Thơ và các câu lạc bộ thơ

Chưa có thống kê chính xác, trên phạm vi cả nước số lượng câu lạc bộ (CLB) thơ có đến hàng trăm. Riêng tại TP Hồ Chí Minh, hầu như quận nội thành nào cũng có CLB thơ và hoạt động khá rầm rộ, thu hút đông đảo những người yêu thơ. Họ là những người dân bình thường, cán bộ công chức, những người trẻ và cả những người già. Nhiều năm nay, các CLB thơ đã trở thành sân chơi thú vị ở các khu dân cư, tạo nên một nét đẹp văn hóa cộng đồng. Tiếng thơ ở nơi đây dung dị chân thật theo tiếng lòng của người làm thơ.

Từ thực tế ở một số CLB mạnh, người ta dễ dàng nhận thấy, nhu cầu làm thơ, nghe thơ, đọc thơ trong đời sống của các tầng lớp xã hội luôn tồn tại và rất phong phú. Người ta gặp nhau theo định kỳ, theo mùa lễ hội, trước là để thăm hỏi sức khỏe, đời sống gia đình, sau để đọc và nghe thơ của nhau. Không có một sự thúc ép hay áp lực. Tất cả đều tự giác, tự nguyện. Có CLB thu hút hàng trăm hội viên. Họ làm thơ để bày tỏ tâm sự của mình về tình người, về đất nước, về thiên nhiên để gửi tặng bạn bè.

Người Việt ta sinh ra và lớn lên từ thơ và trong thơ. Thơ đã thấm trong máu của mỗi người Việt. Người nước ngoài hiểu biết về Việt Nam đều có chung nhận xét, người Việt rất yêu thơ. Từ xa xưa, dòng thơ dân gian đã sản sinh ra ca dao, tục ngữ. Có những ca dao, tục ngữ đã trở thành đỉnh cao nghệ thuật, sống mãi với thời gian. Câu hát ru “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi...” trước hết là bài thơ hay về tình mẫu tử, là những câu thơ bất tử...

Trên thị trường hiện tại, dường như thơ không tồn tại. Hoặc có tồn tại cũng chỉ là hình thức. Rất nhiều nhà thơ khi in thơ cũng chỉ với mục đích gửi tặng bạn bè là chính. Người có sức tưởng tượng đến mấy, mộng mơ đến mấy cũng không thể nghĩ tới chuyện “làm thơ để làm giàu”. Thế nên, có thể nói, sự ra đời và sức sống của các CLB thơ là điều tất nhiên. Thị trường chỉ là một phần của văn hóa. Thơ xuất bản thành tập có thể ít đi. Thơ đăng trên các báo có thể ít đi. Các nhà thơ có thể buồn phiền day dứt, thậm chí chán nản bi quan. Nhưng “số phận thơ” không phải chỉ do thị trường định đoạt. “Số phận thơ” tùy thuộc vào “hồn thơ” của cộng đồng con người. “Hồn thơ” còn, thơ vẫn còn. Mà “hồn thơ” chính là một đặc trưng trong tâm hồn người Việt.

Nói như vậy, để làm rõ vấn đề, hoạt động của các CLB thơ trong thời gian qua là điều cần thiết, rất cần được trân trọng, nuôi dưỡng và định hướng cho hiệu quả hơn. Xuân về, tết đến, chắc chắn “sân chơi” thơ ở các CLB sẽ nhộn nhịp đông vui. Theo thông lệ, hàng năm, “Ngày thơ Việt Nam” được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng, luôn có sự đóng góp rất phong phú của các CLB thơ. “Ngày thơ Việt Nam” năm nay càng có ý nghĩa sâu rộng hơn khi hồn thơ hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.

Rất mong các CLB đóng góp nhiều hơn cho Ngày thơ Việt Nam được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh hướng về Thăng Long - Hà Nội. Cũng rất mong các địa phương tạo điều kiện thuận lợi và định hướng để các CLB thơ thể hiện được hồn thơ Việt Nam và những tài năng thơ xuất hiện nhiều hơn. Hoạt động của các CLB thơ không phải là một “lối thoát” cho thơ. Đây là một dòng chảy góp phần nuôi dưỡng và phát triển tiếng thơ Việt Nam.

Tân Văn

Tin cùng chuyên mục