lượng, cộng với việc sử dụng các loại hóa chất độc hại trong quá trình tẩy rửa nguyên liệu làm cho hàng nhập khẩu hầu như không thể tiêu thụ được.

Ở nhóm hàng bánh kẹo, ông Phan Văn Thiện - Phó Tổng giám đốc Công ty Bánh kẹo Bibica cũng cho rằng chưa có mùa tết nào Bibica “vào trận” với tâm thế tự tin như năm nay. Với slogan “Đẳng cấp hàng Việt - dâng tặng yêu thương”, Bibica đưa ra thị trường 1.200 tấn bánh kẹo các loại, tăng 15% so với năm ngoái. Bibica cũng chào sân 2 dòng sản phẩm cao cấp là Goody và Palomino để cạnh tranh với hàng ngoại. Đây cũng là mặt hàng chiến lược của Bibica trong mùa tết năm nay với thiết kế bao bì mới lạ, tinh tế. Đối với các dòng bánh truyền thống là bánh hộp thiếc, hộp nhựa và hộp giấy, Bibica cũng đưa ra thị trường mỗi loại từ 8 đến 9 mẫu sản phẩm với các trọng lượng khác nhau để phục vụ nhu cầu đa dạng của khách hàng.

Theo ghi nhận của chúng tôi tại các nhà phân phối lớn như Co.opmart, Maximark, BigC, Citimart… thì bánh nội đang chiếm tỷ lệ từ 80% - 90%. Bánh kẹo VN hiện đang bày bán khoảng 500 mã hàng của gần 100 thương hiệu khác nhau. Ông Nguyễn Thành Nhân - Giám đốc chuỗi siêu thị Co.opmart nhận xét: “Đa phần khách chọn mua bánh sản xuất trong nước vì mức giá tốt, mẫu mã cải tiến hơn hẳn năm ngoái và quan trọng là có nhà sản xuất chịu trách nhiệm với sản phẩm”.

Chiếm lĩnh thị trường

Những nhóm hàng Việt gần như độc quyền chiếm lĩnh thị trường có thể kể đến như thủy hải sản đông lạnh, thực phẩm chế biến, gạo… Hàng Việt làm được điều này không chỉ bởi VN có thế mạnh xuất khẩu các mặt hàng này, nét đặc thù của hàng sản xuất tại chỗ có ưu thế giá tốt hơn mà còn do chất lượng sản phẩm và khẩu vị ngon, nhà sản xuất đã cố công đầu tư uy tín thương hiệu…

Cụ thể, nhiều nhà cung cấp gạo như Mecofood, Foodcosa, Angimex, Gentraco, Minh Cát Tấn, Phú Hải, Bảo Minh, Vinh Phát… đã khai thác tối đa lợi thế vùng miền của sản phẩm để tung mặt hàng gạo cao cấp, gạo đặc sản trong dịp tết. Công ty Lương thực Long An (Mecofood) có gạo Thố cơm, gạo Nàng hương chợ Đào nổi tiếng của vùng lúa Long An. Công ty Lương thực Tiền Giang bán gạo cao cấp của vùng đồng bằng sông Tiền như Chín con rồng vàng, gạo Hồng hạc, Hoa mai vàng… được sản xuất bởi dây chuyền công nghệ hiện đại, có máy tách màu gạo nên hình thức đẹp, không có tạp chất và thóc lẫn, có thể bảo quản lâu dài. Công ty Angimex khai thác vùng lúa gạo An Giang tham gia thị trường với nhãn hiệu Mục Đồng và An Gia…

Với tỷ lệ áp đảo đến 98% thị phần, thực phẩm đông lạnh và chế biến trong nước gần như chiếm lĩnh toàn bộ thị trường. Với hơn 10.000 loại sản phẩm của khoảng 500 nhà cung cấp, theo các siêu thị, doanh thu từ bán hàng nội cũng chiếm tỷ lệ tương đương với thị phần. Điểm qua các sản phẩm đang bày bán, có thể thấy các nhà sản xuất trong nước đã tận dụng các nguyên liệu từ tôm, cá, ốc, nước luộc thủy sản, rau củ, gạo, bắp… để cung cấp cho người tiêu dùng thực đơn món ăn tiện dụng như xôi hải sản chiên, lẩu, BBQ (đặc sản nướng), kho…

Trái cây nội cũng được các điểm bán ưu tiên lấy hàng và khách ưu tiên chọn mua nhiều hơn. Vú sữa, xoài, thanh long, bưởi… là những mặt hàng đang bán chạy hơn hẳn các loại nho, táo, lê… nhập. Bởi người tiêu dùng sợ mua trái cây ngoại có dùng chất bảo quản, mua trái cây nội, ngon hơn, giá rẻ hơn và đảm bảo chất lượng. Theo thống kê của bà Nguyễn Thanh Hà - Phó Giám đốc Công ty Quản lý và kinh doanh khai thác chợ đầu mối Thủ Đức, nếu những năm trước trái cây nhập khẩu chiếm hơn 30% tổng lượng hàng thì nay 90% lượng trái cây cung ứng tết là nguồn hàng từ các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ. Trái cây ngoại hiện chỉ có một số mặt hàng như: bom, lê, nho, cam của Mỹ, Úc, Trung Quốc… chiếm chưa đến 10% trên tổng lượng hàng về chợ mỗi đêm. Do trái cây VN ngon, chất lượng tốt nên giá bán cũng cao hơn hẳn hàng của Trung Quốc.

Tương tự, ở mặt hàng rau củ quả, hàng VN đã làm chủ sân nhà. Không dừng lại ở mặt hàng rau an toàn, nhiều doanh nghiệp và HTX đã triển khai đồng loạt các trang trại sản xuất đạt chuẩn VietGap để nâng cấp chất lượng các loại rau,…

Bà Nguyễn Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, nhìn nhận: “Hàng Việt đang chiếm đến 90% trong doanh thu bán hàng dịp tết ở các siêu thị trên địa bàn TPHCM không dừng lại là tín hiệu đáng mừng mà phải coi đó là thành quả của sự tổng lực, chung sức chung lòng của cả cộng đồng, từ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhà kinh doanh phân phối… mới làm được”.

Thúy Hải - Uyển Như

Tin cùng chuyên mục