Thờ ơ với an toàn lao động

Thờ ơ với an toàn lao động

TPHCM vẫn là địa phương có số người chết vì tai nạn lao động (TNLĐ) cao nhất nước, trong đó số người chết do an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng chiếm đến 64% số vụ. Mặc dù vậy, ý thức về an toàn lao động của người chủ sử dụng lao động, người lao động, kể cả cơ quan chức năng vẫn chưa thấy hết tầm quan trọng của nó, kể cả đang trong Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ lần thứ 14 (từ ngày 18 đến 24-3)…

Lao động không an toàn

Ngay sau khi UBND TPHCM phát động Tuần lễ quốc gia An toàn vệ sinh lao động - Phòng, chống cháy nổ lần thứ 14 tại KCN Tân Tạo, cách đó không xa chúng tôi ghi nhận đơn vị thi công cầu Bà Bộ (trên đường Nguyễn Cửu Phú, quận Bình Tân) không đảm bảo an toàn cho người đi đường. Cụ thể như không lập hàng rào che chắn công trình mà chỉ cảnh báo bằng những sợi dây ni lông, trong khi xe cộ đang tấp nập chạy qua đường tạm sát công trường rất dễ gây tai nạn.

Thi công nhếch nhác thiếu an toàn trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh.
Thi công nhếch nhác thiếu an toàn trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận Bình Thạnh.

Sang công trình xây dựng dân dụng tại hẻm 276 đường Đất Mới (quận Bình Tân), chúng tôi nhận thấy trên lầu 3, hai công nhân đang đứng vắt vẻo đóng cốp-pha nhưng không có dây đeo an toàn, không giày, nón và quần áo bảo hộ lao động.

Phía dưới đất, công nhân vận chuyển vật liệu lên tầng trên bằng tời thủ công được chống bằng 2 cây cừ nhỏ… Công trình xây dựng trên đường 32, khu biệt thự gần Công ty Pouyuen có 3 công nhân đang thi công trên cao nhưng cũng không có ai có thiết bị bảo hộ an toàn. Một công nhân mặc quần cộc, áo thun, chân đất đang cheo leo sửa giàn giáo trên tầng 3, nguy cơ tai nạn lao động dẫn đến chết người rất cao. Điều đáng nói là khi chúng tôi đang ghi hình, có một chiếc xe của lực lượng thanh tra xây dựng đi qua nhưng không có lời nhắc nhở nào (!?).

Tại công trình số 1003, Hậu Giang (quận 6), các công nhân đang đánh trần uốn thép và đóng cọc làm móng dưới bùn đất sinh lầy. Nguy hiểm hơn là công trình thi công đường cống thoát nước trên đường Bùi Hữu Nghĩa (quận Bình Thạnh), chiếm gần hết diện tích mặt đường nhưng không che chắn. Công nhân không đầy đủ đồ bảo hộ lao động, công trường nhếch nhác, đất đá vương khắp đường vào tận nhà dân.

“Công trình nhếch nhác kéo dài đã lâu, đã không ít người đi đường bị té, nhưng nhà thầu vẫn không che chắn, vệ sinh công trường, cử người điều tiết giao thông. Người và phương tiện đôi khi phải đi xuyên qua công trường, luồn dưới máy xúc, máy cẩu để lưu thông, quá nguy hiểm!” - Nguyễn Thị Hồng, một người dân nơi đây, bức xúc.

Không chỉ các công trình xây dựng mất an toàn, mà các xưởng sản xuất cũng thờ ơ không kém. Tại xưởng cơ khí số 38C, đường Ao Đôi (quận Bình Tân), một công nhân đang hàn với tia lửa bắn tung tóe vào cả mấy chiếc xe gắn máy dựng bên cạnh. Tại xưởng cơ khí gần góc đường Hàn Hải Nguyên – Tân Hòa Đông (quận 6), khi người đi đường chờ đèn đỏ còn bị tia hàn văng vào người…

Mỗi năm có trên 1.000 vụ TNLĐ

Mặc dù số vụ TNLĐ chết người năm 2011 có giảm so với năm 2010 nhưng trên địa bàn TPHCM vẫn có 1.056 vụ TNLĐ, làm chết 82 người, 998 người bị thương (cao nhất nước). Ngoài ra, trong năm qua, TP cũng xảy ra 123 vụ cháy, làm chết 4 người và bị thương 22 người.

Phó Giám đốc Thường trực Sở LĐTB-XH TPHCM Lê Trọng Sang thừa nhận, con số trên cho thấy hiệu quả công tác phòng ngừa TNLĐ, bệnh nghề nghiệp, sự cố cháy nổ trên địa bàn TP vẫn còn bất cập. Hiện vẫn còn khá lớn doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh không biết hoặc chưa phổ biến, hướng dẫn pháp luật về bảo hộ lao động cũng như triển khai các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ. Quy mô hoạt động, tuyên truyền giáo dục, truyền thông về bảo hộ lao động không tương xứng với quy mô, số lao động đang làm việc trong đơn vị, doanh nghiệp. Trong khi đó, lực lượng giám sát, kiểm tra quá mỏng so với yêu cầu. Hiện nay, thanh tra sở chỉ có 60 người nhưng phải thực hiện thanh tra rất nhiều lĩnh vực, ngành.


HỒ THU

Tin cùng chuyên mục