Thời “hoàng kim” của nghề “thầy cãi”

Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày truyền thống Luật sư Việt Nam (10-10-1945 – 10-10-2022), chia sẻ với báo SGGP, luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, Chủ tịch Công ty Luật TAT LAW FIRM, cho biết hiện nay là giai đoạn rực rỡ nhất của nghề luật sư; nhiều người học luật, giờ không còn câu hỏi “sẽ sống được bằng nghề hay không?” mà mọi người đặt vấn đề con đường phát triển sắp tới sẽ như thế nào?. 

Kỹ năng nói của luật sư phải hơn người bình thường nhiều lần

PHÓNG VIÊN: Hiện nay nghề luật sư đã phát triển về “lượng”, vậy theo ông, về “chất” thì sao?

 * LUẬT SƯ TRƯƠNG ANH TÚ: TP Hà Nội đề xuất thành lập Đoàn Luật sư vào năm 1984. Từ đó, Nhà nước quyết định mở nghề luật sư và đoàn luật sư trên khắp cả nước vào năm 1987. Tuy nhiên, phải tới năm 2009 những người luật sư trong cả nước mới có thể đứng trong hàng ngũ của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Thời điểm đó, cả nước có khoảng 5.300 luật sư, hiện nay con số phát triển lên hơn 16.000 người hành nghề luật sư.

Tuy vậy, số lượng luật sư phân bố chưa được đều, tại TPHCM có khoảng 6.000 người, tại TP Hà Nội gần 5.000 người, phần còn lại của cả nước chỉ tương đương với TP Hà Nội. Đây cũng là vấn đề khó khăn trong tư vấn pháp luật, bào chữa, bảo vệ cho người dân cũng như tham vấn cho chính quyền những chính sách pháp luật.

Tuy trải qua nhiều thăng trầm, nhưng hiện nay tôi cảm nhận là giai đoạn rực rỡ nhất của nghề luật sư. Cứ khoảng 2-3 năm diện mạo của nghề đã khác. Khoảng 2 thập kỷ trước khi tôi vào nghề, tôi không nghĩ sẽ tồn tại được, sẽ sống được bằng nghề. Nhưng, hiện nay, xã hội không còn câu hỏi đó nữa, mà chỉ đặt vấn đề con đường phát triển nghề luật sư sắp tới sẽ như thế nào? Thực tế, các thế hệ trẻ hiện nay đi theo nghề luật sư rất nhiều, các trường đại học cũng mở nhiều khoa luật, điểm thi đầu vào ngành luật rất tốt.

Về chất lượng, không chỉ đối với những người luật sư, mà người dân, cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm. Trong mọi ngành nghề, chất lượng nhân lực bao giờ cũng là vấn đề nóng bỏng, nhất là trong một xã hội, một đất nước đang phát triển. Nghề luật sư có cái khó khăn hơn so với những nghề khác, về lý thuyết nghề luật sư mới trở lại từ những năm 1984, 1987; nhưng thực sự nghề luật sư phải từ dấu mốc năm 2001, 2006, khi có pháp lệnh và luật về luật sư.   

Thời “hoàng kim” của nghề “thầy cãi” ảnh 1 Luật sư Truong Anh Tú

* Ngoài sự kiên trì để theo đuổi nghề, nghề luật sư cần có tố chất và năng lực nào khác?

* Năng lực, tố chất là vô cùng, mỗi người có thế mạnh riêng. Về lý thuyết, nghề luật sư cần kinh nghiệm, năng lực, kiến thức; nhưng cụ thể hóa nhất, tôi vẫn nói với đồng nghiệp rằng nghề này cần 4 yếu tố cơ bản: Nghe, nói, đọc, viết. Lắng nghe như một người bạn, chúng ta có thể nghe thân chủ nói một ngày, chúng ta chỉ tiếp lời, mà phần lớn là nỗi niềm của thân chủ. Như vậy, phải là người kiên trì và là người có khả năng lắng nghe đặc biệt.

Kỹ năng nói rất quan trọng với nghề luật sư, mình không nói thì không ai hiểu mình, mình phải truyền đi thông điệp. Người luật sư phải biết nói, biết trao đổi, biết thuyết phục người khác; kỹ năng nói của luật sư phải hơn người bình thường rất nhiều, nói chuẩn mực, ngôn ngữ rõ ràng.

Nhưng kỹ năng viết mới quyết định, kỹ năng viết thì lớp 1 cũng học viết, nhưng chúng ta đi cả cuộc đời để học viết không ai dám nói mình viết giỏi, viết hay. Nhưng kỹ năng này phải trên mức trung bình, lập luận sắc sảo mới thuyết phục được quan tòa, thuyết phục được cơ quan nhà nước thay đổi cả quan điểm về pháp luật… Nghề luật sư mà không có đam mê thì không theo được, chính đam mê sẽ giúp vượt quan những “núi” khó khăn. 

