...Những năm gần đây, nhiều cấp chính quyền và tổ chức đã phải mất rất nhiều thời gian và công sức tiếp nhận, giải quyết khiếu kiện của người dân xung quanh chuyện quy hoạch, di dời, giải tỏa, đền bù cho người dân, từ một khu vực nội thành thành phố lớn đến cả vùng sâu vùng xa. Sẽ là điều không bình thường nếu những thống kê vụ việc kiện tụng chính đáng lẫn dự báo sự phức tạp ngày càng tăng lên trong lĩnh vực này, từ các cơ quan chức năng.
Nguyên nhân khiến người dân yêu cầu xem lại hoặc không đồng tình thường là cách làm, cách vận dụng cứng nhắc, không hợp tình hợp lý; không ít vụ việc khiến “lòng dân không yên” khi diễn biến xấu đi vì bị biến tướng hoặc lợi dụng để ép dân bởi những nhóm lợi ích đầu cơ kinh doanh và cá nhân có thẩm quyền. Dù nhiều nội dung văn bản luật, quy định, chính sách chế độ cụ thể liên tục được bổ sung, chỉnh sửa… nhưng vẫn chưa theo kịp yêu cầu cuộc sống thực tiễn và ngay cả Luật Đất đai cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị dự thảo bổ sung sửa đổi trong thời gian tới.
Người dân ai cũng hoan nghênh và đồng tình ủng hộ mọi nỗ lực phát triển kinh tế bền vững và đời sống ngày một thêm ấm no. Đồng thời, những chủ trương và quyết sách lớn của đất nước cũng đều hướng đến mục tiêu “lấy dân làm gốc”, trong đó vẫn luôn khẳng định “mọi lợi ích thuộc về nhân dân” và từ đó dẫn đến một trong nhiều phương châm dẫn dắt hoạt động là “cái gì liên quan đến lợi ích thiết thực của người dân đều phải hỏi dân trước khi triển khai”. Cái “lợi ích thiết thực của dân” này lại càng thêm bội phần nhạy cảm khi nó trực diện va chạm trực tiếp đến nhà đất và sự an cư lạc nghiệp của từng công dân, từng gia đình.
Người dân - cử tri quan tâm những giải pháp gì mới để khắc phục những yếu kém tồn tại kéo dài, chậm khắc phục và giải quyết dứt điểm trong lĩnh vực quy hoạch, giải tỏa, đền bù nhà đất nói chung, trong đó có phần chỉnh trang phát triển đô thị. Và trong cuộc làm việc ngày 4-10 của Chủ tịch nước cùng tổ đại biểu Quốc hội đơn vị 1 TPHCM với lãnh đạo UBND TPHCM và UBND các quận 1, 3, 4, người dân - cử tri đã tiếp nhận thêm nhiều thông tin quý.
Đó là việc Chủ tịch nước đồng cảm với nguyện vọng chính đáng của người dân và yêu cầu khi tiếp xúc và giải quyết các bức xúc của dân, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần mời đoàn đại biểu Quốc hội cùng nghe, hay mời cả những người có uy tín của địa phương đến thuyết phục thêm trên cơ sở các chính sách và pháp luật của Đảng, Nhà nước. Giải quyết một vụ việc khiếu kiện về di dời, giải tỏa để xây dựng công trình công cộng không thể đơn giản bằng mệnh lệnh hành chính mà phải giải quyết theo hướng có xét đến yếu tố lịch sử, điều kiện hiện tại của từng hộ và trên cơ sở pháp luật.
Ngay cả những phản ánh tưởng chừng nhỏ nhặt hay vụn vặt của người dân – cử tri cũng được lắng nghe và có ngay hướng chỉ đạo cấp thừa hành: Chính quyền và cán bộ cơ sở phải chú ý những trường hợp người dân không đến dự các cuộc họp tiếp xúc giữa chủ sở hữu đất và cơ quan có thẩm quyền; còn nếu người dân vì lý do nào đó không đến dự, cán bộ phải tiếp xúc lại để có một sự đồng thuận cao; người dân chưa thông suốt thì cần giải thích cho người dân hiểu. Thực sự, đã có không ít trường hợp người dân bị hụt hẫng, thiệt hại lớn tài sản gia đình và mất cả quyền khiếu kiện vì quá hạn luật định cũng bởi bị đưa vào thế triệt buộc của cấp thừa hành do không biết ngày họp hoặc bận làm ăn xa…
Lợi ích của người dân đã được nhìn nhận một cách thấu đáo và triệt để hơn khi Chủ tịch nước đánh giá cao đề xuất của Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM và chỉ đạo UBND TPHCM nghiên cứu xây dựng thành mô hình thí điểm sớm báo cáo Thủ tướng xin thực hiện với quy trình mới đối với dự án chỉnh trang, xây dựng đô thị, gồm: ứng tiền để di dời dân trước và giải phóng mặt bằng, tiếp đó mời các nhà đầu tư đấu giá quyền sử dụng đất, sau khi trừ hết các chi phí thì phần tiền đấu giá còn lại sẽ tiếp tục chia cho người dân.
Chủ tịch nước còn nhấn mạnh vấn đề chỉnh trang và phát triển đô thị là chuyện đại sự của đất nước. Và, để làm tốt chuyện lớn, vốn xưa nay đều phải thỏa nguyện vọng của nhân dân.
ĐĨNH CHI