Thơ viết trên đường ra trận

Thơ viết trên đường ra trận

Cuối năm 2012, tôi được Hội Nhà văn Việt Nam cử đi dự Trại sáng tác tại TP Vũng Tàu. Trong thời gian dự trại, một chiều cuối tuần, tôi tìm đến thăm anh Văn Trọng (Trần Bình Trọng) - một người bạn thơ thời trẻ  quê Hưng Yên. Thật vui mừng và cảm động với bao câu chuyện về quê hương, về thơ ca… sau trên 40 năm gặp lại.

Biết tôi là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Văn Trọng nhờ tôi tìm cho anh hai bài thơ anh viết trên đường ra trận và gửi lại miền Bắc cách đây trên 40 năm. Tháng 7-1967, Văn Trọng giã từ “bảng đen phấn trắng”, tạm biệt quê hương và gia đình lên đường nhập ngũ. Anh được tuyển chọn vào quân báo, đơn vị C22 với hòm thư mang bí số: 62388XP.

Sau thời gian huấn luyện nghiệp vụ cấp tốc tại chân núi Tam Đảo (Vĩnh Yên), đơn vị anh được lệnh lên đường vào Nam chiến đấu. Mọi sự chuẩn bị chỉ có một buổi chiều và một đêm. 5 giờ sáng hôm sau xe đón, xuất phát. Sau khi đã sắp xếp ba lô, súng đạn gọn gàng, anh chạy vội ra Bưu điện Vĩnh Yên gửi về cho gia đình chiếc khăn len và chiếc bút máy Kim Tinh, có khắc hàng chữ TL ngày 22-11-1966, hai vật kỷ niệm ngày cưới của anh. Khi trở về đơn vị, thấy nhiều chiến sĩ đang tập hát, ngâm thơ chuẩn bị cho đêm liên hoan văn nghệ tối nay. Những chiến sĩ khác đang ngồi nâng niu lau lại khẩu súng AK báng gấp, thép xanh bóng loáng cùng những viên đạn vàng óng không một hạt bụi. Cảnh tượng thật hào hùng và xúc động trước giờ ra trận. Cứ thế, những câu thơ được ra đời trong cảm xúc dâng trào và bài thơ Ra trận (hay còn gọi bài thơ Giá súng), được hoàn thành ngay trong buổi chiều đáng nhớ đó.

Tác giả Văn Trọng.

Còi tập họp ăn cơm chiều vang lên, anh viết vội những câu thơ cuối cùng vào sổ tay. Chưa kịp đứng lên thì đồng chí Chính trị viên đại đội đến hỏi: “Viết thư về nhà cho cô giáo, nên dài vậy hả?” (vợ anh cũng là giáo viên - NV). Anh liền đưa bài thơ vừa sáng tác xong cho đồng chí chính trị viên xem. Anh chính trị viên vừa đi vừa đọc và gật gù: “Được lắm, rất kịp thời. Tối nay liên hoan văn nghệ, đọc bài thơ Ra trận này cho toàn đơn vị cùng nghe trước khi lên đường”.

Đêm liên hoan văn nghệ chia tay tại sân kho Hợp tác xã Nga Hoàng, huyện Tam Dương, Vĩnh Phúc, bài thơ Ra trận được một chiến sĩ cùng đại đội ngâm đọc trước toàn đơn vị: “…Ơi cây súng sáng ngời chính nghĩa/Đạn căm thù, khi Tổ quốc trao ta/Thép xanh luyện trong lò ý chí/Hun nhiệt tình - một vũ khí thành ba!/… Ta thêm quý đêm trăng vàng hò hẹn/Nơi tâm tình bên giếng nước cây đa/Quên sao được mẹ già trao bát nước/Giữa đêm trường, thương bộ đội đường xa/… Người cầm súng yêu đời tha thiết nhất/Quý con người, như yêu vợ, thương cha/Nhưng Tổ quốc nếu khi cần ta chết/ Chẳng ngại ngần, không một tiếng kêu ca…”. Bài thơ được kết thúc bằng hai câu hào hùng như một lời tuyên thệ: “Cây súng thép với lòng yêu nước/Xin nguyện cùng Tổ quốc hiến dâng…”.

Âm vang bài thơ hòa với khúc quân hành, đưa anh cùng đơn vị vượt qua tuyến lửa Khu 4 ác liệt, hướng tới chiến trường miền Nam đang đợi...

