Thơ và ngày hội thơ

Thơ là một nét đặc trưng của văn hóa dân tộc. Nói đến thơ người ta nói đến cái đẹp. Cái đẹp của tình cảm, của ngôn từ, của âm điệu. Với người Việt Nam chúng ta, thơ là tiếng lòng, là lời tâm sự thể hiện những suy tư, khát vọng, mong ước và bày tỏ cảm xúc trong cuộc sống con người và thiên nhiên. Thơ là một trong những con đường ngắn nhất để kết nối, truyền tải tình cảm con người. Thơ (với đúng nghĩa thơ) chính là kết tinh của trí tuệ, của tình cảm.

Văn hóa Việt Nam đậm chất thơ. Điều này cả thế giới đều công nhận. Nói đến văn hóa Việt Nam, người ta nghĩ ngay đến thơ. Bài thơ thần của Lý Thường Kiệt “Nam quốc sơn hà nam đế cư…” là một tuyên ngôn độc lập bằng thơ. Người Việt Nam ta sinh ra và lớn lên trong chiếc nôi thơ. Những câu thơ trong lời ru “Hỡi cô tát nước bên đàng, sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi” hay “Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi, khó đi mẹ dắt con đi…” đã góp phần tạo nên tính cách, con người Việt Nam, góp phần tô đậm và phát triển bản sắc văn hóa Việt. Ngôn ngữ tiếng Việt rất gần với âm nhạc. Âm sắc phong phú, tiết tấu uyển chuyển đã tạo nên sự truyền cảm sâu rộng.

Chính vì vậy, thơ rất gần gũi với đời sống người Việt. Thơ là tiếng thơ, tiếng nói của sự sống. Từ xưa đã vậy. Đến nay và mãi mãi về sau cũng thế. Thơ luôn là một người bạn tâm giao, một nhu cầu trong đời sống tinh thần. Sức sống của thơ bắt nguồn từ tình cảm, từ tình yêu quê hương đất nước, gia đình, tình yêu lứa đôi, tình cảm bạn bè, tình yêu thương con người… Sức sống ấy chính là sự gắn kết xã hội, một nguồn lực tạo nên sức mạnh Việt Nam.

Chính vì vậy, hàng năm vào dịp rằm tháng giêng (âm lịch), Hội Nhà văn Việt Nam và các tỉnh thành trong cả nước tổ chức Ngày thơ Việt Nam để tôn vinh cái đẹp của thơ nói riêng, văn hóa Việt nói chung. Những năm qua, Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM do Hội Nhà văn TP tổ chức đã trở thành một ngày hội thơ sôi nổi, phong phú. Hàng trăm nhà thơ và người yêu thơ đến tham dự ngày hội thơ được tổ chức tại khuôn viên Bến Nhà Rồng rằm tháng giêng năm ngoái (Tân Mão - 2011) đã nói lên sức sống của thơ tại TP.

Năm nay, Hội Nhà văn TP tổ chức Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM càng có ý nghĩa sâu sắc hơn. Ngày thơ Việt Nam xuân Nhâm Thìn là ngày thơ lần thứ 10, cũng là dịp hưởng ứng Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương lần đầu tiên tổ chức tại nước ta. Đây được coi là một sự kiện văn hóa lớn. Ngày thơ Việt Nam tại TPHCM lần thứ 10 - xuân Nhâm Thìn cũng vẫn được tổ chức tại khuôn viên Bến Nhà Rồng (Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TPHCM). Hy vọng ngày hội thơ đậm đà bản sắc dân tộc và hiện đại của thành phố sẽ thành công, tiếng thơ TPHCM bay cao, bay xa. 

HOÀNG TÂN

Tin cùng chuyên mục