Ông Lê Văn Tam, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Mía đường (MĐ) Việt Nam cho rằng, để tồn tại, ngành mía đường phải thay đổi trong bối cảnh hội nhập cận kề với các nước ASEAN.
Các điển hình về trồng mía với năng suất không thua kém các nước khu vực như Thái Lan, Philippines khi năng suất mía một số nơi ở Thanh Hóa đã lên đến 150 tấn/ha với mô hình tưới nhỏ giọt. Công ty cổ phần Đường Lam Sơn vận động mua quyền sử dụng đất của nông dân gần 100ha, phá bờ, đưa cơ giới, công nghệ mới vào, tổ chức nông dân sản xuất như công nhân. Nhưng chỉ được vài mô hình do bà con sợ mất ruộng dù vẫn giữ sổ đỏ. Công ty mời nông dân vào làm cổ đông nhưng cũng chỉ được khoảng 100ha.
Theo ông Lê Văn Tam, việc không cho tích tụ đất đai nên đất bị manh mún, có người gọi là “nông nghiệp chiếu manh”. Diện tích bình quân hộ trồng mía miền Bắc chỉ 0,5ha, Thái Lan là 45ha mía/hộ, Úc 300ha mía/hộ. Đây là hạn chế lớn nhất khiến cho việc hình thành cánh đồng lớn khó khăn. Nếu có được cánh đồng mía 1.000ha, việc áp dụng cơ giới hóa, tổ chức tưới định kỳ và đồng bộ mùa khô, bón phân đúng cách, giống sạch bệnh chắc chắn giá thành mía giảm xuống như cánh đồng mía mà Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai đã làm ở Lào, giá thành hơn 18 USD/tấn (khoảng 362.000 đồng/tấn mía). Giá thành đường sẽ dưới 500 USD/tấn.
Mía là cây số 1 tạo ra lượng sinh khối cực lớn trong bối cảnh môi trường ngày càng được coi trọng, có thể bán sinh khối này cho các nước để thu ngoại tệ. Cây mía còn làm ra năng lượng (điện) và nhiều thứ khác nữa như nấm, men vi sinh. Thậm chí còn sử dụng cả trong lĩnh vực quốc phòng. Từ mật rỉ, bã mía, nếu khai thác và sử dụng đúng mức giá trị đem lại sẽ gấp 1,5 lần so với lượng đường được làm ra. Khi nào nhà máy chỉ cần “ăn xái” mật rỉ và bã mía, còn chế biến ra bao nhiêu đường trả hết cho người trồng mía thì ngành MĐ sẽ lên ngôi. Nhưng để làm được điều đó đòi hỏi trình độ khoa hoc và khả năng ứng dụng công nghệ cao. Mong rằng các khoa học gia cùng doanh nghiệp làm việc này như kỳ vọng của những người trong ngành.
Lâu nay nói nhà nước ưu ái ngành MĐ, nhưng thực tế chính ngành MĐ đang làm thay nhà nước bảo hộ nông dân. Thái Lan mua mía của nông dân giá 30 USD/tấn, doanh nghiệp MĐ Việt Nam mua tối thiểu 40 USD/tấn, có lúc 50 USD/tấn. Nên chăng, Chính phủ cho ngành MĐ được như cách làm của ngành cao su ở Sơn La, nông dân góp đất cùng công ty MĐ lập ra công ty cổ phần, tạo ra cánh đồng lớn để cơ giới hóa. Vì vậy, chính sách, cơ chế đất đai cần được tháo gỡ, để liên kết nông dân lại là điều phải làm.
ĐĂNG LÃM