Thời tiết bất thường: Bệnh viện quá tải, cây trồng sâu bệnh

Thời tiết bất thường: Bệnh viện quá tải, cây trồng sâu bệnh

(SGGPO).- Nắng nóng vượt 40°C, mưa bất thường xảy ra trong hơn 10 ngày qua tại khu vực Bắc Trung bộ làm số lượng trẻ em nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến thời tiết tăng mạnh. Trong khi đó, hàng chục ngàn hécta lúa, bưởi thanh trà và hồ tiêu ở đây có nguy cơ mất mùa vì sâu bệnh bùng phát gây hại.

Sáng 19-4, Trung tâm Nhi khoa thuộc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, trong tuần qua, bình quân mỗi ngày có khoảng 200 trẻ ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế được gia đình đưa đến trung tâm khám và chữa bệnh (tăng 1,5 lần so với đầu tháng 4-2015). Trong đó, khoảng 40-50 trẻ phải nhập viện điều trị nội trú, chủ yếu mắc bệnh liên quan đến thời tiết như tiêu chảy, hô hấp.

Trẻ em mắc bệnh do thời tiết khám bệnh tại Trung tâm Nhi khoa thuộc Bệnh viện Trung ương Huế

Tương tự, tại khoa Nhi các bệnh viện tuyến huyện, thị và TP tại Thừa Thiên – Huế và Quảng Trị đều trong tình trạng quá tải. Nhiều phòng bệnh điều trị các bệnh viêm đường hô hấp, ngoài da, tiêu chảy tăng từ 20%-30% so với tuần trước nên bệnh nhân phải nằm 2 người/giường. Các bác sĩ khuyến cáo, đầu hè là thời điểm các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, bệnh sởi… diễn biến phức tạp. Phụ huynh nên đưa trẻ đi khám ngay khi có biểu hiện nóng, sốt để xác định rõ nguyên nhân và điều trị kịp thời, tránh biến chứng.

Cùng ngày, Sở NN-PTNT tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, khoảng 300ha thanh trà, tập trung chủ yếu ở Thủy Biều (TP Huế), Hương Hồ, Hương Vân, Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Phong Thu (Phong Điền) bị mắc bệnh chảy gôm, khả năng mất mùa hoặc ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm. Ông Hoàng Trọng Di, Chủ nhiệm HTX Thủy Biều, phường Thủy Biều cho biết, người trồng lo nhất là sâu bệnh diễn biến phức tạp, trong khi phần lớn người dân còn lúng túng, chưa chủ động trong công tác phòng trừ. Trên địa bàn hiện có khoảng 50ha bị bệnh, trong đó có 6ha bị bệnh chảy gôm gây hại nặng, tỷ lệ từ 20%-30%...

Theo ông Cái Văn Thám, Trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Thừa Thiên – Huế, bệnh chảy gôm do nấm phythoptora tồn tại trong đất, xâm nhập qua rễ, theo mạch dẫn đến thân cây gây hỏng vỏ, chảy nhựa nên hấp thu dinh dưỡng kém. Những cây bị bệnh nặng có thể chết. Bệnh này rất khó phát hiện, thường ủ bệnh vào mùa mưa đến mùa khô mới phát hiện được. Cách tốt nhất là phòng ngừa sâu, bệnh bằng việc cắt tỉa tạo tán, vệ sinh vườn, quét vôi toàn bộ gốc và thân cây.

Cây hồ tiêu tại Quảng Trị úa lá và chết dần vì rệp vảy gây hại

Tương tự, nhiều diện tích trồng cây hồ tiêu ở Quảng Trị cũng đang thối gốc, héo lá, chết hàng loạt khiến người làm vườn như ngồi trên đống lửa vì không có cách chữa trị. Trạm Bảo vệ thực vật huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị xác nhận, khoảng 30ha hồ tiêu bị đối tượng rệp vảy gây hại, trong đó nặng nhất tại xã Cam Nghĩa với diện tích 20ha. Các địa phương khác bị rải rác tại một số vườn. Số diện tích bị nhiễm phần lớn là hồ tiêu đang trong thời kỳ kiến thiết. Rệp vảy phát triển nhanh và tồn tại kéo dài trên cây, khi có điều kiện nắng, mưa thất thường sẽ bùng phát mạnh, gây hại tập trung chủ yếu ở các bộ phận lá, ngọn non và cành, thậm chí trái tiêu. Toàn bộ mặt dưới của lá tiêu bị rệp bám dày và hút dần chất dinh dưỡng khiến lá không thể quang hợp ánh sáng, cây sinh trưởng chậm, trường hợp nhiễm nặng cây có thể bị chết.

Thời tiết bất thường tại khu vực này cũng làm ảnh hưởng đến hàng vạn hécta lúa Đông xuân giai đoạn đẻ nhánh làm đòng bị sâu bệnh và chuột tấn công. Huyện Quảng Điền (Thừa Thiên – Huế) có 4.070ha/4.260ha lúa bị sâu bệnh gây hại, trong đó bệnh sâu cuốn lá 2.500ha (mật độ từ 7 – 19 con/m²), khô vằn 1.500ha, rầy các loại 270ha. Tại Quảng Trị, đã có gần 3.000ha lúa bị chuột, rầy nâu và rầy lưng trắng, bệnh đốm nâu, bệnh đạo ôn lá gây hại. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết, tỉnh sẽ nghiên cứu để có những cơ chế, chính sách phù hợp hỗ trợ người dân các địa phương bị thiệt hại do nắng hạn và sâu bệnh. Đồng thời yêu cầu ngành chức năng hướng dẫn nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm các đối tượng sâu bệnh để kịp thời phòng, trừ tránh tình trạng bùng phát trên diện rộng.

 Văn Thắng

Tin cùng chuyên mục