Quốc hội thảo luận về ngân sách

Làm gì để giảm bội chi dưới 5% GDP?

“Nếu tiếp tục cư xử với ngân sách nhà nước như với... một con bò sữa thì rất nguy hiểm!” - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã nói một cách đầy hình tượng như vậy để nêu lên bức xúc của mình khi Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày hôm qua, 24-10 về ngân sách nhà nước. Ông Thuyết nói: Điều mà nhân dân và ĐBQH mong muốn là Chính phủ cần đưa ra dự toán ngân sách sát hơn nữa theo hướng tăng thu, giảm chi.
Làm gì để giảm bội chi dưới 5% GDP?

“Nếu tiếp tục cư xử với ngân sách nhà nước như với... một con bò sữa thì rất nguy hiểm!” - đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) đã nói một cách đầy hình tượng như vậy để nêu lên bức xúc của mình khi Quốc hội thảo luận tại hội trường ngày hôm qua, 24-10 về ngân sách nhà nước. Ông Thuyết nói: Điều mà nhân dân và ĐBQH mong muốn là Chính phủ cần đưa ra dự toán ngân sách sát hơn nữa theo hướng tăng thu, giảm chi.

  • Thu ngân sách: thiếu ổn định
Làm gì để giảm bội chi dưới 5% GDP? ảnh 1

Đại biểu Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng) phát biểu tại Quốc hội.

Theo báo cáo của Chính phủ, ước thu ngân sách nhà nước năm 2006 đạt 258.600 tỷ đồng, tăng 8,7% so với dự toán năm và tăng 19,1% so với thực hiện của năm 2005. Theo đại biểu Lê Kim Toàn (Bình Định), kết quả này là sự cố gắng lớn của các cấp, các ngành trong việc lập dự toán và huy động các nguồn thu vào ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, ông Toàn cho rằng, nguồn thu ngân sách còn thiếu ổn định và chưa bền vững: thu từ sản xuất kinh doanh chiếm tỷ lệ thấp (43% tổng thu ngân sách nhà nước); các nguồn thu từ khai thác tài nguyên như dầu thô, bán đất đai và xổ số kiến thiết là những nguồn thu thiếu ổn định, nhưng lại chiếm tỷ trọng cao.

Vượt thu ngân sách nhà nước trong năm chủ yếu là nhờ giá dầu thô tăng, chiếm đến 14.000 tỷ đồng/20.000 tỷ đồng vượt thu. “Quốc hội, Chính phủ cần sớm có lộ trình giảm dần tỷ lệ thu từ khai thác tài nguyên nhằm nâng cao tính bền vững trong cơ cấu thu ngân sách nhà nước, tiết kiệm nguồn tài nguyên quốc gia” - đại biểu Lê Kim Toàn đề nghị.

Đại biểu Đặng Văn Xướng (Long An) cho rằng, dự toán thu ngân sách năm 2007 mà Chính phủ đưa ra là chưa sát thực tế, hoàn toàn có cơ sở để tăng thêm. Đại biểu Hoàng Thanh Phú (Thái Nguyên) đề nghị Chính phủ rà soát lại tăng thu nội địa. “Nếu tăng thu lên bằng mức như năm 2006 là 18% thì cũng tăng thêm khoảng 6.000 tỷ đồng”, ông Phú phân tích.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh tới các giải pháp chống thất thu thuế và xử lý dứt điểm nợ đọng. Ngoài ra, theo đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây), có những khoản thu hoàn toàn có thể đạt cao như: thu từ nhà đất, thu từ khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh... Ông nói: “Tôi cho rằng số thu ngân sách nhà nước năm 2006, Chính phủ cần tính toán sát hơn, và phải cộng thêm 4.000 tỷ đồng nữa với số thực hiện thu của năm 2006 thì mới sát thực tế, làm cơ sở xây dựng kế hoạch năm 2007 cho tích cực”.

  • Chi đầu tư phát triển: dàn trải, hiệu quả thấp

Nhiều ĐBQH khi thảo luận về các vấn đề liên quan đến ngân sách đều cho rằng con số bội chi ngân sách 5% có thể giảm nếu như chống được lãng phí, thất thoát trong sử dụng vốn ngân sách. Đại biểu Lâm Văn Kỷ (Sóc Trăng) nêu những công trình dự án đã khởi công nhưng “chưa biết ngày kết thúc” như dự án quốc lộ 1A, quốc lộ 60 đoạn từ Cần Thơ đến Cà Mau, chương trình thủy lợi 419 của Bộ NN-PTNT... Đây là những điển hình về lãng phí trong công tác chi ngân sách, nhân dân bất bình, bởi không biết dự án này sẽ vượt dự toán bao nhiêu nữa.

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Tào Hữu Phùng (Hà Tây) nhấn mạnh, tình trạng dàn trải, hiệu quả thấp, lãng phí trong chi đầu tư phát triển vẫn chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Có những tỉnh xây dựng một bệnh viện 20 tỷ đồng, 50 giường bệnh nhưng thiếu thiết bị, thiếu y bác sĩ, nên 2 năm nay không có người đến khám; xây dựng một nhà máy chế biến rau quả với tổng số là 3 tỷ đồng nhưng không có nguyên liệu, nên nhà máy thành nơi bán xe máy...

Cũng theo ông, đầu tư xây dựng cơ bản không nên coi trọng tăng số lượng vốn, mà cần coi trọng chất lượng và hiệu quả. Cũng bức xúc trước thực trạng lãng phí trong sử dụng ngân sách, đại biểu Phạm Chuyên (Hà Nội) cho rằng, mức bội chi 5% GDP cần phải tính toán dựa trên xem xét vấn đề lãng phí và tham nhũng. Theo ông, nếu quyết tâm chống lãng phí, tham nhũng thì mức bội chi ngân sách có thể không đến 5% GDP. Thậm chí, có những thời kỳ Quốc hội có nghị quyết phải tiết kiệm 5% - 10%, buộc Chính phủ phải cắt giảm những chi phí không cần thiết.

Hôm nay, 25-10, Quốc hội tiếp tục làm việc tại hội trường, thảo luận về 2 dự án: Luật Chuyển giao công nghệ và Luật Đê điều.

HÀM YÊN - HÀ MY

Đại biểu HUỲNH THÀNH LẬP (TPHCM):

Năm 2007: TPHCM chỉ được tăng chi 1,63%

      Theo dự toán ngân sách quốc gia năm 2007, ngân sách TPHCM trên địa bàn là 77.429 tỷ đồng, tăng 10.175 tỷ đồng so năm 2006. Phần thu nội địa được giao là 41.000 tỷ đồng, tăng 5.115 tỷ đồng so với năm 2006. Thu tăng, nhưng do tỷ lệ điều tiết được để lại giảm từ 29% xuống còn 26% nên con số tuyệt đối chi ngân sách thành phố năm 2007 là 15.065 tỷ đồng so với năm 2006 chỉ tăng chi được 246 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ tăng rất khiêm tốn là 1,63%. Trong khi dự toán ngân sách Trung ương năm 2007, phần dự toán chi ngân sách địa phương tăng bình quân là 18,4% so với năm 2006. Trong khi đó, nhiều nhiệm vụ của địa phương vẫn phải làm và không giảm. Do đó, đề nghị Trung ương, Quốc hội và Chính phủ xem xét lại tính chất hợp lý của tỷ lệ điều tiết 26% cho TPHCM.

Tin cùng chuyên mục