Tết Việt dùng hàng Việt - Bài 2: Phong phú đặc sản Bắc, Trung, Nam

Cách đây chừng 5 năm, những người dân miền Bắc sinh sống tại TPHCM phải chen lấn đến vã mồ hôi mới mua được vài món thực phẩm đặc trưng của tết Bắc, thì nay tình hình đã khác. Ngoài các cửa hàng chuyên doanh các loại đặc sản của 3 miền Bắc - Trung – Nam, hệ thống các siêu thị cũng đã vào cuộc, khai thác tối đa thế mạnh đặc sản từng vùng miền để thu hút khách.
Tết Việt dùng hàng Việt - Bài 2: Phong phú đặc sản Bắc, Trung, Nam

Cách đây chừng 5 năm, những người dân miền Bắc sinh sống tại TPHCM phải chen lấn đến vã mồ hôi mới mua được vài món thực phẩm đặc trưng của tết Bắc, thì nay tình hình đã khác. Ngoài các cửa hàng chuyên doanh các loại đặc sản của 3 miền Bắc - Trung – Nam, hệ thống các siêu thị cũng đã vào cuộc, khai thác tối đa thế mạnh đặc sản từng vùng miền để thu hút khách.

  • Đặc sản chờ khách

Còn gần 3 tuần nữa mới đến tết nhưng tại thời điểm này, thị trường TPHCM đã quy tụ đầy đủ đặc sản tết đến từ nhiều vùng miền khác nhau. Dạo một vòng các cửa hàng chuyên kinh doanh đặc sản miền Bắc, góc đường Điện Biên Phủ - Nguyễn Bỉnh Khiêm, đường Hai Bà Trưng, Nguyễn Đình Chiểu, khu vực chợ Văn Thánh đến siêu thị Hà Nội… hàng hoá được chất đầy trên các quầy kệ. Đặc sản miền Bắc được tiêu thụ mạnh trong dịp tết, có thể kể đến măng lưỡi lợn, măng vầu, mộc nhĩ, nấm hương, miến dong, nếp nương Điện Biên...

Cùng với thực phẩm khô, các cửa hàng này còn có nhiều loại thức ăn nấu sẵn đúng “chất Bắc” như chả rươi, chả cốm, giò lụa, giò bò, giò thủ, bánh chưng, bánh giầy, các loại dưa món, củ kiệu, hành muối, măng chua ngâm ớt, cùng với các món ăn hàng ngày dân dã như cá chép kho riềng, thịt đông, chân giò nấu giả cầy, ốc nấu chuối…

Khách chọn mua đặc sản miền Bắc như măng vầu, nếp nương Điện Biên... tại cửa hàng Tiến Huệ trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Khách chọn mua đặc sản miền Bắc như măng vầu, nếp nương Điện Biên... tại cửa hàng Tiến Huệ trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, TPHCM. Ảnh: KIM NGÂN

Để đảm bảo độ tươi ngon của sản phẩm, hầu hết các mặt hàng thực phẩm tươi sống miền Bắc đưa vào TPHCM đều được vận chuyển bằng đường hàng không. Có thể kể đến một số mặt hàng đặc trưng như su hào, cà rốt, bắp cải, cà chua, xà lách cuộn, rau thơm các loại, lá xương xông, hành hương, bí đao, bưởi Diễn, cam canh, phật thủ…

Chị Thúy Hà, từ Hà Nội vào TPHCM, có dịp đi dạo cùng chúng tôi đã thốt lên, đặc sản miền Bắc vào TPHCM còn phong phú hơn, ngon hơn so với ở Hà Nội. Chủ cửa hàng thực phẩm Hà Nội Tiến Huệ, đường Điện Biên Phủ, thừa nhận: khi đưa hàng vào Nam, họ đều tuyển những sản phẩm ngon nhất. Tuy nhiên, so với các sản phẩm cùng loại có thể trồng được ở phương Nam như su hào, cà rốt, bắp cải... thì các rau củ quả của miền Bắc thường có giá bán đắt gấp 4-5 lần.

Nếu như miền Bắc có thế mạnh trong việc cung ứng các loại đặc sản từ nông sản và chế biến, thì 2 miền Trung và Nam lại có đến hàng trăm loại hải sản khô, trái cây các loại và các món ăn rất đa dạng, độc đáo. Đà Nẵng, Quảng Ngãi vốn nổi tiếng với tré, chả bò, cá bống sông Trà, thì Bình Định có mực ngào, cá lao tẩm, rượu Bàu Đá. Vào sâu tới Nha Trang có khô mực, nước mắm, nem… Miền Tây với các loại khô cá lóc, cá sặt, cá kèo Cà Mau; mắm cá, mắm tôm chà, mắm tôm chua Gò Công, Châu Đốc - An Giang; khô lóc Tràm Chim, nem Lai Vung, tôm đất Bạc Liêu…

