“Thổi hồn” vào ghe ngo

Bằng sự kết hợp hài hòa giữa nét đẹp văn hóa truyền thống và nghệ thuật điêu khắc, cùng với sự khéo léo của người thợ điêu khắc, một ngôi chùa Khmer tại Sóc Trăng đã biến chiếc ghe ngo cũ kỹ thành một sản phẩm văn hóa độc đáo, được nhiều người đón nhận.
Phần đầu chiếc ghe ngo được điêu khắc hình tượng rắn thần Naga
Phần đầu chiếc ghe ngo được điêu khắc hình tượng rắn thần Naga

Phát huy giá trị ghe cũ

Nằm bên bờ sông Maspero, nơi diễn ra giải đua ghe ngo quy mô lớn nhất tỉnh Sóc Trăng hàng năm, ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer Peam Buôl Thmây (hay còn gọi là chùa Ngã 4 Cột Đèn, thuộc phường 4, TP Sóc Trăng) những ngày qua luôn có đông đảo du khách tìm đến. Ngoài việc có kiến trúc độc đáo, đẹp mắt, thì điều cuốn hút du khách tìm đến chùa Peam Buôl Thmây để tham quan chính là chiếc ghe ngo được điêu khắc sinh động, lạ mắt, độc nhất vô nhị.

Chỉ tay về chiếc ghe ngo đang trưng bày bên hông chùa, được nhiều du khách thích thú ngắm nghía, Đại đức Đinh Hoàng Sự (Trụ trì chùa Peam Buôl Thmây) cho biết: Đây là chiếc ghe cũ của chùa, được đóng cách đây hơn 20 năm và không tham gia các giải đua đã lâu. Thay vì để vậy cũng phí, nhà chùa đã suy nghĩ sẽ làm gì đó để phát huy giá trị của chiếc ghe cũ này. Do được chọn từ gỗ tốt, các bộ phận của ghe còn khá chắc chắn nên chùa quyết định thuê thợ điêu khắc hoa văn truyền thống trực tiếp lên thân ghe. Rất mừng là khi hoàn thành, chiếc ghe đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo phật tử và khách tham quan. Đây cũng là chiếc ghe ngo đầu tiên trong vùng ĐBSCL được điêu khắc trực tiếp lên ghe nguyên bản.

Ghe ngo khởi thủy là một chiếc thuyền độc mộc, ngày nay ghe được làm bằng cách ghép những mảnh ván lớn từ các loại gỗ tốt. Sau khi ghe được đóng ghép thành hình, công đoạn cuối cùng là phủ sơn, trang trí cho toàn thân ghe bằng cách vẽ các họa tiết đầy màu sắc, gắn liền với đặc trưng truyền thống văn hóa của đồng bào Khmer Nam bộ. Việc sơn, vẽ này còn giúp ghe tăng tính thẩm mỹ, chống mối mọt tấn công, giảm ma sát với nước để ghe có thể lướt nhanh khi đua. Thế nhưng, trải qua nhiều mùa giải, vì nhiều lý do, một số ghe ngo cũ sẽ không được mang ra tham gia lễ hội.

Lần đầu ghe ngo được điêu khắc

Anh Lâm Hòa Tha (31 tuổi, người dân tộc Khmer, ngụ xã Tân Hưng, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng), thợ điêu khắc ghe ngo, cho biết: Khi được mời triển khai ý tưởng điêu khắc trên ghe, tôi rất trăn trở, lo lắng. Vì theo yêu cầu đặt ra là phải giữ nguyên hình dáng, kích thước ban đầu của ghe; đồng thời phải làm nổi bật các hoa văn truyền thống. Việc chuyển hoa văn từ dạng vẽ sang khắc thì không khó nếu đó là trên một phôi mới, thế nhưng ở đây là chiếc ghe cũ.

