Thổi phồng!

Trong khi người Nhật điềm tĩnh ứng phó với trận động đất, sóng thần và sự cố nhà máy điện hạt nhân Fukushima, các chuyên gia Nhật đang từng bước tháo gỡ khó khăn tại đây, đồng thời cung cấp cho người dân những thông tin chính xác để tránh gây hoảng loạn xã hội, thì truyền thông phương Tây, trong đó có các “đại gia” như đài Truyền hình CNN của Mỹ, Hãng Reuters của Anh, Le Figaro của Pháp… đã làm điều ngược lại.

Người dân Nhật Bản rất bất bình trước thái độ của truyền thông phương Tây. Một số người đã lập website nêu đích danh các “đại gia” đưa tin không chính xác, thổi phồng sự cố nhà máy hạt nhân Fukushima. Hậu quả của việc phóng tay này là các phương tiện truyền thông thế giới mua lại tin của các “đại gia” đã đưa tin theo họ mà không có điều kiện kiểm chứng, góp phần thổi phồng nỗi sợ hãi khắp toàn cầu.

Bản danh sách các cơ quan truyền thông đưa tin sai sự thật do người Nhật phát hiện rất dài, có đến hàng chục, còn những bài báo đưa không đúng sự thật thì có đến hàng trăm. Có hai dạng thổi phồng thông tin. Thứ nhất là trích vài ý kiến rồi kết luận sự việc. Họ phỏng vấn một số quan chức không phải chuyên gia hạt nhân, rồi trích một câu không có cơ sở và giật lên tít. Ví dụ như báo Telegraph của Anh ngày 16-3 giật tít: “Chỉ còn 48 giờ để tránh một Chernobyl thứ hai”, trích phát biểu một quan chức Pháp không phải là chuyên gia hạt nhân. Trong khi đó, các chuyên gia hạt nhân Nhật Bản khẳng định Fukushima không phải là Chernobyl. Sau đó, hàng loạt tờ báo ở các nước khác đều lấy lại tựa đề này, làm rúng động thế giới. Đài CNN của Mỹ trong ngày 15-3 giương báo động ngay trên trang chủ: “Phóng xạ sẽ đến nước Mỹ vào thứ sáu. Nỗ lực làm mát nhà máy hạt nhân đã thất bại”. Cũng đài này phỏng vấn chỉ 3 người: một công dân Pháp, một nhân viên kinh doanh và một người bán mì rồi sau đó kết luận đang có một cuộc di dân ồ ạt khỏi Tokyo. Trong thực tế, Đài truyền hình NHK của Nhật đưa tin số người rời Tokyo ít hơn số người làm việc tại nhà vì công ty cho phép hoặc vì không có phương tiện đi làm. CNN cũng đưa một đoạn video với chú thích “các kệ hàng hóa trên khắp nước Nhật thường xuyên trống rỗng” do một người nước ngoài quay tại một siêu thị không được xác định. Tờ Daily Mail của Anh ngày 17-3 thì phóng đại: “Những ngày đen tối ở thị trấn ma của Tokyo: Những con đường vắng ngắt của một thủ đô từng sôi động giờ bị tê liệt vì cúp điện”…

Loại thổi phồng thứ hai là áp đặt lối suy nghĩ không khách quan và có phần thiển cận của họ. Báo Guardian của Anh ngày 14-3, trích phát biểu của một chuyên gia của tổ chức Hòa bình xanh nhận định Chính phủ Nhật che đậy sự thật về hạt nhân và Tổng công ty điện lực Tokyo (TEPCO) đã nói dối. Báo này viết: Chính phủ Nhật Bản luôn có khuynh hướng xem nhẹ các sự cố. Ngay bây giờ, những tuyên bố về an toàn hạt nhân của Nhật không ai tin được”.

Reuters thì tự hỏi trong một bài báo nghiêm túc: tại sao Nhật Bản không dùng robot ở nhà máy Fukushima trong khi đất nước này đứng số 1 thế giới về chế tạo robot, và sau đó tác giả tự đưa ra nhiều lý do từ suy diễn chủ quan của mình. Theo trang web jpquake.wikispaces.com thì người Nhật sau khi đọc bài báo này đã đùa với nhau: các robot của Nhật đi đâu cả rồi?

Vai trò của báo chí trong thời đại bùng nổ thông tin rất quan trọng đối với đời sống xã hội. Nếu các phương tiện truyền thông không chú ý đến sự ổn định xã hội mà chỉ chạy theo tin giật gân để câu khách, thiếu kiểm chứng thông tin, đưa tin một chiều…sẽ tác động xấu đến không chỉ vấn đề xã hội mà cả chính trị, an ninh, kinh tế… Các cơ quan truyền thông có uy tín càng lớn, sức lan tỏa càng rộng thì đòi hỏi phải có trách nhiệm càng cao đối với cộng đồng.

VIỆT TRUNG

Tin cùng chuyên mục