Thời của tương tác

Facebook hay hiển thị mục “Ngày này năm xưa”, nhắc lại những dòng trạng thái cũ. Người trẻ như chúng tôi khi xem lại thường ngạc nhiên sao bây giờ mình khác quá: sống ảo nhiều hơn và để ý lượt tương tác.

Để tương tác trên mạng xã hội, mọi người thường nhấn nút thích, bình luận hoặc chia sẻ. Chợt nhớ, ngày trước đăng một album ảnh có khi mấy trăm tấm, tải lên cả buổi mới xong, được 4-5 lượt thích cũng vui cả ngày. Ảnh nào của tôi và bạn bè, da dẻ cũng ngăm ngăm, còn dòng trạng thái không có nội dung gì, nhiều lúc như tự nói với chính mình. Chúng tôi bật cười khi đọc những gì mình từng viết. Nào là “Trời mưa đói bụng”, “Kệ tui!”, “Đi làm vui vui vì có kẹp tăm mới”. Chúng tôi còn viết lên tường hỏi nhau làm bài tập chưa, mai thi ôn gì cho “trúng tủ”.

Dần dần mọi thứ thay đổi, nhất là hình ảnh. Nhiều bạn thường chụp hình bằng ứng dụng, rồi dùng tính năng cà răng trắng, cà mụn, xóa bọng mắt. Đó là chưa kể những chiếc “đũa thần” giúp thu gọn eo, chỉnh gương mặt nhỏ lại, kéo chân dài ra. Không chỉ hình ảnh, nhiều dòng trạng thái cũng được chỉnh sửa cả chục lần sau khi đăng vì thấy chưa hấp dẫn, ít người ngó ngàng. Lượt thích mà ít, có bạn thấy quê nên đã xóa luôn. Nhiều bạn còn áp dụng mẹo tăng tương tác - gọi vui là “mẹo 3T”, như đăng vào giờ vàng mỗi ngày, hạn chế dùng những từ nhạy cảm để không bị thuật toán của Facebook “bóp” tương tác.

Nhiều bạn dù tương tác thường xuyên trên thế giới ảo nhưng khi gặp ngoài đời chỉ nói vài câu. Có lẽ do đã đọc hết về nhau nên cũng không biết phải hỏi han gì nữa. Khi ngồi cà phê, cả nhóm xôm tụ lúc đầu rồi mỗi người lại cầm điện thoại. Ai cũng háo hức xem bài đăng được bao nhiêu lượt thích, cõi mạng có tin gì mới không. Các nhóm ngồi gần đó cũng cười khúc khích khoe với nhau đã đạt mấy trăm lượt thích, bình luận. Thôi thì coi như đây là một thú vui, xả “xì chét”.

Trên trang cá nhân, ở phần thông tin, nhiều bạn liệt kê những nơi đã làm việc, phong trào đã tham gia, dài cỡ trang giấy. Lướt dòng thời gian, không ít những chia sẻ là về vẻ đẹp của chính mình, sự thành công, những thứ đã mua. Mọi thứ lung linh và ta dần xem những điều đó là bình thường, miễn nhiều người quan tâm là được. Còn nếu bày tỏ ý kiến ngược lại, người ta dễ nghĩ là bạn đang “gato” (ghen ăn tức ở). Và, có bao giờ bạn nhấn nút thích để giữ gìn mối quan hệ, sợ rằng ít tương tác người ta sẽ buồn không?

Tương tác nhiều trên mạng xã hội không có gì xấu. Chúng mang lại niềm vui cùng những điều thuận tiện nhờ những kết nối. Nhất là các dự án cần sự lan tỏa và những thông tin liên quan công việc, bạn bè. Nhưng chạy theo lượt tương tác hoài cũng ngán. Đôi khi tôi lại muốn lướt thấy một điều gì mộc mạc như những ngày mới dùng Facebook. Đơn giản vậy thôi…

Tin cùng chuyên mục