Thời tiết thất thường, người trồng hoa khổ

Mưa lũ dồn dập cuối năm 2017 cộng với đợt rét đậm, rét hại đầu năm 2018 tại miền Trung; mưa trái mùa liên tục trong nhiều ngày qua tại khu vực ĐBSCL, những hiện tượng thời tiết cực đoan, thất thường trên đang khiến nhiều nhà vườn ở các khu vực này lo lắng về nguy cơ mất mùa hoa tết.
Người làm vườn tại Thừa Thiên - Huế tích cực chăm sóc để cúc đơm hoa đúng dịp tết
Người làm vườn tại Thừa Thiên - Huế tích cực chăm sóc để cúc đơm hoa đúng dịp tết

Cúc nở hoa sớm, quýt hồng rong xanh

Do ảnh hưởng mưa trái mùa liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều vườn cúc mâm xôi ở Đồng Tháp, Bến Tre, TP Cần Thơ… có nguy cơ nở bông sớm, trước thời điểm Tết Mậu Tuất 2018. 

Bà Huỳnh Ngọc Tuyền, ngụ xã Tân Khánh Đông, TP Sa Đéc (Đồng Tháp) lo lắng: “Mấy tháng nay gia đình tập trung chăm sóc hơn 600 chậu cúc mâm xôi và cúc Đài Loan để bán tết. Thế nhưng, những ngày qua trời mưa suốt khiến một số chậu cúc mâm xôi trổ bông sớm. Với tình hình này, khả năng không ít chậu cúc mâm xôi sẽ trổ đầy bông trước tết và nông dân sẽ thất thu vì giá bán thấp”. 

Tại làng hoa kiểng Chợ Lách (Bến Tre) nhiều nông dân trồng hoa bán tết cũng đang “mất ngủ” vì thời tiết bất lợi. Ông Nguyễn Văn Tính, ngụ xã Vĩnh Thành, huyện Chợ Lách cho biết: “Năm nay gia đình tôi trồng khoảng 2.000 chậu cúc mâm xôi. Thời gian canh tác một vụ cúc gần 6 tháng nhưng gần đây xuất hiện mưa liên tục làm cúc dễ bị nhiễm bệnh, cộng với tình trạng ra bông sớm sẽ gây thiệt hại cho nông dân”. Theo tính toán của người trồng cúc mâm xôi, chi phí dao động khoảng 30.000 - 40.000 đồng/chậu. Nếu cúc nở đều ngay dịp tết sẽ bán được từ 70.000 - 100.000 đồng/chậu và có thể còn cao hơn (tùy lớn nhỏ); ngược lại, nếu cúc ra hoa sớm, ít người chịu mua và giá giảm mạnh… Để đối phó với tình hình thời tiết bất lợi hiện nay, Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách khuyến cáo: “Giải pháp cấp bách là dùng thuốc bảo vệ thực vật để phòng bệnh cho cúc, đồng thời sử dụng các loại phân nhiều dinh dưỡng như đạm, lân… nhằm kéo dài thời gian nở hoa cho cúc mâm xôi”. 

Mưa liên tục cũng làm dưa hấu và nhiều loại trái cây phục vụ tết gặp khó khăn. Ông Võ Trung Thành, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông Phú Trí A (xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) nhìn nhận: “Vùng này nổi tiếng sản xuất bưởi hồ lô phục vụ thị trường tết. Tuy nhiên, năm nay mọi việc rất khó bởi mưa kéo dài, cộng với nhuận 2 tháng 6 âm lịch… nên việc xử lý để bưởi ra hoa và bảo vệ trái bưởi rất khó khăn. Toàn CLB năm nay chỉ cung ứng ra thị trường khoảng 5.000- 6.000 trái bưởi hồ lô có chữ Tài - Lộc, bưởi hồ lô thư pháp, bưởi hồ lô thỏi vàng đồng tiền…, số lượng giảm khoảng 30% so các năm trước. Giá bán dao động khoảng 300.000 - hơn 1 triệu đồng/trái”. 

