Thỏa thuận và công bằng

Vụ việc 11 tỉnh ĐBSCL họp thống nhất phương án chấm thi tốt nghiệp THPT sau một thời gian được “làm dịu” đi thì nay đã có kết luận ban đầu của Bộ GD-ĐT. Nói là ban đầu bởi kết luận chỉ giải quyết được phần bài thi của thí sinh, còn xử lý những sai phạm này đến đâu, cá nhân cụ thể nào bị xử lý và xử lý ra sao thì vẫn tiếp tục phải chờ nhiều cuộc họp nữa. Theo dõi sự kiện, mà cũng có thể xem là sự cố này, các bên đều đã được bày tỏ ý kiến. Ai cũng muốn và có quyền bảo vệ quan điểm của mình khi sự việc đã xảy ra, và đương nhiên những phát biểu này cũng phải tự chịu trách nhiệm trước dư luận xã hội. Nhưng ở đây, dù có được giải quyết và xử lý thì trách nhiệm đối với sự nghiệp trồng người vẫn là lớn nhất khi sự cố lại diễn ra nơi những nhà giáo - những người thầy.

Nhắc lại để thấy rằng khi vụ việc xảy ra, ai cũng có quan điểm “trong sáng” khi phát biểu về vấn đề. Đại diện 11 tỉnh ĐBSCL cho biết, cuộc họp để có được biên bản thỏa thuận cách chấm điểm như trên là công khai và được chấp thuận của Bộ GD-ĐT, việc thỏa thuận này nhằm đảm bảo công bằng cho học sinh.

Đại diện của Bộ GD-ĐT thì nói bộ có cho phép nhưng là cho phép họp, còn những thỏa thuận chấm điểm khác với đáp án do các tỉnh chịu trách nhiệm. Hai bên đều tỏ ra có những lý lẽ thuyết phục, nhưng khi giải quyết vấn đề, dường như chưa ai để ý đến bên thứ ba, mà thực tế bên thứ ba này mới chịu thiệt hại nhiều nhất, đó là học sinh của tất cả các địa phương còn lại trên cả nước.

Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước năm 2011 đạt trên 90%, được xem là một tỷ lệ “đẹp”. Nhiều địa phương có tỷ lệ tốt nghiệp tăng đột biến, một số nơi từ tỷ lệ rất thấp của năm trước, năm nay đã “lột xác” với con số làm hài lòng những ai khó tính nhất. Có lẽ vì điều này nên ít ai cân đong đo đếm đến một thực tế: học sinh 11 tỉnh ĐBSCL đã được tạo sự công bằng “nội bộ”.

Phân tích và so sánh đáp án môn văn của Bộ GD-ĐT với biên bản thỏa thuận cách chấm điểm trên, ai cũng thấy với hai bài làm của hai học sinh khác nhau nhưng đều có những chi tiết “thoát ly” khỏi đáp án của bộ thì học sinh của các địa phương khác sẽ chịu thiệt thòi hơn về điểm số so với học sinh ở các địa phương được “thỏa thuận”.

Thỏa thuận để triển khai một cách tiếp cận có yếu tố mở rộng từ đáp án của Bộ GD-ĐT là cách làm mới, nhưng mới chưa chắc đã hay và đúng. Công bằng trong một nhóm nhỏ sẽ làm mất công bằng trên tổng thể, điều đó là có thực ở cách làm này. Triển khai điều này cũng gần như triệt tiêu khía cạnh tích cực của phương án chấm chéo mà Bộ GD-ĐT áp dụng trong nhiều năm qua.

Sâu xa hơn và nhức nhối hơn, điều mà ai cũng nhìn thấy, đó là bệnh thành tích trong giáo dục lại tiếp tục lan rộng và biến tướng như đang thách thức các loại “thuốc”, các phương án “chữa trị” của xã hội. Một khi tỷ lệ tốt nghiệp giờ đây không thể hiện nhiều chất lượng đào tạo mà đã trở thành những con số đẹp làm nở mặt ai đó thì trong “toa thuốc” điều trị, người ta cũng sẽ lẻn cho vào một ít “chất gây nghiện”!

Có lẽ, giờ không phải thời điểm để phân tích thêm vì kết quả tốt nghiệp đã được công bố, xử lý ban đầu cũng đã được thông báo rộng rãi, nhưng dư luận mong muốn có một kết luận cuối cùng, rõ trách nhiệm từ Bộ GD-ĐT về “sự cố” này. Ai đúng, ai sai, ai phải chịu trách nhiệm, trách nhiệm đó được cụ thể hóa bằng những thiệt hại nào là điều mà bộ không nên né tránh.

Bệnh thành tích vốn đã được biết nhiều dưới muôn hình vạn trạng và giờ nó lại được ẩn dưới danh nghĩa công bằng, sẽ là một thách thức mới cho xã hội vốn luôn hướng đến những giá trị tốt đẹp. Khẳng định điều này để thấy rằng ở vụ việc này, trách nhiệm trực tiếp là ở các nhà quản lý giáo dục 11 tỉnh ĐBSCL, nhưng nếu chỉ có họ thì căn bệnh thành tích quái ác ấy không thể tiếp tục thách thức dư luận và phá vỡ các phương án chữa trị mà toàn xã hội đang dốc sức vào như hiện nay.


LINH AN

Tin cùng chuyên mục