Loay hoay với nhiên liệu sinh học - Bài 2: Đâu chỉ có cây sắn

Theo nhận định của các chuyên gia, bước đầu thất bại của E5 do hệ quả tất yếu của những người làm chính sách, chưa xác định được từng lộ trình thực hiện; sự gắn kết hời hợt của các bộ, ngành có liên quan; chưa quy hoạch vùng nguyên liệu và đánh giá đầy đủ về ưu nhược điểm của cây sắn. Xét về mặt kinh tế, cây sắn đang có nhiều lợi thế bởi vừa đạt được mục đích phát triển nhiên liệu vừa hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài, không thể trông chờ vào một nguồn nguyên liệu duy nhất.
Loay hoay với nhiên liệu sinh học - Bài 2: Đâu chỉ có cây sắn

Theo nhận định của các chuyên gia, bước đầu thất bại của E5 do hệ quả tất yếu của những người làm chính sách, chưa xác định được từng lộ trình thực hiện; sự gắn kết hời hợt của các bộ, ngành có liên quan; chưa quy hoạch vùng nguyên liệu và đánh giá đầy đủ về ưu nhược điểm của cây sắn. Xét về mặt kinh tế, cây sắn đang có nhiều lợi thế bởi vừa đạt được mục đích phát triển nhiên liệu vừa hiệu quả về mặt kinh tế. Tuy nhiên, về lâu dài, không thể trông chờ vào một nguồn nguyên liệu duy nhất.

  • Nhiều nghiên cứu

Từ năm 2010, một nhóm nghiên cứu thuộc bộ môn Công nghệ chế biến dầu khí và Trung tâm lọc - hóa dầu (Đại học Bách khoa TPHCM) đã từng nghiên cứu thành công biodiesel từ các nguồn dầu thực vật đã qua sử dụng. Đồng thời, tiến hành sản xuất thử nghiệm với quy mô lớn. Kết quả, từ khoảng 2 tấn nguyên liệu dầu phế thải đã chế biến ra 1,8 tấn biodiesel.

Một nghiên cứu khác của PGS-TS Trương Vĩnh, Trưởng bộ môn Công nghệ hóa học (Trường Đại học Nông Lâm TPHCM), với việc nghiên cứu sản xuất thành công nhiên liệu sinh học từ tảo. Theo tác giả, tảo dùng để chiết xuất thành dầu biodiesel là loại tảo lục có mặt ở nhiều nơi trong tự nhiên, đặc biệt môi trường nước như ao, hồ, sông, rạch... Tảo nuôi trong điều kiện tốt khoảng 10 ngày có thể thu hoạch sử dụng. Sau đó, tảo được sấy khô và ngâm vào dung môi để tách dầu thô. Việc chiết xuất biodiesel từ tảo có nhiều ưu điểm: tốc độ sinh trưởng cao gấp 10 lần so với cây mía, có thể nuôi trồng trong điều kiện nước mặn hoặc ngọt và nếu đưa vào nuôi trồng đại trà chỉ chiếm 1% - 2% đất nông nghiệp; giảm phát khí thải nhà kính nhờ sự hấp thụ khí CO2, góp phần giảm ô nhiễm môi trường.

Trường ĐH Bách khoa TPHCM giới thiệu công nghệ khí hóa từ sinh khối để chạy máy phát điện (thuộc dự án JICA - Nhật Bản).

Trường ĐH Bách khoa TPHCM giới thiệu công nghệ khí hóa từ sinh khối để chạy máy phát điện (thuộc dự án JICA - Nhật Bản).

Dự án “Kết hợp bền vững nền nông nghiệp địa phương với công nghiệp chế biến biomass” (dự án JICA), do Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Viện Khoa học công nghiệp - Đại học Tokyo phối hợp thực hiện, bước đầu đã thành công ở quy mô phòng thí nghiệm với sản phẩm cồn nguyên chất (ethanol) từ rơm. Những thành công bước đầu là cơ sở để Chính phủ Nhật Bản quyết định tài trợ dự án “Phát triển bền vững nông nghiệp và phát triển công nghệ sinh khối ở Việt Nam” thực hiện trong 5 năm với kinh phí khoảng 5 triệu USD…

  • Vẫn chỉ là tiềm năng

Những nghiên cứu về phát triển nhiên liệu sinh học với nhiều nguồn nguyên liệu hiện rất cần thiết. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, những nghiên cứu chưa thể đưa vào quy mô công nghiệp với nhiều lý do, trong đó, giá thành cao, thiếu nguồn nguyên liệu là những nguyên nhân chủ yếu.

