Bài phát biểu của trưởng đoàn Philippines Naderev Yeb Sano về việc biến đổi khí hậu làm gia tăng lượng và sức phá hủy của thiên tai làm sôi động Hội nghị biến đổi khí hậu LHQ 2013 (COP 19) đang diễn ra tại Warsaw, Ba Lan.
Siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều
Rất nhiều ý kiến đã đồng tình với ông Sano. Tờ Guardian ngày 13-11 cho rằng các hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trên thế giới trong thời gian qua như bão Sandy, sự tan chảy băng ở Bắc cực hay các đợt nắng nóng tại Mỹ, Nga và Australia đều có thể do biến đổi khí hậu gây ra.
Nói về cơn bão Haiyan, Guardian cho rằng, về logic, có sự liên kết rõ ràng giữa Haiyan với hiện tượng nóng lên toàn cầu. Bão lấy năng lượng từ các đại dương. Hiện tượng nóng lên toàn cầu sẽ làm các đại dương ấm lên, dẫn đến nhiệt lượng được trữ nhiều hơn ở các đại dương. Khi lượng nhiệt này được giải phóng vào bầu khí quyển sẽ làm gia tăng sức mạnh của bão. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng, Thái Bình Dương tăng nhiệt ở mức nhanh nhất trong 10.000 năm qua. Will Steffen, Giám đốc Đại học Quốc gia Australia (ANU), khẳng định các siêu bão hình thành từ những đại dương đang nóng lên.
Trong khi đó, Myles Allen, người đứng đầu nhóm nghiên cứu về khí hậu của Đại học Oxford, lại chưa dám chắc biến đổi khí hậu làm bão cuồng nộ hơn hay không, nhưng tin rằng siêu bão sẽ xuất hiện ngày càng nhiều trong thời gian tới. Báo cáo mới đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) cũng chỉ ra rằng tốc độ gió tối đa của các cơn bão trên toàn cầu sẽ tăng lên, trong khi tần suất không thay đổi. Trước đó, vào tháng 9, IPCC cũng đưa ra cảnh báo đáng chú ý rằng cường độ bão đang tăng lên ở Bắc Đại Tây Dương.
Đã có bằng chứng cho thấy biến đổi khí hậu làm cho các đợt nắng nóng, siêu bão và hạn hán gia tăng. Đầu năm nay, Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương Mỹ (NOAA) cùng các chuyên gia đến từ 16 viện nghiên cứu trên thế giới đã xem xét những tác động của biến đổi thời tiết đối với 12 hiện tượng thời tiết cực đoan xảy ra trong năm 2012. Họ kết luận rằng biến đổi khí hậu đã khiến nhiệt độ của đợt nắng nóng tại Mỹ tăng lên 37,7oC; làm tan chảy băng ở Bắc cực và tăng sức tàn phá của bão Sandy. Các nhà khoa học không dám chắc hiện tượng mùa hè ẩm ướt ở Anh hay hạn hán ở Tây Ban Nha có liên quan gì đến biến đổi khí hậu hay không.
Thiệt hại lớn về người và của
Dù còn nhiều ý kiến khác nhau về việc thời tiết cực đoan có liên quan đến biến đổi khí hậu hay không, nhưng có một điều chắn chắn rằng thời tiết khắc nghiệt đã và đang gây ra thiệt hại lớn về người và của trên toàn thế giới. Chỉ riêng Mỹ, 25 hiện tượng thời tiết cực đoan năm 2011 đã làm nước này thiệt hại hơn 1 tỷ USD.
Oxfarm đưa ra bằng chứng cụ thể về sự tàn phá tại các quốc gia đang phát triển bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Năm 2012, hạn hán ở Nga đã làm sản lượng ngũ cốc sụt giảm gần 25%. Ở Pakistan, trận lụt kinh hoàng năm 2010 đã phá hủy 570.000ha đất nông nghiệp và ảnh hưởng tới hơn 20 triệu người dân. Hạn hán tại Đông Phi năm 2011 làm hơn 13 triệu người lâm vào cảnh khốn cùng, đẩy Somalia rơi vào nạn đói. Theo Germanwatch, một cơ quan nghiên cứu của Chính phủ Đức, thời tiết khắc nghiệt đã giết chết 530.000 người và gây thiệt hại 2,5 ngàn tỷ USD trong năm 2012. Nền kinh tế Haiti mất 9,5% GDP vì thiên tai…
2013 là năm có mực nước biển dâng cao kỷ lục và có nhiệt độ cao thứ 10 kể từ năm 1850. Đây là kết luận của Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) thuộc LHQ trong báo cáo thường niên công bố ngày 13-11. Theo báo cáo của WMO, mực nước biển toàn cầu đạt mức kỷ lục vào thời điểm tháng 3-2013. Tốc độ mực nước biển dâng hiện tại là 3,2 mm/năm, cao gấp đôi con số 1,6 mm/năm của thế kỷ XX. Tổng Thư ký WMO Michel Jarraud nhận định, mực nước biển dâng cao là một trong những nguyên nhân khiến các quốc gia ven biển chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. |
ĐỖ CAO (tổng hợp)
>> Hội nghị biến đổi khí hậu Liên hiệp quốc 2013: Tìm giải pháp giảm thiểu khí thải nhà kính