Thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực

Theo hãng tin AP, hôm nay 19-10 đánh dấu ngày đầu tiên các thỏa thuận trong đàm phán hạt nhân Iran có hiệu lực.
Thỏa thuận hạt nhân Iran có hiệu lực

Theo hãng tin AP, hôm nay 19-10 đánh dấu ngày đầu tiên các thỏa thuận trong đàm phán hạt nhân Iran có hiệu lực.

Tiến tới dỡ bỏ cấm vận

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa Iran và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc, Đức) chính thức có hiệu lực, do tròn 90 ngày kể từ khi Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc thông qua nghị quyết chấp thuận thỏa thuận có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động toàn diện chung (JCPOA) thỏa thuận ngăn Iran sản xuất đủ vật liệu hạt nhân để chế tạo vũ khí hạt nhân trong ít nhất 10 năm. Đổi lại, các biện pháp trừng phạt của cộng đồng quốc tế nhằm vào Tehran được dỡ bỏ, đồng thời các quan sát viên có quyền kiểm tra tất cả địa điểm bị nghi ngờ liên quan đến hạt nhân của Iran, kể cả các cơ sở quân sự.

Một cơ sở lọc dầu của Iran

Theo báo chí phương Tây, sau khi thỏa thuận có hiệu lực, nhiều khả năng giới chức EU sẽ có những thông báo về tiến trình dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran, trong đó có lệnh đóng băng tài sản, cấm xin thị thực đối với một loạt các cá nhân và công ty của quốc gia Trung Đông này. Tổng thống Mỹ Barack Obama đã chỉ thị cho chính phủ xúc tiến việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran theo thỏa thuận trên.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter cho biết, các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Iran nhiều khả năng sẽ vẫn được áp dụng ít nhất là tới tháng 1-2016, vì các cường quốc thế giới cần xem xét liệu Iran có tôn trọng các cam kết mà Tehran đưa ra theo một kế hoạch nhằm kiềm chế chương trình hạt nhân của nước này hay không.

Cơ hội của xuất khẩu dầu

Theo các chuyên gia phân tích, việc EU dỡ bỏ lệnh cấm vận Iran sẽ giúp Liên minh châu Âu có thêm nguồn cung đa dạng hơn trong dầu mỏ. Các nước trong khối EU có thể nhập khẩu tới 35 tỷ m³ khí đốt mỗi năm từ Iran vào năm 2030 nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng từ Nga. Việc Iran và Nhóm P5+1 ký kết thỏa thuận hạt nhân lịch sử đang mở ra những cơ hội hợp tác tốt cho cả Iran và EU. Các công ty năng lượng châu Âu đang tận dụng cơ hội này để tăng cường sự hiện diện tại đất nước Hồi giáo sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới. EU xem xét việc khởi động các cuộc đàm phán năng lượng cấp cao với Iran khi có các điều kiện thích hợp. Theo kế hoạch ban đầu, phần lớn lượng khí đốt nhập khẩu từ Iran sẽ được vận chuyển đến châu Âu dưới hình thức khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) qua Tây Ban Nha, quốc gia hiện đang có công suất nhập khẩu LNG lớn nhất trong EU.

Tuy có sản lượng dầu khai thác lớn, nhưng Iran chỉ xuất khẩu được 1,5 - 2 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. Sau khi đạt được thỏa thuận với phương Tây, Iran nhanh chóng đạt tới mức xuất khẩu 2,7 triệu thùng dầu thô mỗi ngày trong tháng 8. Đây là mức xuất khẩu dầu tương đương trước khi có lệnh cấm vận của EU và Mỹ áp đặt lên Iran. Tính từ đầu năm cho đến nay, giá dầu thô ngọt nhẹ tiêu chuẩn quốc tế liên tục có nhiều đợt giảm mạnh là nguyên nhân là do dư thừa nguồn cung trên thị trường. Theo các chuyên gia kinh tế, việc Iran có thể xuất khẩu dầu nhiều hơn tới khu vực châu Á và châu Âu nhờ vào thỏa thuận trên có thể khiến giá dầu xuống thấp hơn nữa.

THANH HẰNG (tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục