Thời hiệu khởi kiện thừa kế

TAND TPHCM hôm 7-11 đã đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tranh chấp tài sản thừa kế trị giá ngàn tỷ đồng giữa em ruột và con nuôi của bà bán bún quá cố Thạch Kim Phát, do đã hết thời hiệu khởi kiện. Nhiều bạn đọc đề nghị giải thích về thời hiệu khởi kiện thừa kế nhằm tránh các rắc rối pháp lý phát sinh.

TAND TPHCM hôm 7-11 đã đình chỉ giải quyết vụ án dân sự tranh chấp tài sản thừa kế trị giá ngàn tỷ đồng giữa em ruột và con nuôi của bà bán bún quá cố Thạch Kim Phát, do đã hết thời hiệu khởi kiện. Nhiều bạn đọc đề nghị giải thích về thời hiệu khởi kiện thừa kế nhằm tránh các rắc rối pháp lý phát sinh.

Thừa kế là một trong những vấn đề pháp lý phát sinh sau khi một cá nhân qua đời. Pháp luật cũng đã có những quy định về thừa kế tại Chương XXII trong Bộ luật Dân sự 2005 và các văn bản quy phạm pháp luật khác, đưa ra những quy tắc phổ biến chung về thừa kế cũng như hướng dẫn việc tiến hành chia thừa kế. Điều 645 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về thời hiệu khởi kiện về thừa kế như sau: “Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế. Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại là 3 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”.

Điều đó có nghĩa, sau thời hạn 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản chết), người thừa kế không còn quyền khởi kiện thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác; và sau thời hạn 3 năm, cá nhân, tổ chức không còn quyền khởi kiện yêu cầu người thừa kế thực hiện nghĩa vụ về tài sản của người chết để lại.

Từ quy định này, có một rắc rối phát sinh là khi đã hết thời hiệu khởi kiện chia tài sản thừa kế mà các bên có liên quan mới yêu cầu chia tài sản thừa kế thì không thể tiến hành được, dẫn đến các tranh chấp này không thể giải quyết nên kéo dài và tồn đọng trong một thời gian dài, từ đó để giải quyết các tranh chấp ngày càng gay gắt này, các bên trong quan hệ dân sự không ngần ngại sử dụng các hành vi trái pháp luật để tự giải quyết nhằm đòi quyền lợi cho bản thân, làm xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.

Để giải quyết những vướng mắc về thời hiệu khởi kiện về thừa kế, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10-8-2004, theo đó vấn đề phát sinh đã được đề cập ở trên được Hội đồng thẩm phán hướng dẫn giải quyết tại Điều 2.4: Trường hợp trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế, hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia, thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế.

Khi có tranh chấp và yêu cầu tòa án giải quyết, thì không áp dụng thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, mà áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết. Cần phân biệt như sau: Trường hợp có di chúc mà các đồng thừa kế không có tranh chấp và thỏa thuận việc chia tài sản sẽ được thực hiện theo di chúc khi có nhu cầu chia tài sản. Trường hợp không có di chúc mà các đồng thừa kế thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thỏa thuận.

Trường hợp không có di chúc và các đồng thừa kế không có thỏa thuận về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.

Đối chiếu với quy định trên, có 2 khả năng như sau: Nếu các đồng thừa kế gửi đơn đến tòa án mà nội dung là khởi kiện về thừa kế thì tòa án sẽ trả lại đơn khởi kiện do đã hết thời hiệu khởi kiện. Nếu các đồng thừa kế gửi đơn khởi kiện đến tòa án nhưng nội dung khởi kiện là yêu cầu giải quyết việc chia tài sản chung của các đồng thừa kế thì tòa án sẽ thụ lý đơn; trong trường hợp này, tòa án sẽ áp dụng các quy định của pháp luật về chia tài sản chung để giải quyết.

Trên thực tế đã có không ít trường hợp được giải quyết êm xuôi nhờ Nghị quyết 02. Tuy nhiên hiện cũng đang có rất nhiều vụ việc bị ách tắc cũng từ quy định của Nghị quyết 02/2004 này, chỉ vì một nguyên nhân đơn giản: Một bên đương sự (thông thường là người quản lý, chiếm hữu di sản) không chịu thừa nhận đó là tài sản chung và không yêu cầu Tòa án phân chia giúp.

Để tiếp tục tháo gỡ bất cập này, hiện nay đã phát sinh 2 luồng quan điểm khác nhau. Quan điểm thứ nhất cho rằng, TAND tối cao phải sửa đổi hướng dẫn theo hướng tòa án phải thụ lý, giải quyết yêu cầu chia tài sản chung theo quy định của pháp luật nếu các đồng thừa kế chứng minh được đó là di sản mà họ có phần thừa kế và không có tranh chấp về hàng thừa kế. Ngược lại, luồng quan điểm thứ hai, được nhiều đồng tình hơn, cho rằng nên bỏ hẳn hướng dẫn về việc chia tài sản chung.

Cụ thể, sau khi đã hết thời hiệu khởi kiện thừa kế, tòa án sẽ không thụ lý, giải quyết bất cứ một yêu cầu phân chia di sản nào nữa. Vì việc biến tranh chấp di sản đã hết thời hiệu khởi kiện thành chia tài sản chung sẽ gây ra tâm lý xem thường pháp luật, các đương sự nghĩ rằng cho dù có hết thời hiệu 10 năm thì cũng không ảnh hưởng gì nhiều, do vẫn được chia tài sản theo hướng tài sản chung, đồng thời gián tiếp làm mất đi vai trò của chế định thừa kế.

Luật sư NGUYỄN ĐỨC HOÀNG
(Văn phòng luật sư PHANS)

Tin cùng chuyên mục