Nguyên tắc bất di bất dịch của luật sư

* Vấn đề đạo đức trong nghề luật sư được hiểu như thế nào, thưa ông?

* Đây là một phạm trù rất rộng. Tuy nhiên, đối với đồng nghiệp luôn luôn thân ái. Thân ái nhưng thường xuyên xung đột về quan điểm pháp luật, luật sư ngồi với nhau có thể tranh luận với nhau cả ngày về một vấn đề. Trên tòa án, họ có thể đối tụng với nhau, nhưng trong không khí căng thẳng, ngột ngạt như vậy, vẫn phải làm sao tỉnh táo để giác ngộ ra rằng khi ra khỏi tòa, các luật sư vẫn là đồng nghiệp với nhau, luôn luôn thân ái. Với thân chủ, nguyên tắc “ăn cây nào rào cây ấy”. 

Kể cả thân chủ có chia tay, không làm việc, nhưng thông tin bí mật của thân chủ là tuyệt đối; tuyệt đối không có hành động nào gây phương hại tới quyền lợi của khách hàng, ngay cả khi làm việc với thân chủ mà họ không có điều kiện kinh tế, lúc đó luật sư đóng vai "hiệp sĩ", rất khó bỏ thân chủ giữa đường. Thực tế, đôi khi ngoài việc bỏ thời gian, công sức, còn phải bỏ cả tiền bạc để giải quyết vấn đề cho thân chủ. 

Thời “hoàng kim” của nghề “thầy cãi” ảnh 2 Nhiều luật sư bào chữa trong một vụ án hình sự được xét xử tại Hà Nội. Ảnh: ĐỖ TRUNG

* Trong trường hợp khách hàng "quỵt” tiền thì luật sư có nên kiện lại thân chủ?

* Theo quan sát của tôi, chưa có luật sư nào mà chưa bị khách hàng “quên” không trả tiền, tức là đã từng xảy ra, ít hay nhiều mà thôi.  

Tình huống rất khó khăn cho luật sư trong việc lựa chọn là “hiệp sĩ” ngày hôm qua, thì hôm nay có quay lại kiện đòi tiền? Câu chuyện có thật, cách đây gần 10 năm, tôi bảo vệ thân chủ chính là đồng nghiệp của tôi. Đồng nghiệp của tôi bị người dân “quên” trả 10 tỷ tiền hứa thưởng/tổng số 50 tỷ đồng. Khi tôi thuyết phục quan tòa, chứng minh rằng tình huống này do công sức của luật sư, cuối cùng cũng giúp lấy được số tiền 10 tỷ đồng là công sức của luật sư. 

Bào chữa thất bại chưa chắc là luật sư kém

* Thế nào là một luật sư giỏi, công tâm, thưa ông?

* Hiện nay, hệ thống pháp luật và quá trình hành nghề cũng chưa có quy định nào quy định là luật sư giỏi, cao cấp hay trung bình. Trước hết, theo tôi, luật sư giỏi phải có uy tín trong xã hội, có kinh nghiệm hành nghề, có kiến thức xã hội rộng lớn; luôn luôn tìm ra được giải pháp và tìm ra sớm hơn các luật sư khác; có đóng góp ý kiến cho nhà nước về những chính sách pháp luật để hoàn thiện công tác luật pháp.

Luật sư giỏi cũng giống như bác sĩ giỏi. Một bác sĩ giỏi có lẽ số lượng bệnh nhân qua đời của bác sĩ giỏi đó là rất cao, vì tất cả những ca khó nhất tập trung về bác sĩ giỏi, thì xác suất không chữa được cũng rất cao. Giống như vậy, các luật sư thất bại nhiều chưa chắc đã phải luật sư kém, có thể đó lại là luật sư giỏi, vì tất cả các ca khó tìm tới luật sư này. 

* Nhiều người tò mò thu nhập bình quân của luật sư, những yếu tố nào xác định mức lương của luật sư?

* Hiện nay, Bộ LĐTB-XH hay Liên đoàn Luật sư chưa có thống kê mức lương và phương pháp định giá dịch vụ luật sư. Theo tôi, có một số thông tin tổng hợp rằng, luật sư  dưới 5 năm lương khoảng trên dưới 10 triệu đồng; sau 5 năm lương trên dưới 20 triệu đồng.

Mặc dù chưa có cơ sở khoa học, nhưng kinh nghiệm người hành nghề tôi thấy mức trên khá sát. Nhưng tôi nhắc lại, lương hay thù lao của luật sư do mình quyết định bởi khả năng, bàn tay, khối óc của mình; bởi nội hàm trí tuệ của mình. Khi chúng ta cứ đam mê, cứ học tập, tích lũy kinh nghiệm và tri thức, lúc đó mức thu nhập sẽ do chúng ta quyết định. 

Tin cùng chuyên mục