“Thổi hồn” vào ghe ngo ảnh 1   Quá trình điêu khắc thủ công của thợ điêu khắc Lâm Hòa Tha
“Sau nhiều ngày quan sát toàn bộ thân ghe từ đầu đến đuôi, cùng với những phác họa trong đầu, tôi đã hình thành được bản thảo để chuẩn bị cho công đoạn đục. Theo đó, phần họa tiết điêu khắc chủ đạo là hình tượng rắn thần Naga uốn lượn theo thân ghe. Rắn thần Naga là linh vật trong văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer, tượng trưng cho sức mạnh, sự thịnh vượng, mang nước đến cho mùa màng bội thu. Phần đầu và đuôi ghe được tập trung khắc họa đậm nét, sắc sảo hình tượng đầu và đuôi rắn Naga với thần thái vừa uy nghiêm, vừa chất chứa sức mạnh quyền năng của một linh vật. Ngoài ra, hai bên thân ghe được điêu khắc thêm các họa tiết mây, nước và một số họa tiết khác… để chiếc ghe thêm sinh động, cuốn hút”, anh Lâm Hòa Tha chia sẻ.

Trải qua thời gian hơn 6 tháng chăm chút, tỉ mỉ từng nhát đục, chiếc ghe ngo điêu khắc đầu tiên của người dân Khmer Nam bộ (dài 26m, chỗ rộng nhất 1,6m và nhỏ dần về phần đầu và đuôi ghe) đã ra đời. Thợ điêu khắc Lâm Hòa Tha cho biết: Toàn bộ quá trình điêu khắc chiếc ghe ngo đều được làm thủ công, không dùng đến các máy móc cơ khí hiện đại. Từng lưỡi đục phải thật khéo léo nếu không sẽ làm hỏng ván (ván ghe chỉ dày từ 3-5cm). Do ghe có trọng lượng lớn gần 2 tấn, khoảng 30 người mới có thể xê dịch, nên thợ điêu khắc khá bị động ở nhiều tư thế đục rất khó, trong khi ván ghe cũ lại có rất nhiều đinh. Chỉ riêng phần đầu ghe, đã mất hơn 45 ngày công đục khắc.

Ông Trang Hứa Thắng, du khách TP Cần Thơ đến chùa Peam Buôl Thmây để mục sở thị chiếc nghe ngo độc đáo được điêu khắc, cho biết: “Thật sự rất ấn tượng, chiếc ghe ngo được điêu khắc rất sống động, tinh tế, sắc sảo từng đường nét. Từ trước nay, tôi rất mê đua ghe ngo của người Khmer Nam bộ, nhưng chỉ được nhìn từ xa hoặc qua màn ảnh nhỏ. Nay có thể trực tiếp nhìn ngắm, thậm chí sờ vào từng đường nét hoa văn điêu khắc trên thân ghe, tôi thấy rất thú vị”.
Đại đức Đinh Hoàng Sự cho biết: Chiếc ghe ngo độc đáo sẽ được dùng để trưng bày hoặc bơi biểu diễn trong các lễ hội lớn. Để các phật tử và du khách gần xa dễ dàng tìm đến xem ghe ngo, nhà chùa dự kiến sẽ xây dựng một khu vực trang trọng, sạch đẹp để trưng bày. Đây cũng là cách để giới thiệu đến mọi người về nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam bộ; đồng thời nhắc nhở phật tử về việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc.

Giải đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu long sẽ chính thức khai mạc vào lúc 12 giờ ngày 7-11, tại khán đài đua ghe ngo trên dòng sông Maspero (thuộc TP Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng).

Giải đua ghe ngo lần này có sự tham gia của 56 đội ghe, với hơn 8.000 vận động viên đến từ nhiều tỉnh, thành tham gia tranh tài. Trong đó, có 45 đội nam sẽ thi đấu ở cự ly 1.200m và 11 đội nữ thi đấu ở cự ly 1.000m. Giải đua bế mạc và trao giải vào chiều 8-11, và sẽ được trao kỷ lục Việt Nam về số lượng đội ghe và số vận động viên đua ghe ngo nhiều nhất.

Tin cùng chuyên mục