Ngày 9-8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan bắt đầu chuyến thăm Nga nhằm khôi phục lại quan hệ với Mátxcơva và khởi động lại hợp tác trong nhiều lĩnh vực.
Lối thoát của Ankara
Ông Tayyip Erdogan có cuộc hội đàm với người đồng cấp Putin ngay sau khi đặt chân đến S t Petersburg. Đây là lần gặp mặt đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo sau vụ không quân Thổ Nhĩ Kỳ bắn hạ máy bay Su-24 của Nga hồi tháng 11 năm ngoái, khiến quan hệ hai bên rơi vào căng thẳng. Vấn đề được xoa dịu khi vào ngày 29-6, Tổng thống Erdogan có cuộc điện đàm với Tổng thống Putin sau khi đưa ra lời xin lỗi chính thức như yêu cầu của Mátxcơva.
Tổng thống Nga Putin gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã nhất trí về sự cần thiết phải bình thường hóa quan hệ. Hai bên thảo luận vấn đề bãi bỏ lệnh cấm nhập khẩu lương thực của Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga; nối lại giao thông hàng không, dự án đường ống dẫn khí đốt; về cuộc xung đột Syria, cuộc chiến chống khủng bố và các vấn đề khác. Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Mátxcơva sẽ từng bước hủy bỏ các lệnh trừng phạt đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng ưu tiên của Nga là khôi phục lại mối quan hệ giữa hai nước ở mức như trước giai đoạn khủng hoảng.
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn với hãng tin TASS, Tổng thống Erdogan khẳng định sẽ không thể tìm thấy giải pháp hòa bình cho Syria mà không có vai trò của Nga. Theo ông Tuncay Ozilhan, Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Nga tại Ban Quan hệ kinh tế đối ngoại, đây là một cuộc họp rất quan trọng, với những quyết định có khả năng thúc đẩy thương mại song phương lên 100 tỷ USD. Doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc đối thoại giữa hai bên vì đây là cơ hội giúp Ankara tìm lối thoát để tránh nền kinh tế rơi vào suy yếu sau cuộc đảo chính.
Về phía Nga, ông Putin có thể nhìn thấy một cơ hội để nối lại quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Erdogan cáo buộc phương Tây nói chung và Mỹ nói riêng hỗ trợ khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Nga là một trong những nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên gọi điện cho Erdogan và thể hiện sự ủng hộ chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ sau cuộc đảo chính.
Không quay lưng lại với phương Tây
Chuyến đi của ông Erdogan đến Nga cũng là chuyến thăm nước ngoài đầu tiên sau cuộc đảo chính thất bại ở Thổ Nhĩ Kỳ. Chiến dịch đàn áp quân đảo chính của Tổng thống Erdogan khiến mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đồng minh phương Tây trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, mối quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Mỹ nói riêng và các nước phương Tây khác nói chung vẫn còn nhiều ràng buộc. Sau đảo chính, Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng các đồng minh phương Tây không chia sẻ và ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, thậm chí còn cáo buộc một số nước phương Tây “hậu thuẫn” các phần tử đảo chính.
Cho đến nay, Mỹ cũng chưa thực hiện yêu cầu dẫn độ Giáo sĩ Fethullah Gulen, người bị cáo buộc đứng sau đảo chính, đang sống lưu vong tại Mỹ bất chấp việc Thổ Nhĩ Kỳ cảnh báo điều đó sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quan hệ hai bên. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng quyết định chưa áp dụng quy chế miễn thị thực cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ vào EU theo thỏa thuận về người di cư giữa hai bên. Nhiều nước EU còn muốn chấm dứt đàm phán việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối.
Dù vậy, các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhiều lần xoa dịu lo ngại của các nước phương Tây rằng, chuyến thăm Nga của ông Erdogan không phải là dấu hiệu cho thấy quốc gia thành viên NATO này đang quay lưng lại với phương Tây. Trong cuộc họp báo vừa diễn ra tại thủ đô Ankara, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Đức Markus Ederer cho biết, Đức sẽ hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các nỗ lực trừng phạt những kẻ âm mưu dàn dựng cuộc đảo chính, song khẳng định, các cuộc điều tra cần phải được tiến hành theo các quy tắc quốc tế, tiêu chuẩn của EU, Hội đồng châu Âu, Tổ chức An ninh và hợp tác châu Âu (OSCE).
THANH HẰNG (tổng hợp)