Đơn cử, với đề tài sản xuất biodiesel từ dầu ăn phế thải, nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát, đánh giá nguồn nguyên liệu tại TPHCM khá chi tiết. “Chúng tôi tính toán tại TPHCM với lượng dầu ăn phế thải ra khoảng 6 - 7 tấn mỗi ngày, riêng mỗi nhà hàng trung bình mỗi ngày thải ra 20 - 30kg dầu ăn. Một số nhà hàng, khách sạn lớn tại TPHCM còn ủng hộ dự án sản xuất dầu diesel sinh học và sẵn sàng hợp tác thu gom dầu ăn đã qua sử dụng và lượng dầu mỡ tách ra từ nguồn nước thải. Các nhà máy sản xuất mì ăn liền, chế biến thực phẩm ở TP cũng sẵn sàng thu gom dầu ăn phế thải để sản xuất biodiesel. Tuy nhiên thực tế không hoàn toàn đúng như kỳ vọng”, đại diện nhóm nghiên cứu thông tin. Ngoài việc dầu mỡ được người tiêu dùng mua về để sử dụng lại, thì giá thành sản xuất ra nhiên liệu cũng đắt đỏ hơn so với nhiên liệu diesel hiện nay. Đến lúc này, ngoài nguồn hỗ trợ từ Sở KH-CN TPHCM để sản xuất thử nghiệm biodiesel từ dầu phế thải (là hệ thống bán tự động do các kỹ sư tự thiết kế) ở quận Thủ Đức (TPHCM), vẫn chưa có đơn vị nào ở Việt Nam mạnh dạn đầu tư hệ thống công nghệ chế biến nhằm chuyển đổi dầu phế thải thành dầu diesel sinh học.

Tương tự, quá trình sản xuất nhiên liệu sinh học từ tảo đã cho những kết quả bước đầu khả quan, nhưng việc nghiên cứu này mới dừng lại ở mô hình thí nghiệm. Cái khó ở chỗ, muốn nuôi tảo thành công phải có quy hoạch vùng hẳn hoi và nghiên cứu kỹ lưỡng môi trường nào thuận lợi để tảo đạt được hàm lượng dầu cao nhất. Bởi nếu không có các bước nghiên cứu kỹ sẽ đi vào vết xe đổ giống như cây cọc rào jatropha. Khi đó, người dân các tỉnh miền Trung đã trồng đồng loạt loại cây này, kết quả phải nhổ bỏ hoặc lượng dầu thu được quá thấp.

Gần đây, các chuyên gia đánh giá khá cao nghiên cứu của nhóm nghiên cứu PGS-TS Nguyễn Thạch, TS Bùi Trung Thành và nhóm cộng sự ở Trường ĐH Công nghiệp TPHCM: Sử dụng trực tiếp dầu thực vật chỉ cần thông qua một bộ chuyển đổi cho động cơ diesel (công nghệ SVO), với nguyên liệu chính là dầu dừa. “So với biodiesel, giải pháp SVO có những thuận lợi là không cần có nhà máy xử lý với quy mô công nghiệp như biodiesel. Mặc dù vậy, đề tài cũng mới dừng lại ở giai đoạn thử nghiệm tại Nhà máy Chế biến dừa Thành Vinh (Bến Tre) được hơn 400 giờ. Bên cạnh đó, giải bài toán về giá nguyên liệu rẻ tiền đang là thách thức không nhỏ dành cho nhóm chúng tôi”, TS Bùi Trung Thành cho biết.

Trường Đại học Bách khoa TPHCM và Trường Đại học Tokyo (Nhật Bản) vừa khánh thành xưởng thực nghiệm tại xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi, TPHCM) có giá trị gần 1 triệu USD. Đây chỉ là một phần trong các nội dung mà 2 đơn vị sẽ thực hiện nhằm hoàn thiện mô hình “thị trấn sinh khối” đầu tiên tại Việt Nam. Theo PGS-TS Phan Đình Tuấn, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa TP, mô hình thị trấn sinh khối sẽ là một tổ hợp các công nghệ nhằm tận dụng tối đa nguồn sinh khối tại địa phương. Trong đó bao gồm: sản xuất ethanol từ rơm rạ, khí hóa rơm rạ để chạy máy phát điện, sản phẩm còn lại sau 2 quá trình kể trên sẽ được sử dụng làm phân bón nông nghiệp.

BÁ TÂN - TƯỜNG HÂN 

- Thông tin liên quan:

- Bài 1: Nửa đường đã thấy khó

Tin cùng chuyên mục