Thoái hóa khớp là bệnh hay gặp nhất trong các bệnh về xương khớp. Đây là bệnh mạn tính, thường xảy ra ở người trung niên và người già. Bệnh gây đau đớn, giảm khả năng hoạt động, làm ảnh hưởng tới cuộc sống, sức khỏe của bệnh nhân. Nhằm tìm hiểu thêm về chứng bệnh này, chúng tôi đã trao đổi với bà Huỳnh Thị Kim Anh, Phó Chủ nhiệm Khoa Cán bộ cấp cao, Bệnh viện 175.
- Xin bà cho biết bệnh thoái hóa khớp là gì?
- Bà Kim Anh: Thoái hóa khớp (THK) là bệnh mạn tính thường gặp ở người trung niên và người lớn tuổi; là bệnh của toàn bộ các thành phần cấu tạo khớp như sụn khớp, xương dưới sụn, bao hoạt tích, bao khớp. Trong bệnh THK, lớp bề mặt sụn bị khô nứt, xói mòn. Sụn mất chức năng đệm, làm cho các xương khi chuyển động cọ sát vào nhau gây đau và sưng tấy. Cùng với thời gian, khớp có thể bị biến dạng, các chồi xương được hình thành và phát triển ở bờ xương làm cho sự cọ sát càng tăng lên khiến các mảnh xương và sụn vỡ ra trôi vào ổ khớp. Điều đó dẫn đến đau trầm trọng hơn, khớp bị phá hủy, bị cứng, không cử động được. Theo thống kê của WHO, trong số các bệnh nhân có bệnh về khớp thì khoảng 20% bị thoái hóa khớp. Ở Việt Nam, THK chiếm 10,41% các bệnh về xương khớp.
- Bà vui lòng cho biết nguyên nhân gây bệnh?
- Có nhiều nguyên nhân gây THK, chủ yếu bao gồm các nguyên nhân: lão hóa và hoạt động không đúng tư thế. Trong đó, lão hóa là nguyên nhân chính, thường bắt gặp ở độ tuổi sau 40, cơn đau xuất hiện tại nhiều vị trí, tiến triển chậm, tăng dần theo tuổi. Tuy nhiên, khi áp lực cuộc sống ngày càng cao, tỷ lệ người trẻ tuổi mắc bệnh này cũng dần dần tăng lên; chủ yếu là do lao động quá sức, sử dụng các tư thế làm việc sai cách, gây áp lực lên các bộ phận thuộc khớp trong thời gian dài, khiến cho THK xuất hiện sớm hơn, tốc độ phát triển bệnh nhanh hơn. Ngoài ra, một số yếu tố thuộc di truyền (cơ địa già sớm), nội tiết (mãn kinh, tiêu đường, loãng xương), chuyển hóa (bệnh goutte)… cũng là những nguyên nhân gây phát bệnh THK.
- Triệu chứng của bệnh THK là gì?
- Bước đầu, THK gây đau cục bộ, chủ yếu xảy ra ở các khớp chịu lực nhiều như: cột sống, gối, gót. Lúc đầu chỉ là những cơn đau ngắn, nhưng nếu chủ quan và không điều trị đúng cách, các cơn đau sẽ xuất hiện thường xuyên, đau sâu bên trong và từ từ lan sang các vị trí xung quanh. Nếu bệnh tiếp tục nặng lên có thể gây biến dạng khớp do các gai xương mọc thêm ở đầu xương; ở cột sống có thể biến dạng hình thức gù, vẹo, cong, lõm. Nếu bệnh tồi tệ hơn nữa có thể phá hủy khớp, gây tàn tật. Do vậy, khi thấy có các triệu chứng chủ yếu như đau - xung huyết và giảm hoạt động khớp, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để điều trị càng sớm càng tốt.
- Bà vui lòng tư vấn những phương pháp giúp hạn chế khả năng phát bệnh THK?
- Một khi đã mắc bệnh THK, người bệnh sẽ chịu những cơn đau lâu dài, chi phí điều trị tốn kém và chắc chắn sẽ cảm thấy vô cùng khổ sở. Do đó, chúng ta cần phải phòng bệnh khi còn trẻ bằng cách thường xuyên tập thể dục, học cách vận động đúng phương pháp, tránh lao động nặng nhọc một cách đột ngột như mang, vác, nâng, xách;… kiểm tra sức khỏe định kỳ nhằm phát hiện sớm các dị tật của xương, khớp và cột sống để có biện pháp ngăn ngừa và điều trị THK. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể sử dụng một số loại dược phẩm có chức năng phòng bệnh, ví dụ như Samin F500 Glucosamin 500mg: có tác dụng rất tốt trong việc phòng bệnh THK.
- Người bệnh THK cần được chữa trị như thế nào?
- Hiện nay, trên thị trường vẫn chưa có thuốc điều trị quá trình thoái hóa, chỉ có thể điều trị triệu chứng, phục hồi chức năng và phòng bệnh bằng cách ngăn ngừa, hạn chế các tác động cơ giới quá mức ở khớp và cột sống. Nếu không may bị THK, người bệnh có thể sử dụng thuốc giảm đau - chống viêm. Nếu khớp đã biến dạng thì cần sử dụng các dụng cụ chỉnh hình. Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể được phẫu thuật chỉnh lại dị dạng của khớp. Tuy nhiên, để quá trình điều trị êm ái hơn và có kết quả nhanh hơn, bệnh nhân có thể sử dụng Samin F500 Glucosamin 500mg như đã nói ở trên.
LAN HƯƠNG