Dù nền kinh tế đang gặp khó khăn, nhưng hàng không nội địa lại gây bất ngờ khi tăng trưởng với tốc độ 2 con số. Chính vì vậy Cục Hàng không Việt Nam ước tính trong năm 2013 dịch vụ hàng không nội địa tăng trưởng 15 - 16%, gấp đôi mức tăng 7% của năm 2012. Rõ ràng sự tham gia của một số hãng hàng không mới đã tô lại bức tranh thị trường hàng không nội địa với những mảng màu tươi sáng hơn.
Khởi sắc mạnh mẽ
Theo đánh giá của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế, trong các năm tới Việt Nam sẽ phát triển mạnh để trở thành thị trường hàng không tăng trưởng nhanh thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Brazil. Dự tính đến năm 2015, hàng không Việt Nam sẽ vận chuyển 34 - 36 triệu lượt khách và 850.000 - 930.000 tấn hàng hóa; năm 2019 sẽ vận chuyển 52 - 59 triệu lượt khách và 1,4 - 1,6 triệu tấn hàng hóa. Theo đó, lượt hành khách đi các đường bay nội địa dự kiến tăng 15 - 16%, gấp đôi so với năm 2012.
Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng bùng nổ này, trong vài năm tới các hãng hàng không ở Việt Nam sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba số máy bay phục vụ cho thị trường nội địa 90 triệu dân và số lượng du khách nước ngoài tăng với tốc độ 20% mỗi năm. Hiện Vietnam Airlines đang chiếm thị phần lớn thị trường hàng không Việt Nam. Hãng này cũng đang chuẩn bị cho lần đầu phát hành cổ phiếu ra công chúng (IPO) vào quý 2-2014. JetStar - hãng hàng không giá rẻ mà Vietnam Airlines có cổ phần chi phối, cũng đã có kế hoạch tăng số máy bay của mình.
Tháng trước, VietJetAir - hãng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam - đã đặt mua và thuê thêm tới 100 chiếc máy bay Airbus với tổng trị giá 9,1 tỷ USD. Ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc điều hành của VietJetAir - cho biết hãng hàng không này sẽ tăng dần số máy bay.
Các chuyên gia hàng không cho rằng tiềm năng tăng trưởng ngành hàng không bắt nguồn chủ yếu từ tính chất địa lý của Việt Nam được gọi là “đắc địa” cho ngành hàng không. Việt Nam có chiều dài 1.650km với các thành phố lớn và các khu du lịch nằm cách xa nhau, trong khi hệ thống đường bộ và đường sắt phát triển chưa đáp ứng được nhu cầu.
Việt Nam cũng chỉ cách Hàn Quốc, Hồng Kông, Thái Lan và Trung Quốc vài giờ bay và số khách du lịch tới Việt Nam đang tăng nhanh. Trong 9 tháng đầu năm 2013, đã có 5,5 triệu khách tới Việt Nam, tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhu cầu đi lại hàng không nội địa Việt Nam năm 2013 đã tăng với tốc độ hai con số, mang lại cơ hội thương mại cho các hãng chế tạo máy bay như Boeing, Airbus và máy bay loại hình khác. Các hãng hàng không Việt Nam đã xây dựng kế hoạch tăng thêm số lượng máy bay, mở đường bay mới và huy động vốn theo cơ chế cổ phần hóa. Với sự phát triển mạnh mẽ của vận tải hàng không và nhu cầu vận tải nội địa, chắc chắn sẽ tạo lực đẩy vô cùng lớn cho nền kinh tế, thương mại và du lịch.
Thời của hàng không chi phí thấp
Cũng giống như thị trường bất động sản hay viễn thông, khi hàng không Việt Nam có nhiều nhà đầu tư cùng khai thác, hàng hóa trở nên phong phú khiến thị trường phát triển và người tiêu dùng hưởng lợi. Trên thực tế, những năm gần đây, với sự tham gia của những hãng hàng không tư nhân, giới chuyên gia nhìn nhận thị trường hàng không nội địa có nhiều biến chuyển lớn, trở nên năng động với chính sách giá linh hoạt hơn, chất lượng phục vụ cải thiện tốt hơn.
Mặc dù tham gia thị trường hàng không chưa lâu, Hãng hàng không VietJetAir đã phát triển mạnh mẽ, khai thác gần 500 chuyến bay mỗi tuần với đội máy bay 10 chiếc Airbus mới và hiện đại. Mạng bay hiện tại của hãng này gồm 14 đường bay nội địa và 2 đường bay quốc tế tới Thái Lan. Các chương trình khuyến mãi liên tục đã thu hút sự hưởng ứng của thị trường. Mới đây, để chào đón máy bay Sharklet mang biểu tượng của Pepsi, hãng hàng không này đã tung ra đợt khuyến mãi 100.000 vé với giá chỉ từ 100.000 đồng trong những ngày đầu tháng 11.
Sự tham gia của nhiều hãng hàng không khiến các hãng ngày càng nhanh nhạy hơn trong hoạt động kích cầu, liên tục đưa ra các chương trình khuyến mãi, giúp giá vé “mềm” hơn, cơ hội đi máy bay được nhân rộng ra tới hàng nghìn, hàng triệu người, đặc biệt với những người dân có thu nhập trung bình.
Một vị lãnh đạo ngành giao thông phát biểu, ông vô cùng thích hình ảnh hành khách đi lên máy bay VietJet hai tay xách hai túi ni lông, mà qua đó, thấy rõ là dịch vụ bay đã trở nên giản dị và mọi người dân đều có thể bay. Hẳn một số người còn nhớ, Thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đã sang Việt Nam dự hội nghị APEC bằng máy bay của Hãng hàng không giá rẻ Tiger Airways.
Trong bối cảnh hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của thị trường hàng không Việt Nam, nhất là của hàng không chi phí thấp và những dự đoán khả quan của các tổ chức hàng không quốc tế đang thực sự là tín hiệu vui.
VŨ LÊ