Vừa qua, trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lưu Văn Ràng, nông dân sản xuất quýt kiểng ở xã Vĩnh Thới, huyện Lai Vung (Đồng Tháp) cho biết: “Hiện nay quýt hồng kiểng và quýt hồng bán trái, đang vào giai đoạn chín để chuẩn bị bán tết. Lúc này việc chăm sóc cho quýt lên màu hồng, da bóng đẹp… là rất quan trọng và quyết định đến giá bán cao hay thấp. Thế nhưng, ảnh hưởng mưa trái mùa làm cho da trái quýt bị rong xanh, xấu trái. Quýt như vậy sẽ bị thương lái và khách hàng chê, giá bán sẽ giảm. Do đó, nông dân đang vất vả xử lý kỹ thuật để giảm thiểu ảnh hưởng”. Ông Ràng, cũng cho hay thời tiết không thuận nên ông chỉ làm được có 82 chậu quýt hồng kiểng, giá bán từ 2 - 4 triệu đồng/chậu (tùy lớn nhỏ). Dự kiến, cả huyện Lai Vung tết này chỉ cung ứng khoảng 700 - 1.000 chậu quýt kiểng, không tăng so những năm trước.

Nơi lo, nơi mừng

Chỉ chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Mậu Tuất 2018, nhiều nhà vườn tại miền Trung đang phải tìm đủ cách để hoa nở đúng dịp tết. Tại xã Phú Mậu (huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), tranh thủ thời tiết nắng ấm những ngày qua, người dân ra đồng từ sáng sớm để chăm sóc hơn 10ha hoa các loại như: cúc, lan, thược dược, ly ly... Ông Lê Văn Lự cho biết, lũ lụt rơi đúng thời điểm xuống giống nên hầu hết các hộ trồng hoa tại địa phương đã phải xuống giống đến 3 lần do cây non ngập úng. Hiện các nhà vườn đã đầu tư thêm tiền mua phân bón thúc, thuốc kích để cây hoa phát triển, kết nụ hoa; làm mái che và lắp đặt hệ thống đèn điện công suất lớn để điều tiết sự sinh trưởng cho hoa nở kịp tết. Còn theo ông Nguyễn Văn Hữu, do thời tiết năm nay không thuận lợi nên việc chăm sóc hoa có phần cực hơn mọi năm. Đặc biệt, những ngày gần đến tết, ông phải dành hầu hết thời gian ở ngoài đồng để theo dõi, chăm sóc. 

Tại Hà Tĩnh, trong lúc những người trồng mai ở thị xã Kỳ Anh đang đứng trước nguy cơ mất trắng khi  hàng vạn cây mai vàng không chịu nở bông thì đợt mưa rét kéo dài những ngày đầu năm 2018 cũng khiến hàng trăm hộ dân trồng đào phai phục vụ tết ở Cẩm Xuyên và TP Hà Tĩnh lo lắng, thấp thỏm. Chủ tịch UBND xã Thạch Vĩnh (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) Ngô Văn Hảo cho biết toàn xã có khoảng 30ha trồng đào phai phục vụ Tết Mậu Tuất. Cứ vào dịp tết hàng năm, người trồng đào nơi đây phấn khởi có một khoản thu khá cao nhờ vào đào bung hoa đúng dịp... Tuy nhiên, do thời tiết thời gian qua khắc nghiệt với bão, mưa rét kéo dài và thời gian tới nếu vẫn tiếp tục diễn biến bất lợi thì người trồng đào sẽ đối mặt với nguy cơ thất thu lớn.

Ngược vào phường Cẩm Châu (TP Hội An, Quảng Nam), nơi cung cấp hoa tết lớn nhất miền Trung, ông Trịnh Văn Quang, tổ 8, khối phố Sơn Phô 1, phường Cẩm Châu, cho biết: “Gần một nửa trong tổng số 800 chậu cúc trong vườn nhà bị hư hỏng do mưa lũ nên giờ tôi chỉ hy vọng những chậu cúc còn lại sẽ bán được giá cao thì thu mới đủ chi. Nhưng thông thường phải qua rằm tháng Chạp khách hàng mới đến mua nên hiện chưa biết thế nào. 

Tuy nhiên, tại làng hoa Hòa Cường Bắc (Đà Nẵng) do ít chịu ảnh hưởng thời tiết bất thường nên ông Nguyễn Văn Toàn, người có hơn 12 năm kinh nghiệm trồng hoa, cho biết năm nay đại đa số hoa nở đều, đẹp và đúng dịp tết. Thế nên hầu hết người dân trồng hoa trong khu vực đang rất phấn khởi chờ thu hoạch. Còn một số nhà vườn ở Hội An do chọn những loại hoa mới lạ, trồng theo kiểu treo trên giàn, ít bị ảnh hưởng do mưa lũ nên hứa hẹn cũng sẽ có một mùa bội thu.

Tin cùng chuyên mục