Vy ngó qua cửa sổ lớp học thấy bóng Phi đang trôi chầm chậm trên con đường vắt qua những thửa ruộng lênh láng nắng xuân. Lũ trò nhỏ như chỉ chờ một tiếng trống là ùa ra sân trường tựa bầy chim sẻ. Phi đến, nở nụ cười bụi bặm mắt đắm đuối ngó mông lung. Anh nói nếu được bay trên bầu trời quê hương bằng một chiếc dù lượn, anh nhất định sẽ có bức ảnh mùa xuân đẹp miễn chê.
Thử tưởng tượng mà xem, trên cao là bầu trời với những đám mây trắng xốp lững lờ trôi, ở dưới là cánh đồng mạ non xanh mơn mởn, đàn chim sẻ đậu chòng chành trên dây điện, hoa cỏ rực rỡ mọc bên đường. Điểm nhấn cho góc ảnh là những dây phơi vắt dọc ngang làng xóm, phất phơ áo đỏ lụa vàng, chiếu chăn, váy vóc. Có mùa xuân nơi nào đẹp đến thế không em? Phi thốt lên chân thành mà lòng Vy ơ hờ ngó nắng đang thè cái lưỡi dài liếm vào đến ngang sân.
Hôm nay nắng nhẹ rồi sẽ tắt sớm nên Vy không mang quần áo ra ra giặt giũ. Áo cũ, áo mới đều phải giặt, lệ ở làng như thế, lại càng là cái cớ để mà nhớ thương nhau. Tết nào trở về quê Phi cũng đều ngó qua dây phơi nhà người con gái đẹp. Để luôn thấy thắt lòng khi áo cũ mười năm người vẫn mang phơi. Phi chẳng có quyền gì bảo Vy chuyện đã qua và người đã xa thôi đừng nhung nhớ nữa. Chuyện con tim người ta đâu như áo khăn, nên có cũ nhàu cũng chẳng cách nào là cho phẳng.
Phi là hướng dẫn viên du lịch, đi miết đến nỗi nghe thấy từng bước chân than thở. Thèm được vài ngày nghỉ phóng xe về thăm quê, chạy qua mấy đồi cây bạch đàn đứng cả buổi nghe lén ngoài lớp học buổi chiều. Mùa lạnh Phi đứng đến tê buốt cả chân. Nghe giọng Vy dạy lũ trẻ đọc thơ anh thường tự hỏi sao ấm áp ấy mãi không thuộc về mình. Vy ngó ra ngoài ngắm lưng Phi bụi bặm và đơn độc tự nhiên nghĩ rồi thể nào cũng sẽ có lúc tựa vào nhau. Nhưng chỉ nghĩ vậy thôi chứ lòng Vy xơ xác lắm, cứ tưởng mình chắc chẳng thể ủ ấm được cho ai. Mười năm trước An đi, có hứa sẽ trở về mà người không về nữa. Vy đợi từ lúc còn là cô gái tuổi đôi mươi tràn đầy ước vọng cho đến khi lòng nguội lạnh tro tàn. Chiếc áo phông của An để lại lấm lấm vết mốc đen, mười năm qua Vy đều đặn mang phơi mà chưa một lần dám giặt. Sợ mùi mồ hôi thân quen ấy mất đi, sợ áo sạch rồi thì người thôi nhung nhớ. Phi đôi lần càu nhàu “người ta ở trời Tây, giàu có rồi mặc toàn đồ hiệu, ai nhớ cái áo phông cũ nhàu mà cứ mang ra phơi mãi”.
Minh họa: K.T.
Vy ngồi ngoài hiên gấp hoa giấy cho học trò vờ như không nghe thấy. Gió đầu mùa thốc ngược từ cánh đồng thổi tung hoa giấy vương vãi dưới sân nhà. Phi cúi gập người lượm nhặt từng bông một. Ừ nhỉ. Người ở rất gần sao không thương nhau?
Sau mỗi lần về đứng chôn chân ngoài lớp học thì Phi lại đi lâu thật lâu. Lần nào nằm co ro một mình ở xứ người Phi cũng tự hỏi không biết có ai nhớ mình không? Hỏi chơi vậy thôi chứ cái trò nhớ nhung phù phiếm và trớ trêu ghê lắm. Mình nhớ họ đến mòn vẹt cả con tim mà họ thì chả thèm đoái hoài gì, lại đi phung phí nhớ nhung cho một ai vô tâm khác. Yêu đương vốn là trò tiêu khiển của số phận. Không vậy thì sao Vy cứ khổ mãi vì một người đã yên ấm xa xôi. Từng là bạn bè thân thiết nên cuộc sống của An thế nào Phi biết rõ từ lâu. Biết An đã lấy vợ và định cư tại Mỹ, chẳng còn nhớ gì lời hứa thuở hàn vi.
Hôm chia tay An đi Mỹ, bữa cơm chỉ vỏn vẹn ba người. Vy khóc quá còn An thì dỗ mãi, Phi ngồi một góc cảm nhận rất rõ mình đang mất mát quá nhiều. Đứng ở sân ga tiễn bạn đi, Phi thầm xót xa than “người mang hồn người đi xa tôi”. Nhiều lúc ngồi ngay cạnh bên thật đấy nhưng Phi nghĩ Vy ở đây mà không phải ở đây. Cũng có lúc say Phi muốn gọi cho An để đòi lại hồn người. An cười bảo “chuyện con nít ấy mà để ý làm chi”. Nếu Vy nghe được thì có còn mang áo ra phơi?
- Mẹ em nói anh già quá rồi, em có thấy thế không? Ra đường bây giờ gái toàn chào “chú ạ”.
- Thì anh lấy vợ đi còn ngồi đây nhặt hoa giấy làm chi?
Phi ngó dây phơi thủng thẳng buông lời:
- Anh lấy vợ rồi ai chờ em?
Mấy câu đó nhẹ hều, lời theo gió bay rồi mà lòng Vy nhộn nhạo. Ừ lỡ Phi lấy vợ rồi làm gì có ai ngóng trông Vy. Mẹ bảo Vy giống như mấy gốc đào trong vườn càng lâu năm càng trái tính trái mùa. Lúc mới mang về trồng, hoa đỏng đảnh nở trước tết vài hôm rồi tàn nhanh đúng lúc người ta mong ngóng. Rồi thì hoa cũng biết đằm thắm nở đúng tết cho hợp khí xuân cho vui lòng chủ. Vậy mà nhiều năm nay hoa toàn ra muộn, cũng có khi ủ nụ đấy mà không thấy hoa đâu. Người mong hoa rồi cũng sẽ thôi không mong ngóng nữa. Như cây đào già đứng lặng lẽ giữa vườn cằn cỗi, không một mầm xanh cũng chẳng thấy nụ hồng. Mẹ lo Vy không chịu lấy chồng thì cũng có ngày lạc lõng giữa vườn nhân gian hạnh phúc. Sáng nào đó nhặt bông hoa giấy bị gió thốc mắc kẹt lại bên cành đào khẳng khiu. Mẹ lặng lẽ cậy lớp vỏ cây đang bong ra, trìu mến nhìn một mầm cây đang nhú. Vy đã nghĩ hay là mình đi lấy chồng?
- Hôm nọ đi qua trường, mẹ thấy thằng Phi đứng chờ con. Nó đứng chờ con suốt mười năm trời rồi đó. Mười năm người ta yên ấm xứ người…
- Thì mẹ bảo con biết phải làm sao? Lấy nhau rồi nhỡ không mang lại hạnh phúc cho Phi thì chỉ càng thêm khổ.
- Lòng dạ con người phải chi gột được như chăn chiếu thì có phải đỡ trái ngang không.
Mẹ thở dài ngó nắng tắt ngoài hiên nhắc Vy muộn rồi đi nấu cơm đi đừng ngồi gập hoa giấy mãi.
* * *
Mẹ bật đài, dò sóng kêu rè rè. Một giọng nữ thông báo ngày mai trời nắng to trước khi đổ cơn áp thấp cận kề tết. Vy vội vàng thu dọn sẵn áo khoác, khăn len, nhà có cái gì cũng muốn mang ra giặt. Đó không chỉ đơn thuần là công việc giặt giũ hàng ngày mà còn là giũ bỏ hết bụi bặm năm cũ để rước năm mới tinh tươm đầy lộc về nhà. Khách lạ đến xứ này nhìn dây phơi quần áo biết được nhà có con gái lớn, có mẹ già hay cháu nhỏ. Mỗi lần nhìn dây phơi nhà người ta rực rỡ sắc màu toàn váy vóc trẻ trung mẹ lại thở dài nghĩ cách đây vài năm sân nhà mình cũng tươi tắn đâu có kém. Thấy nhà người ta phơi tã lót, áo quần con thỏ, gấu bông mẹ lại chậc lưỡi than không biết đến bao giờ sân nhà mới có tiếng trẻ con cười. Nhưng năm nào cũng vậy Vy chẳng kịp nghĩ gì, chỉ bần thần bên áo cũ năm xưa cũng thấy ngày tắt nắng. Năm nay Phi đến, sáng sớm đã sà vào bếp xin mẹ già nắm xôi đỗ đen ngồi nhai nhồm nhoàm bên bếp lửa. Vy chải tóc trong phòng nghe thấy Phi bảo mẹ:
- Con nghỉ tết sớm mà chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Nhà có việc gì bác cứ bảo con. Ăn xôi xong con sẽ bổ củi cho bác nấu bánh chưng. Bác gói nhiều vào để tết này con sang ăn ké.
- Phải chi nhà có đàn ông thì củi đuốc đã chẳng để đến bây giờ mới bổ. Nhà người ta đã xong xuôi từ lâu rồi. Vứt chồng chéo ngoài kia mục hết mất thôi.
Phi cúi gập người thổi bếp lửa phù phù, ngó qua phía buồng Vy nói bâng quơ:
- Củi càng mục càng bén lửa bác ạ.
- Ừ. Bén thì có bén nhưng than mau tàn. Chưa khời ra đã tắt.
Vy gỡ những sợi tóc rối quấn đầy chân lược, lòng cũng rối như tơ vò. Nàng mang áo quần ra giếng giặt, Phi đi theo múc nước. Tiếng gầu va vào thành giếng nghe xộn xạo lòng người. Phi nói dây gầu ngắn quá cần phải nối thêm, giếng sâu thì nước trong nên đâu có tiếc chi một sợi dây dài. Vy vờ như không nghe gì, cặm cụi nhận quần áo với xà phòng trắng bọt. Bên giếng cây hồng già ra trái muộn nên không chín vào rằm tháng tám mà cuối năm mới đỏ một góc vườn. Cây trụi lá lúc lĩu còn toàn quả, lũ chim gọi nhau về ăn trái chín cứ đậu lại bay tíu tít sớm chiều. Mấy đêm nay, thỉnh thoảng Vy thường tỉnh giấc chỉ bởi tiếng quả rụng trong vườn. Biết vậy nên mẹ sai Phi hái hồng chỉ chừa lại cho chim vài quả. Mấy cây quất sau nhà cũng hái vội đi làm mứt. Bí đao treo lủng lẳng đỉnh cây nhãn đầu nhà Phi thoăn thoắt trèo bứt xuống. Dây phơi chùng quá rồi tiện thể để Phi cột lại. Vy nhủ thầm “Phi cột chặt làm chi để nhìn em phơi áo người ta…”. Lúc ấy Phi đang đan lại rào, hình như cũng thẫn thờ đôi chút nên bối rối để gai cào rách áo. Phi nói bâng quơ “áo rách rồi không biết có ai khâu?”. Mẹ đang tách hột quất đầu hè ho khan mấy tiếng. Vy thôi nhìn áo cũ lặng lẽ vào nhà mang kim chỉ ra xâu…
Sáng hai tám tết mẹ dậy sớm đảo mứt ngào đường thơm quánh cả góc bếp. Thứ nào mẹ cũng chia làm đôi dặn phần Phi một nửa. Mẹ ra ngóng vào trông xem chừng sốt ruột lắm, Vy cười bảo:
- Con nhà người ta chứ con mẹ đâu mà mẹ ngóng.
- Muốn thành người một nhà thì có khó gì đâu. Mẹ muốn mà có người cứ lần chần mãi.
Vy nghe tiếng mẹ như hờn trách. Mẹ già rồi Vy cũng không còn trẻ nữa. Tâm hồn cũng cằn cỗi như gốc đào thèm được yêu thương mà nhú mầm đơm nụ. Nào ai muốn vò võ chăn đơn gối chiếc khi thiên hạ sum vầy, ấm cúng bên nhau. Nhưng Vy biết làm gì với con tim bướng bỉnh nhiều hoài niệm trong mình. Hôm thấy dáng Phi đứng chờ trong mưa bụi Vy đã nhắc lòng mình hãy thương lấy người đàn ông ấy. Hôm ngó Phi lặng lẽ một mình một bóng dời quê trên con đường hun hút Vy đã muốn làm bến bờ chờ đợi Phi về.
Hôm thấy áo Phi rách Vy đã ước được khâu lành cả vết rách trong trái tim anh. Vậy mà cuối cùng vẫn giày vò Phi qua nhiều năm tháng. Tại cái áo cũ hay là tại lòng Vy? Nếu là tại áo thì mang vứt đi là xong. Vy không giữ nữa. Nghe người ta nói tết này An về quê đón bố mẹ sang định cư luôn bên đó. Bao nhiêu dự định đời An sao chẳng có chút gì dành cho Vy cả. Vậy Vy còn giữ áo cũ làm chi?
Phi đến nhà bốc nhúp như trẻ nhỏ, xin chút mứt quất ngậm khỏi ho, nói đi dẫn tour mà có ít mứt gừng đỡ lo cảm lạnh. Vy nghĩ xem nhà còn thiếu gì đi chợ sắm sửa nốt cho vẹn tết. Mẹ bảo nhà này chỉ thiếu mỗi thằng rể chứ chẳng thiếu thứ gì. Thiếu chứ sao không thiếu, hoa cắm trong nhà chưa có, vải may rèm mới chưa mua. Mà cái chính là Vy muốn đi mua sắm để khơi lòng mình vui lên đôi chút.
Ngồi sau lưng Phi trôi đi trong tiết trời trong lành khiến Vy thấy đã nhẹ nhõm nhiều. Bờ vai này đã bao lần gánh vác thay Vy. Tấm lưng này đã phơi bao nắng mưa chờ đợi. Vậy mà đến bây giờ Vy mới biết xót thương đến quặn lòng. Phi bỗng đi chậm lại khi đi ngang qua chợ hoa đào. Anh chỉ một chậu đào xù xì, chỉ có vài bông màu nhung đỏ và bảo:
- Đó là giống đào thất thốn. Ngày xưa làm lễ vật tiến vua. Nhìn bên ngoài thì trơ trụi, xấu xí thậm chí tưởng nó đã chết rồi. Đến cả nụ hoa cũng đen sì như bị thối. Nhưng hoa ủ nụ như thế vài năm rồi sẽ bung nở đầy đằm thắm. Nở để đánh thức vẻ xù xì trên thân nhánh cằn khô. Anh thấy đời hoa sao giống đời người quá em ơi. Cứ xù xì vậy thôi mà cũng đủ đắm đuối lòng nhau em nhỉ?
- Em nghe nói giống đào này rất kén người chăm. Phải tận tâm lắm thì hoa mới nở.
Nói rồi Vy nép vào lưng anh bẽn lẽn cười. Xe đang trôi theo những đám mây màu trắng xốp…
Vũ Thị Huyền Trang