Thời khắc lịch sử của Hy Lạp

11 giờ (giờ Việt Nam) ngày 17-6, tất cả các điểm bỏ phiếu trên khắp Hy Lạp đã mở cửa phục vụ cuộc tổng tuyển cử được tổ chức lại với ý nghĩa quyết định. Theo đó, số phận của quốc gia đang nợ nần chồng chất này sẽ được định đoạt, hoặc tiếp tục các biện pháp thắt lưng buộc bụng, hoặc ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Kết quả sẽ được biết vào hôm nay, 18-6.
Thời khắc lịch sử của Hy Lạp

11 giờ (giờ Việt Nam) ngày 17-6, tất cả các điểm bỏ phiếu trên khắp Hy Lạp đã mở cửa phục vụ cuộc tổng tuyển cử được tổ chức lại với ý nghĩa quyết định. Theo đó, số phận của quốc gia đang nợ nần chồng chất này sẽ được định đoạt, hoặc tiếp tục các biện pháp thắt lưng buộc bụng, hoặc ra khỏi khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone). Kết quả sẽ được biết vào hôm nay, 18-6.

  • Tâm điểm Syriza

Khoảng 9,8 triệu cử tri Hy Lạp tham gia cuộc tổng tuyển cử, nơi chứng kiến cuộc đua tranh gắt gao giữa đảng Dân chủ mới ủng hộ biện pháp thắt lưng buộc bụng và đảng Syriza phản đối chính sách chi tiêu khắc khổ. Báo chí Hy Lạp đều cho rằng đây là cuộc bỏ phiếu căng thẳng nhất kể từ khi chính quyền quân sự Hy Lạp kết thúc vào năm 1974. Theo Hãng AFP, tâm điểm của cuộc bầu cử lần này là Alexis Tsipras, thủ lĩnh của Syriza.

Chính trị gia trẻ tuổi (37 tuổi) này sẽ trở thành mối đe dọa cho châu Âu nếu thắng cử khi ông Tsipras tuyên bố sẽ ra khỏi khu vực châu Âu chứ nhất quyết không thắt lưng buộc bụng để đổi lấy các gói cứu trợ kinh tế. Mặc dù vậy, các cuộc thăm dò dư luận mới đây nhất cho thấy đến 80% người dân Hy Lạp mong muốn Athens ở lại eurozone.

Thủ lĩnh đảng Syriza, ông Alexis Tsipras, bỏ phiếu.

Thủ lĩnh đảng Syriza, ông Alexis Tsipras, bỏ phiếu.

Theo dự đoán của giới quan sát, sẽ không có đảng nào thu được đủ số phiếu cần thiết để giành đa số ghế tại quốc hội. Do đó, những ngày tới, nhiều khả năng tại Hy Lạp sẽ diễn ra các cuộc thảo luận để thành lập liên minh. Giới phân tích cho rằng đảng Dân chủ mới dễ dàng hơn trong việc thành lập một liên minh nếu đảng này giành thắng lợi, trong khi đảng Syriza sẽ đối mặt với nhiều thách thức hơn để thành lập một liên minh cánh tả.

Evangelos Venizelos, người đứng đầu đảng Xã hội của Hy Lạp, cho rằng dù ai có giành phần thắng thì điều quan trọng nhất vẫn là nhanh chóng thành lập một chính phủ có uy tín và trách nhiệm để giải quyết cuộc khủng hoảng của Athens.

  • Châu Âu lo ngại

Cuộc tổng tuyển cử ở Hy Lạp không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân Hy Lạp mà còn cả của châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh về ý nghĩa “đặc biệt quan trọng” của cuộc bầu cử đối với vận mệnh châu Âu khi ông Tsipras đang có khả năng làm nên lịch sử. Trong khi đó, ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính eurozone (eurogroup), cảnh báo về những hậu quả không thể lường trước đối với eurozone khi Syriza giành phần thắng.

Tờ Bild của Đức còn tăng thêm sức nóng trước cuộc bầu cử khi gửi một bức thư ngỏ đến người dân Hy Lạp với thông điệp rằng nếu các đảng phái không chấp nhận thắt lưng buộc bụng và cải cách, xóa bỏ mọi thỏa thuận đã được ký kết trước đây với Liên minh châu Âu (EU) giành chiến thắng, thì “đồng euro sẽ không còn xuất hiện trong các máy ATM của Hy Lạp”.

Tuy nhiên, thay vì “ngồi chờ chết”, châu Âu đã khẩn trương khởi động các phương án đề phòng trường hợp xấu nhất có thể xảy ra tại Hy Lạp. Pháp đã đề xuất với EU về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng trị giá 120 tỷ EUR trước khi kết thúc năm 2012.

Sáng kiến trên của Tổng thống Pháp Francois Hollande đã được đưa ra cách đây vài ngày với các đối tác EU và Hội đồng châu Âu, ngay trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 dự kiến diễn ra tại Mexico ngày 18 và 19-6 và cuộc đàm phán 4 ngày với các nhà lãnh đạo Đức, Italia và Tây Ban Nha ở Roma vào ngày 22-6. 

Hy Lạp hiện đã rơi vào suy thoái năm thứ 5 liên tiếp. Truyền thông Hy Lạp cho biết chính phủ nước này sẽ không còn tiền để chi trả lương cho khu vực công và lương hưu vào ngày 20-7 này. Đây chính là lý do khiến rất nhiều thanh niên Hy Lạp đang tìm cách di cư ra nước ngoài để kiếm việc làm, sinh sống.

ĐỖ VĂN (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục