Thời gian trôi, Vuông Nắng vẫn đọng

Du lịch và sáng tác
Thời gian trôi, Vuông Nắng vẫn đọng

Trở lại Việt Nam vào dịp Tết Nguyên đán, nhóm họa sĩ Ô Vuông Nắng đã đánh dấu 20 năm thành lập hiệp hội, qua cuộc triển lãm giới thiệu 97 tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Cuộc gặp gỡ giữa các nghệ sĩ Nga và công chúng hội họa TPHCM diễn ra trong những ngày đầu xuân ấm áp.

Tác phẩm Thời gian trôi qua của họa sĩ Kasabov.

Tác phẩm Thời gian trôi qua của họa sĩ Kasabov.

Du lịch và sáng tác

Trong số các thành viên Ô Vuông Nắng, họa sĩ Radyuk Sergey là người đến Việt Nam nhiều lần nhất. Ông cho biết cách đây hơn 15 năm, nhóm Ô Vuông Nắng đã tổ chức triển lãm đầu tiên ở Bảo tàng Mỹ thuật TPHCM. Sau đó ông từng có cuộc triển lãm cá nhân vào năm 2005 ở Hội Mỹ thuật TPHCM và một lần khác ở Đà Lạt.

Ông bộc bạch: “Du lịch tìm đề tài sáng tác từ vùng đất mình đến đã là một trong những hoạt động nổi bật gần đây khi chúng tôi đến Việt Nam. Phong cảnh đẹp, con người cởi mở, dễ gần gũi, đó là lý do tôi đã có 12 chuyến đến thăm Việt Nam hơn 15 năm qua. Tôi đã đi du lịch, tìm hiểu đời sống, văn hóa Việt Nam và sáng tác nhiều tranh về đề tài Hà Nội, Quảng Ninh, Bình Thuận, Đà Lạt, TPHCM… Việt Nam luôn tạo cảm hứng sáng tác cho tôi như các tác phẩm Hồ Gươm, Vang đỏ, Vang trắng Đà Lạt, Phong cảnh Mũi Né… Tôi đã chia sẻ kinh nghiệm sáng tác cùng bạn bè, họa sĩ Việt Nam, như Phạm Đỗ Đồng, Đào Minh Tri, Hứa Thanh Bình…”.

Họa sĩ Medvedev Alexey, một thành viên khác bày tỏ: “Riêng tôi, cuộc triển lãm này là lần thứ hai. Tháng 10 năm ngoái, tôi đã tham gia triển lãm chung với nhóm Ô Vuông Nắng tại Trung tâm Khoa học và văn hóa Nga, ở Hà Nội. Chúng tôi cảm nhận được tình cảm đẹp qua những cuộc trò chuyện bằng tiếng Nga thật thú vị với một số người Việt Nam đến xem tranh. Việt Nam là một đất nước tràn ngập ánh nắng ấm áp và các bạn Việt Nam rất thân thiện, thích tìm hiểu văn học nghệ thuật”.

Tại ngày khai mạc triển lãm, cuộc tiếp xúc, trò chuyện có phần sôi nổi, cởi mở hơn khi các họa sĩ lần lượt trình bày xu hướng sáng tác của mình. Katran Taiana giới thiệu bức Hoa hồng của Natasha, Mùa xuân, Màu của đêm… qua bút pháp hiện thực kết hợp trừu tượng; Dozorova Tatiana với 6 bức tranh trừu tượng mô tả sự Phản chiếu đa dạng của cuộc sống; Klintsova Maria sử dụng bút pháp ấn tượng, trừu tượng qua các tác phẩm Sự sinh sôi của thế giới, Trừu tượng đỏ, Gió lốc…; Timoshenko Annastasia thích vẽ những ấn tượng nắng là những mảng hình vuông, hình tròn, hình tam giác, thể hiện trong không gian sắc màu luôn thay đổi.

Về phía chủ nhà – Việt Nam, trong số khách thưởng ngoạn cũng có một số nghệ sĩ, kỹ sư từng được đào tạo ở Liên Xô trước đây như Nguyễn Hoàng, Trịnh Dũng, Mã Thanh Cao, Nguyễn Thị Thanh Thanh, Trần Kiều Dung, Đào Văn Hiến… Hầu hết khách thưởng ngoạn đều có một điểm gặp gỡ chung: Nghệ thuật Nga ngày nay đã có nhiều thay đổi; cái nhìn trong sáng tác có nhiều điểm mới nhưng tiềm tàng trong tác phẩm đương đại của họ vẫn đượm một phong cách Nga sâu sắc.

Vẫn luôn phát triển

Là một trong những người đầu tiên sáng lập Hiệp hội họa sĩ Nga Ô Vuông Nắng, họa sĩ Radyuk Sergey giải thích ý nghĩa tên gọi Ô Vuông Nắng, xuất phát từ quan niệm trái đất hình vuông và ánh sáng vuông của người phương Đông xưa. Hiệp hội là nơi tập hợp các họa sĩ có chung quan niệm sáng tác. Sau 20 năm hoạt động, từ ban đầu chỉ có 4 họa sĩ, giờ con số đã lên đến 100 thành viên và hơn 300 người cộng tác.

Tiêu chí đầu tiên của hiệp hội là thành viên dù làm việc trong hay ngoài nước, trước hết phải là người sống tốt và sáng tác phải thể hiện được ý nghĩa tích cực của cuộc sống. Hiệp hội mang tính độc lập, không lệ thuộc vào kinh tế từ bên ngoài. Các họa sĩ thành viên tự giác tham gia đóng góp kinh phí, qua những chuyến du lịch - văn hóa và triển lãm, sáng tác.

Ô Vuông Nắng đã mở trại sáng tác quốc tế và đó cũng là cơ hội để nhiều thành viên có cơ hội học hỏi kinh nghiệm, tìm hiểu nhiều trường phái, xu hướng nghệ thuật thế giới đương đại. Qua 20 năm, Ô Nắng Vuông vẫn luôn phát triển, tổ chức được nhiều hệ đào tạo và đã có một lớp họa sĩ trẻ trưởng thành từ lò đào tạo cây nhà, lá vườn này. Thời gian cứ trôi qua và vuông nắng vẫn đọng lại.

Kim Ửng

Tin cùng chuyên mục