Thoái vốn chưa đúng hạn

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, 10 tháng năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được hơn 4.400 tỷ đồng (thu về trên 4.900 tỷ đồng) các khoản đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành (bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng). Lũy kế từ năm 2012 đến 28-10-2015, con số thoái vốn ngoài ngành đạt 8.700 tỷ đồng (thu về trên 9.540 tỷ đồng) trên tổng số hơn 23.300 tỷ đồng phải thoái vốn, đạt 37% kế hoạch.

Theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp, 10 tháng năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty đã thoái vốn được hơn 4.400 tỷ đồng (thu về trên 4.900 tỷ đồng) các khoản đầu tư vào lĩnh vực ngoài ngành (bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng). Lũy kế từ năm 2012 đến 28-10-2015, con số thoái vốn ngoài ngành đạt 8.700 tỷ đồng (thu về trên 9.540 tỷ đồng) trên tổng số hơn 23.300 tỷ đồng phải thoái vốn, đạt 37% kế hoạch.

Nhìn vào số liệu này có thể dễ dàng nhận thấy, kết thúc năm nay, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành sẽ không hoàn thành được mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 26 năm 2012 của Chính phủ (đến năm 2015, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước phải hoàn thành việc thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính). Thực ra, ngay tại báo cáo về kinh tế xã hội Chính phủ trình ra Quốc hội đầu kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã đánh giá, chỉ có thể “sau năm 2015, các doanh nghiệp nhà nước mới có thể thoái được toàn bộ vốn khỏi các lĩnh vực kinh doanh không thuộc chức năng và nhiệm vụ của mình”. Việc thoái vốn ngoài ngành chậm có nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Nguyên nhân chủ quan, theo Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp là một số bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp chưa thật sát sao, quyết liệt trong chỉ đạo và triển khai thực hiện phương án sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn đã được phê duyệt.

Về khách quan, những biến động của thị trường tài chính, chứng khoán quốc tế thời gian vừa qua và những khó khăn của kinh tế trong nước đã ảnh hưởng đến việc bán cổ phần, thoái vốn nhà nước. Ngoài ra phải kể đến nguyên nhân là cơ chế chính sách cũng không được ban hành nhanh chóng để tháo gỡ các vướng mắc. Đơn cử như đến 15-9-2014, Quyết định 51 mới được ban hành để hướng dẫn Nghị quyết 15 về các giải pháp đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn. Hàng loạt vấn đề về thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách... khi đó mới được hướng dẫn. Hay như việc bán cổ phần theo lô. Đây được coi là một trong những giải pháp quan trọng để thúc đẩy nhanh việc cổ phần hóa, thoái vốn nhưng cũng phải đến 15-9-2015 mới được ban hành.

Nhìn vào các số liệu việc bán vốn, thu về, có thể nhận thấy, những khoản đầu tư ngoài ngành “có vẻ dễ thoái” đã thực hiện xong khi giá trị thu về cao hơn giá trị bán ra. Phần lớn những khoản còn lại đến nay chưa thể thoái đều đang khó bán và chưa thể biết bán với giá nào. Bởi lẽ, các khoản đầu tư ngoài ngành hầu hết được đưa đổ vào ở giai đoạn thị trường chứng khoán phát triển tương đối tốt, còn nay, thị trường khó khăn, bán cao hơn giá trị đầu tư là không thể. Còn bán thấp, thậm chí mất vốn thì câu chuyện trách nhiệm đến đâu vẫn treo lơ lửng trên đầu người có trách nhiệm. Đó là điều không dễ!

Việc đầu tư ngoài lĩnh vực kinh doanh chính của các doanh nghiệp nhà nước không sai với quy định, chủ trương của Đảng, Nhà nước. Tuy nhiên, việc đầu tư đó chỉ “không hay” khi nhiều tập đoàn, tổng công ty đã không làm tốt ngành nghề kinh doanh chính của mình. Còn việc thoái vốn diễn ra cũng khó thuận lợi khi thị trường chứng khoán còn khó khăn. Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng cần phải “rút lui có trật tự”. Vì vậy, không thể thoái vốn bằng bất cứ giá nào mà cần có lộ trình hợp lý. Mặt khác, việc thoái vốn cũng cần phải bước đi phù hợp để những doanh nghiệp nhận vốn đầu tư đang hoạt động hiệu quả có bước tính toán, điều chỉnh chiến lược phát triển của mình, không gây xáo trộn.

Tuy nhiên, với việc mục tiêu, kế hoạch của việc thoái vốn đã đặt ra không hoàn thành đúng hạn, câu chuyện trách nhiệm không thể không đề cập. Bởi lẽ, Nghị quyết 15 đã yêu cầu phải làm rõ trách nhiệm của những người lãnh đạo doanh nghiệp, người đứng đầu các bộ, địa phương về việc không thực hiện đúng tiến độ về thoái vốn. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu những bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty không hoàn thành yêu cầu đã đề ra thì phải quy trách nhiệm cụ thể. Chính phủ đã có quy định là nếu không hoàn thành sẽ xử lý trách nhiệm thì cần phải kiên quyết. Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm hay chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân cũng đồng quan điểm rằng, dù có nhiều nguyên nhân nhưng những đơn vị không hoàn thành mục tiêu cũng phải có sự kiểm điểm, xử lý trách nhiệm.

Hào hứng bỏ vốn đầu tư khi thị trường “nóng” để rồi lĩnh “trái đắng” khi thị trường “lạnh” nên để doanh nghiệp chấp nhận cắt lỗ là không dễ. Bởi bán ra là “hiện thực hóa” khoản đầu tư thiếu hiệu quả, trong khi nếu chây ỳ, “câu giờ” với đủ các lý do thì câu chuyện trách nhiệm có thể sẽ nhẹ nhàng hơn. Chính vì vậy, Nghị quyết 15 được giới chuyên gia nhìn nhận là sức ép đủ lớn để doanh nghiệp phải rút vốn khỏi lĩnh vực đầu tư tay trái nhằm làm tốt hơn lĩnh vực chính của mình. Rút vốn phải có bước đi, lộ trình, không gây thất thoát là hợp lý nhưng cũng không thể để doanh nghiệp dựa vào đó để chây ỳ và “làm cũng được, không làm cũng không sao”.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục