Giám đốc Nhà máy in tiền Quốc gia Bùi Công Lư:

Sự cố về tiền polymer có thể xảy ra cả trong khâu in ấn và lưu thông

 Trưởng ban Dân nguyện của QH LÊ QUANG BÌNH:Cần thành lập hội đồng khoa học đánh giá về tiền polymer

Hôm qua 9-10, sau khi báo chí thông tin những vấn đề liên quan đến công nghệ in tiền polymer, phóng viên báo SGGP đã liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để có các thông tin chính thức về vấn đề này. Tuy nhiên, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đều từ chối trả lời.

Tuy nhiên, tại trụ sở Ngân hàng Nhà nước, phóng viên báo SGGP đã gặp được Giám đốc Nhà máy in tiền Quốc gia Bùi Công Lư. Ông Lư cho biết, hiện đang xin ý kiến các đơn vị chức năng trong ngành để hoàn tất bản báo cáo gửi Chính phủ, trong đó xác minh những vấn đề liên quan đến việc in tiền polymer mà báo chí đăng tải những ngày gần đây. Sau khi đã được thông qua, nội dung văn bản này sẽ được công khai trước dư luận.

Tại cuộc trao đổi, ông Bùi Công Lư đã phản bác lại ý kiến của ông Đặng Đức Lâm, cán bộ Phòng quản trị Nhà máy in tiền Quốc gia và ông Nguyễn Văn Chu, nguyên Phó Xưởng chế bản, Nhà máy in tiền Quốc gia. Ông Lư cho rằng, ông Đặng Đức Lâm không phải là chuyên gia in tiền nên không hiểu biết gì về công nghệ in. “Thông tin anh Lâm đưa ra làm cả nhà máy in tiền bức xúc, đòi gửi đơn cho Thủ tướng. Trước đây anh Lâm làm kỹ sư cơ khí sửa máy trong nhà máy in tiền. Sau đó chuyển sang phòng quản trị trông nom nhà cửa 6 năm qua, không liên quan gì đến chuyện in tiền” - ông Lư nói.

Còn về những thông tin mà ông Nguyễn Văn Chu phản ánh trên báo chí, ông Lư cũng khẳng định, ông Chu xuất phát là công nhân in các ấn chỉ cho ngân hàng; sau đó có được học về mạ chứ không liên quan gì đến in tiền. Ông Lư cho biết thêm: “Anh Chu bằng tuổi tôi và bị kỷ luật trước khi về hưu. Anh còn viết thư cho anh Đỗ Trọng Ngoạn (đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang - PV), và chúng tôi cũng đã mời anh Ngoạn xuống nhà máy kiểm tra. Tôi cho rằng anh Chu lồng cả chuyện cá nhân vào để tố cáo việc này”.

Liên quan tới trường hợp tiền 500.000 đồng bị thiếu hoa văn nhũ vàng ở góc, ông Nguyễn Văn Toản, Phó Cục trưởng Cục Phát hành Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, tờ bạc này đã được chuyển từ TPHCM ra Hà Nội. Cục đang gửi tới bộ phận giám định để xác minh rõ nguyên nhân. Tuy nhiên, đến chiều tối hôm qua, ông Toản cho biết, vẫn chưa có kết luận về vấn đề này. Trong khi đó, theo ông Bùi Công Lư, không hoàn toàn loại trừ khả năng tờ bạc bị lỗi trong quá trình lưu thông, thậm chí bị hủy hoại.

Liên quan đến thông tin thời gian gần đây, một số người dân cho biết, có những tờ tiền polymer có nhiều dấu hiệu lạ như thiếu hoa văn, dễ rách, cùng một mệnh giá song màu sắc của tờ này thì đậm, tờ kia lại nhạt, tiền dễ bị trôi mực khi chà xát, ngâm trong dung môi, hoặc tiền in bị lộ chân (các chi tiết của mặt sau bị nhìn thấy rõ nét ở mặt trước)..., ông Bùi Công Lư cho biết, sự cố với một đồng tiền có thể xảy ra trong khâu in ấn hoặc quá trình lưu thông. “Có những đồng tiền ra lưu thông 5 năm không hỏng, nhưng cũng có đồng tiền lưu thông 2 ngày đã hỏng do sự cố. Cho tiền vào máy giặt, nếu đổ đến nửa túi xà phòng sẽ hỏng. Nhưng vô tình để quên tiền trong túi và giặt quần áo bình thường bằng máy, nếu hỏng thì chúng tôi xin đền” - ông Lư nói. Ông Lư còn cho biết thêm, tại nhà máy in tiền có trang bị cả máy giặt để thử nghiệm độ bền của đồng tiền polymer. Tuy nhiên, ông cho rằng, sơ suất trong in tiền là khó tránh khỏi và cũng từng xảy ra trong quá trình in tiền cotton, chứ không riêng gì polymer. “Tiền của Singapore thậm chí còn in nhầm cả... tên Tổng thống (!?)” - ông Lư nói. Theo ông Lư, nhóm làm tiền polymer hiện nay cũng chính là những người từng trực tiếp làm tiền cotton, vì vậy không thể nói là in tiền polymer thiếu trách nhiệm hơn so với in tiền cotton .

HÀM YÊN

 Trưởng ban Dân nguyện của QH LÊ QUANG BÌNH:
Cần thành lập hội đồng khoa học đánh giá về tiền polymer

Kể từ khi phát hành tiền mới, tại các kỳ họp Quốc hội, cử tri đều có ý kiến về chất lượng tiền polymer và tiền xu. Có ý kiến cho rằng, tiền polymer dễ làm giả. Riêng tiền xu thì nhiều cử tri cho rằng không thông dụng vì Việt Nam chưa có hệ thống mua hàng tự động. Tại các kỳ họp Quốc hội, thông qua kiến nghị của cử tri, một số đại biểu đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về vấn đề này. Tuy nhiên, Thống đốc trả lời rằng chất lượng tiền polymer tốt. Tôi cho rằng, đây là vấn đề lớn nên cần có một hội đồng khoa học do Chính phủ thành lập. Hội đồng phải đánh giá, kết luận rõ ràng về vấn đề này. Về phía Quốc hội, trong chương trình giám sát sắp tới cũng nên tính đến việc giám sát việc in và phát hành tiền polymer.

Tin cùng chuyên mục