160 thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) ngày 27-11 đã thông qua quyết định cải cách thương mại toàn cầu mang tên Thỏa thuận thúc đẩy mậu dịch (TFA), một thỏa thuận quan trọng trong lịch sử 19 năm tồn tại của tổ chức này.
Quyết định lịch sử
Thỏa thuận này có nghĩa là WTO sẽ đưa ra các tiêu chuẩn mới cho phép đẩy nhanh thời gian kiểm tra hải quan và thông quan hàng hóa ở biên giới. Những người ủng hộ cho rằng, TFA sẽ khơi thông dòng chảy thương mại toàn cầu thêm 1.000 tỷ USD tức là từ mức 22.000 tỷ USD lên 23.000 tỷ USD cũng như tạo thêm 21 triệu việc làm cho nền kinh tế toàn cầu.
Theo Reuters, phát biểu tại cuộc họp báo sau khi các nhà thương thuyết của WTO thông qua TFA, Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo cho rằng, cuộc đàm phán về tự do thương mại đã trở lại đúng hướng sau hàng chục năm chờ đợi. Tuy nhiên, cũng theo ông Azevedo, các thành viên WTO cũng nên tìm cách tăng tốc độ đàm phán trong tương lai nhằm hiện thực hóa các cải cách của WTO thay vì phải mất thêm hàng chục năm nữa.
TFA sẽ giúp hàng hóa thông quan nhanh hơn trên toàn cầu.
Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman cho rằng TFA có thể làm giảm đáng kể thời gian giao dịch, chi phí; tạo cơ hội mới cho cả nước giàu và nghèo. Ông cho biết, đây là “một chiến thắng đặc biệt quan trọng đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại tất cả các nước”. Cao ủy Thương mại EU Cecilia Malmstroem cho rằng, một khi có hiệu lực, TFA sẽ giúp các nước đang phát triển hòa nhập tốt hơn vào nền kinh tế toàn cầu, tăng cường hội nhập khu vực và giúp hàng trăm người thoát khỏi đói nghèo.
Tuy nhiên, TFA chỉ là một phần nhỏ của vòng đàm phán Doha bắt đầu vào năm 2001về tự do thương mại (FTA) toàn cầu mà đến nay vẫn còn bế tắc. TFA thực ra là cách WTO giảm bớt tham vọng của mình và nhắm vào một thỏa thuận nhỏ hơn.
Cơ hội cho FTA toàn cầu
TFA được thống nhất tại một cuộc họp của WTO ở Bali, Indonesia vào tháng 12-2014 và sẽ có hiệu lực khi 2/3 các nước thành viên WTO phê chuẩn.
Việc WTO chậm thông qua TFA có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng chú ý là khúc mắc về kho dự trữ lương thực. Ấn Độ và nhiều nước đang phát triển đã lập luận rằng việc dự trữ lương thực là điều cần thiết để đảm bảo đời sống cho nông dân nghèo và người tiêu dùng. Nhưng việc dự trữ này và các khoản trợ cấp cho người nghèo được xem là vi phạm các quy định thương mại của WTO.
Cuối tháng 9 vừa qua, Mỹ và Ấn Độ đạt được thỏa thuận khai thông bế tắc . Theo đó, các thành viên WTO sẽ không đưa các vấn đề liên quan đến chương trình an ninh lương thực quốc gia ra các các cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO cho đến khi có một giải pháp lâu dài về vấn đề này. Vì vậy, TFA được thông qua cùng với điều khoản riêng về kho dự trữ lương thực.
Nhìn chung, TFA sẽ thúc đẩy WTO đi đến FTA toàn cầu. Theo Japan Times, TFA mở ra con đường cho các cuộc đàm phán Doha. Các quốc gia thành viên WTO đã nhất trí về thời hạn chót vào tháng 7-2015 để quyết định số phận của FTA toàn cầu. Tổng giám đốc WTO Azevedo tin tưởng TFA sẽ là động lực thu hẹp thời gian đàm phán tiến tới FTA toàn cầu.
|
THỤY VŨ (tổng hợp)