Nếu muốn mua cùng một lúc các loại đặc sản 3 miền có thể đến hệ thống Big C. Để phục vụ tết, Big C đã chuẩn bị hơn 250 tấn mứt, kẹo truyền thống và đặc sản các loại. Hàng hóa tại đây khá phong phú, với giò chả Ước Lễ Hương Sơn (giò lụa, giò bò, giò thủ, giò tai...), các loại bánh đặc sản Hà Nội (bánh cốm, xu xê, bánh dẻo, bánh nướng...), các loại mắm đặc sản miền Tây (mắm cá cơm, mắm sặt, mắm thái...), bánh răng bừa, nem chua nướng (đặc sản Thanh Hóa), các loại bánh đặc sản Sóc Trăng (bánh in, bánh pía, mè láo), bánh tét lá cẩm trứng muối (đặc sản Cần Thơ), chả bò Đà Nẵng, măng ngâm mắc mật, bánh nẳng, bánh mật (của Làng Dòng - Phú Thọ), bánh tét lá cẩm, bánh tét lá dứa (thương hiệu Mười Xiềm)…

  • Tính chuyện đường dài cho đặc sản

Lâu nay, đặc sản của các vùng miền mới chỉ hướng đến việc kinh doanh theo mùa vụ, lễ tết. Chưa có nhiều các nhà sản xuất cũng như kinh doanh tính chuyện lâu dài. Gần đây, một số sở ngành chức năng của TPHCM đã phối hợp với các tỉnh, thành, các làng nghề cùng bàn bạc từ cách thức sản xuất, quảng bá đến đưa sản phẩm vào các hệ thống phân phối để tìm đầu ra bền vững cho các mặt hàng này.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op phụ trách mua, cho biết, nhu cầu sử dụng và thưởng thức các loại đặc sản trong nước là rất lớn. Do vậy, việc tổ chức khu vực quầy bán đặc sản 3 miền tại các Co.opMart không đơn thuần chỉ là kinh doanh, chúng tôi xem đó như niềm tự hào của dân tộc. Tại mỗi địa phương có siêu thị Co.op, Saigon Co.op đều khai thác và phát huy tối đa các loại đặc sản của nơi đó. Mới đây, tại buổi kết nối giữa nhà sản xuất và phân phối do Sở Công thương TPHCM tổ chức vào cuối tháng 12-2012, Saigon Co.op tiếp tục tìm kiếm và ký kết với 5 DN và HTX trong việc bao tiêu hàng nông sản như khóm Cầu Đúc, xoài cát Cao Lãnh, dưa hấu vàng Cần Thơ…

Tại hệ thống siêu thị Big C đã ký hợp đồng trực tiếp với 90 nhà sản xuất vừa và nhỏ tại các địa phương, với tổng giá trị ước tính lên đến gần 100 tỷ đồng. Đây là cơ hội để các nhà sản xuất ở làng nghề tìm được nơi tiêu thụ ổn định, với số lượng lớn cho dịp tết này, thay vì bán rải rác các nơi như mọi năm. Các hệ thống siêu thị như Citimart, Maximark, Lottemart… cũng đã vào cuộc trong việc ký kết, bao tiêu các loại đặc sản nổi tiếng của từng địa phương như bánh pía Tân Huê Viên, hải sản khô miền Tây, bưởi hồ lô, ổi Đồng Nai...

Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm CLB ấp Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), “cha đẻ” của những quả bưởi hồ lô, dưa hấu hồ lô, mong muốn: Nếu hàng đặc sản – nông sản có đầu ra ổn định, nông dân chỉ lo sản xuất thì sản lượng sẽ tăng lên, chất lượng tốt hơn, từ đó có thể cung cấp thêm nhiều loại đặc sản trong các tháng thường. Riêng tết năm nay, CLB sẽ chào bán khoảng 8.500 quả bưởi hồ lô và hơn 3.000 quả dưa hấu hồ lô cho các đầu mối mua hàng trên cả nước, nhưng tất cả chỉ mới ký kết hợp đồng ghi nhớ. Hiện ông đang làm việc với một số siêu thị để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Bà Bùi Hạnh Thu, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, nhìn nhận: “Chất lượng các mặt hàng nông sản rất tốt, nhưng đáng tiếc do chưa được đầu tư đúng mức nên bao bì, mẫu mã sản phẩm chưa được như ý muốn”. Theo bà Hạnh Thu, thủy hải sản khô là những mặt hàng đòi hỏi vệ sinh an toàn thực phẩm cao, phải có xuất xứ hàng hóa nên trước mắt Saigon Co.op sẽ phải thực hiện nhiều động tác để giúp người dân có thể đưa vào vào siêu thị một cách sớm nhất. Về lâu dài, Saigon Co.op sẽ kết hợp với địa phương tiến hành tìm kiếm các mặt hàng đặc sản, từng bước xây dựng thương hiệu để tìm chỗ đứng vững chắc trên thị trường. 

THÚY HẢI

- Thông tin liên quan:

>> Bài 1: Độc quyền thị trường thực phẩm

Tin cùng chuyên mục