Tới đất Quảng Bình, đơn vị anh, chuẩn bị hành quân, leo dốc vượt Trường Sơn sang đất bạn. Đêm cuối cùng ở huyện Bố Trạch, tổ ba người của anh được đưa đến nghỉ tại nhà đồng chí hội trưởng phụ nữ thôn kiêm Đội trưởng sản xuất HTX nông nghiệp. Ngôi nhà tranh ba gian đơn sơ, gia đình nhường cho các anh một gian bên. Bên ánh đèn dầu lấp loáng, cụ chủ nhà tóc bạc trắng (bố chồng chị hội trưởng) ngồi pha ấm trà nóng cho các anh uống, vừa kể chuyện nhà có ba người con đều lên đường ra trận. Anh nhìn sang gian nhà bên, dưới ánh đèn dầu vặn nhỏ, một cụ bà đang ngồi ru cháu bên chiếc võng nôi đưa. Em bé chừng 9, 10 tháng tuổi đang nằm ngủ ngon lành, thỉnh thoảng lại khúc khích cười trong mơ. Đêm ấy, anh thao thức không sao ngủ được và ngồi dậy lấy sổ tay viết nhanh bài thơ Hành quân qua xóm nhỏ: “Đường hành quân dừng chân bên xóm nhỏ/Ngôi nhà tranh, nhè nhẹ võng đưa nôi/Hàng mi dài, em bé ngủ say sưa/ Thơm sữa mẹ, đôi môi hồng chúm chím/Chắc cha em đã có lần bịn rịn/Lặng nhìn em vội khoác súng ra đi/… Đường hành quân qua ngàn xóm nhỏ…”

Hai bài thơ, anh chép cẩn thận, cho vào một phong bì đề người gửi: Văn Trọng,  hòm thư 62388XP; người nhận: Ty Văn hóa Hưng Yên. Chiều hôm sau, trên đường hành quân gặp được một lái xe ra Bắc, anh đã gửi phong thơ đó với lời dặn: “Trên đường đi ra, đồng chí hãy gửi giúp tôi thư này ở bưu điện nào thuận tiện nhất”.

Xe chạy, anh xốc ba lô vội theo kịp đội hình hành quân bộ, vượt Trường Sơn, qua đất bạn Lào, tới chiến trường Đường 9 Khe Sanh - Quảng Trị vào đầu xuân Mậu Thân, 1968. Anh bùi ngùi kể: “Hành trang và tình cảm tôi gửi lại hậu phương, cùng gia đình thân yêu chỉ có vậy: Chiếc khăn len cùng chiếc bút máy và hai bài thơ duy nhất viết trên đường hành quân vào Nam. Tôi nghĩ, chiến tranh ác liệt không biết thế nào, nếu chẳng may tôi không trở về thì những thứ đó là vật kỷ niệm quý báu của đời người chiến sĩ tham gia kháng chiến chống xâm lược, bảo vệ Tổ quốc, sẽ ở lại cùng quê hương, gia đình và an ủi người thân...”.

Chiến tranh kết thúc. Anh chuyển ngành đi học luật và công tác ở Tòa án nhân dân tối cao… Chiếc bút máy và tấm khăn len thì vợ anh đã nhận được, gói kỹ để bên đầu giường. Chỉ còn hai bài thơ viết trên đường ra trận ngày ấy, không biết giờ đang ở nơi đâu, có còn hay đã mất trên đường qua tuyến lửa Khu 4 của những năm 1967-1968?

Trở về Hưng Yên, suốt trong ba năm, từ 2013 đến  2015, tôi đã lục tìm tất cả báo Hưng Yên, các tập thơ ca của Hưng Yên và Hải Hưng xuất bản trong những năm 1967 đến 1975, xem có hai bài thơ nào của anh Văn Trọng với địa chỉ hòm thư 62388XP không. Cuối cùng, lòng mong đợi của anh Văn Trọng và của tôi đã được đền đáp: Đầu tháng 12-2015, tôi đã tìm thấy cả hai bài thơ nói trên của anh được in trong tập thơ ca Hưng Yên do Ty Văn hóa Hưng Yên xuất bản tháng 9-1967 - ấn phẩm chào mừng kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9.

Tôi rất mừng và đi photocopy ngay hai bài thơ đó gửi vào Vũng Tàu cho Văn Trọng rồi gọi điện báo tin. Tôi đã đọc nguyên văn cả hai bài thơ mới tìm thấy trên những trang giấy in cũ đã ngả màu vàng, cho anh nghe. Anh mừng vui, nghẹn ngào qua điện thoại…

MINH HỒNG

Tin cùng chuyên mục