Thợ sửa xe đạp chế tạo… máy bay

Dù anh luôn khiêm tốn rằng mình chỉ là “thợ vườn”, nhưng đối với chúng tôi, anh thực sự là một “kỹ sư” đa tài khi tự học hỏi và chế tạo ra nhiều loại máy mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, anh còn mày mò chế tạo máy bay trực thăng để thỏa ước mơ được bay của mình. Đó là anh Lê Văn Thỏa, Giám đốc DNTN Cơ khí Nhân Độ ở thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.
Thợ sửa xe đạp chế tạo… máy bay

Dù anh luôn khiêm tốn rằng mình chỉ là “thợ vườn”, nhưng đối với chúng tôi, anh thực sự là một “kỹ sư” đa tài khi tự học hỏi và chế tạo ra nhiều loại máy mang lại lợi ích cho cộng đồng. Đặc biệt, anh còn mày mò chế tạo máy bay trực thăng để thỏa ước mơ được bay của mình. Đó là anh Lê Văn Thỏa, Giám đốc DNTN Cơ khí Nhân Độ ở thị trấn Quỳ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An.

Anh Lê Văn Thỏa đang lắp ráp các chi tiết cho máy bay trực thăng

Khởi nghiệp

Năm 1987, sau 4 năm trong quân ngũ, chàng trai Lê Văn Thỏa trở về làng. Bố mẹ anh, vốn là Việt kiều Thái Lan về nước từ đầu những năm 1960 nhưng cũng chẳng khá giả gì. Nhưng rồi, như một cơ duyên, ông ngoại anh từ Thái Lan trở về và cho anh một chiếc cờ lê, mỏ lết và vài cái vỏ ruột xe cũ. Từ đó, anh “quăng” mình ra đường… sửa xe đạp.

Ngày đó, “xóm Thái Lan” có khá nhiều xe đạp, chủ yếu là Peugeot, Favorite. Nhưng khổ nỗi, bộ đồ nghề ông ngoại cho anh cũng chỉ để vá ruột xe hoặc vặn mấy chiếc ốc lỏng chứ chẳng làm được gì nhiều. Đầu năm 1988, theo cơn sốt vàng và đá đỏ, anh lên vùng Châu Sơn (Quỳ Hợp) tìm vận may. Trúng được 1 chỉ vàng, anh liền trở về mua 1 máy hàn và quay lại công việc sửa xe đạp. Có bộ hàn trong tay, thay vì chỉ vá săm; anh sửa khung xe, hàn cổ, phuộc. Đến năm 1990, gom góp được 1 cây vàng, anh mua được chiếc xe máy Simson. Có xe máy, anh tháo tung ra xem nguyên lý hoạt động rồi lắp lại. Cứ thế, tháo ra lắp lại nhiều lần nên anh biết thêm sửa xe máy. “Hồi đó tôi chỉ sửa được các loại xe 2 thì thôi. Vừa làm vừa học, lãi bao nhiêu lại đem mua đồ nghề”, anh Thỏa chia sẻ.

Năm 1994, thấy nhiều loại ô tô chở gỗ qua lại liên tục khu vực này. Cánh lái xe tiết lộ, mỗi ngày chạy xe gỗ kiếm được cả triệu đồng, nên anh bàn với vợ mua ô tô Zin 3 cầu về chở gỗ. Thế nhưng, chạy xe cả năm mà không lời được bao nhiêu, vì chi phí cho xe tốn kém. Tổng kết lại một năm chở gỗ anh chỉ mua cho vợ được chiếc xe đạp mini. Nhưng được cái may là trong quá trình chạy ô tô, anh Thỏa mày mò tự sửa xe khi gặp hỏng hóc. Thế là anh quyết định bán xe tải, quay lại sửa xe máy và ô tô. Đến năm 1997, anh mua sắm máy móc sửa chữa các loại ô tô cỡ lớn, đón đầu cuộc khai thác khoáng sản ồ ạt trên địa bàn. Từ xưởng nhỏ, anh đầu tư mở xưởng lớn hơn và thành lập hẳn doanh nghiệp tư nhân, thuê mướn nhân công vào làm việc cho mình.

“Thử sức” với… máy bay

Việc sửa chữa các loại máy móc công trình, như: máy xúc, máy cẩu… rất phức tạp. Các loại máy này thường ít có phụ tùng thay thế, nếu bị hỏng chỉ còn cách đem bán sắt vụn. Nhưng anh Thỏa nghĩ khác. Anh kể: “Cả một cỗ máy to như thế mà chỉ vì bị gãy tay cẩu, vỡ trục mà vứt đi thì phí quá. Thế là tôi nói với các chủ xe để mình làm thử”. Nghĩ là làm, năm 2004, anh Thỏa sáng chế ra chiếc máy doa lỗ đầu tiên để doa các ổ trục cho máy công trình. Chiếc máy ban đầu này giải quyết được vấn đề tức thời, nhưng chất lượng còn thấp, vận hành vất vả. Sử dụng được 4 năm, anh cải tiến thành chiếc máy doa lỗ di động, đáp ứng được các chức năng, như: phục hồi các gối bạc, ổ bạc, gối bi, các khớp… và sau đó được Bộ KH-CN cấp bằng sáng chế. Như được tiếp thêm động lực, anh lại mày mò sáng chế ra máy tiện đá, máy búa rèn, máy cắt đá bằng dây… với giá thành chỉ bằng nửa hàng ngoại nhập và hiện cũng đang được Bộ KH-CN xét cấp bằng sáng chế.

Không dừng lại ở đó, cuối năm 2015 anh Thỏa chuyển sang chế tạo… máy bay trực thăng. Anh kể: “Sau khi nghiên cứu các tài liệu về khí động học, tham khảo các trường hợp từng chế tạo thành công máy bay trực thăng, tôi bắt tay vào thực hiện”. Anh tự vẽ hình, uốn sắt và cắt tôn để gò thành một bộ khung máy bay. Riêng máy thì anh mua động cơ của ô tô con lắp vào, cánh máy bay đi thuê đúc ở Nam Định chuyển về. Đến nay, chiếc máy bay của anh sắp hoàn thiện với chi phí hơn 50 triệu đồng và được cho chạy thử trên đường bằng, chỉ còn bổ sung một số chi tiết nữa là có thể bay được. Nói về ý tưởng độc đáo này, anh Thỏa tâm sự: “Sau khi xem đoạn clip trên internet về một ông lão 80 tuổi tự chế máy bay thành công, tôi mới nghĩ rằng đến cụ già còn làm được thì mình chẳng lẽ không. Thế là bắt tay vào làm và đang hoàn thiện giai đoạn cuối để xin phép bay thử nghiệm”.

HƯƠNG SƠN - DUY CƯỜNG

Tin cùng chuyên mục