Thổ Nhĩ Kỳ muốn chấm dứt bất ổn bằng mọi giá

Sử dụng biện pháp mạnh
Thổ Nhĩ Kỳ muốn chấm dứt bất ổn bằng mọi giá

Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17-6 đã cảnh báo khả năng triển khai quân đội để dẹp yên các cuộc nổi dậy chống chính quyền kéo dài đã ba tuần qua trên khắp cả nước, giữa lúc hai nghiệp đoàn chủ chốt của nước này là KESK và DISK tổ chức đình công nhằm phản đối cảnh sát trấn áp người biểu tình.

Công nhân thuộc nghiệp đoàn DISK tuần hành tại Istanbul.

Công nhân thuộc nghiệp đoàn DISK tuần hành tại Istanbul.

Sử dụng biện pháp mạnh

Trong buổi phỏng vấn trên truyền hình, Phó Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Bulent Arinc cho biết cảnh sát “sẽ sử dụng tất cả sức mạnh” để chấm dứt tình trạng bất ổn, đồng thời  nhấn mạnh: “Nếu điều này chưa đủ, chúng tôi thậm chí có thể huy động lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ ở các thành phố”.

Cùng ngày, nhiều nhóm gồm hàng trăm công nhân đình công từ 2 nghiệp đoàn KESK và DISK đã đổ xuống các tuyến đường của thủ đô Ankara, thành phố Istanbul và thành phố phía Tây Izmir nhằm kêu gọi cảnh sát chấm dứt các hành động trấn áp bạo lực đối với người biểu tình.

Giới quan sát cho rằng, sự hiện diện của quân đội trên các đường phố sẽ đánh dấu một mốc leo thang nghiêm trọng mới trong cuộc khủng hoảng kéo dài gần 3 tuần qua, đồng thời tạo ra thách thức lớn chưa từng có đối với chính phủ của Thủ tướng Recep Tayyip Erdogan. Vì từ trước đến nay, quân đội nước này thường tự coi là lực lượng bảo vệ nhà nước thế tục, trong khi chính phủ của Thủ tướng Erdogan có khuynh hướng Hồi giáo.

Giáo sư Ilter Turan, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Bilgi ở Istanbul, cho rằng với lời cảnh báo sẽ cho triển khai lực lượng quân đội ủng hộ chủ nghĩa thế tục, chính phủ đã thể hiện quyết tâm chấm dứt tình trạng bất ổn bằng mọi giá. Ông nói: “Tuyên bố này cũng cho thấy chính phủ đã nhận thức được rằng những gì đang diễn ra là vô cùng nghiêm trọng”.

Vấp phải chỉ trích

Mỹ và các nước đồng minh phương Tây chỉ trích cách ông Erdogan xử lý cuộc khủng hoảng và cho rằng điều này đã làm xói mòn hình ảnh của Thổ Nhĩ Kỳ với tư cách là biểu tượng cho nền Hồi giáo dân chủ. Một số nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có ông Erdogan, đã ám chỉ các thế lực bên ngoài đứng đằng sau giật dây các cuộc biểu tình nhằm hủy hoại đất nước. Ngay lập tức, Nhà Trắng lên tiếng phủ nhận mọi liên quan đến tình hình bất ổn hiện nay ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel lại hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng các quyền tự do dân chủ và cho rằng hành động trấn áp của cảnh sát là “quá thô bạo”. Phe đối lập thì cáo buộc Thủ tướng Erdogan đã áp đặt các cải cách bảo thủ Hồi giáo đối với Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời bắt người dân địa phương phải hứng chịu các ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều dự án phát triển đô thị quy mô lớn.

Trong một cuộc mít tinh quy tụ hơn 100.000 người ủng hộ đảng Công lý và Phát triển (AKP), ông Erdogan đã giải thích cho các hành động trấn áp biểu tình rằng đó là “nhiệm vụ của một thủ tướng”. Ông cũng tuyên bố sẽ điều tra đến cùng những kẻ đứng đằng sau xúi giục các cuộc biểu tình.

Dù bị các bên chỉ trích, tình hình ngày càng căng thẳng, AKP cầm quyền vẫn giành được sự ủng hộ của đông đảo cử tri. Ông Erdogan vẫn duy trì được uy tín lớn, kết quả một cuộc thăm dò dư luận  mới nhất do Metropoll tiến hành, được công bố trên nhật báo Zaman, chỉ ra rằng nếu các cuộc bầu cử được tổ chức tại thời điểm hiện nay, AKP sẽ tiếp tục dẫn đầu với khoảng 35,3% tỷ lệ ủng hộ trên tổng số phiếu.

VIỆT ANH (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục