Hội nghị cao cấp APEC tại TPHCM

Hướng đến lợi ích cuộc sống mới

Các hoạt động chính của APEC Việt Nam 2006
Hướng đến lợi ích cuộc sống mới

Hội nghị các quan chức cao cấp của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 2 (SOM II) đã chính thức bắt đầu tại TPHCM vào sáng 22-5. Trong ngày đầu tiên này của SOM II có 4 cuộc họp được diễn ra tại khách sạn Sheraton và khách sạn Park Hyatt. Theo Ban thư ký APEC, đến nay đã có 1.000 đại biểu thuộc 21 nền kinh tế thành viên APEC đăng ký tham dự các cuộc họp ở SOM II. SOM II kéo dài đến hết ngày 30-5-2006 với gần 40 cuộc họp để trực tiếp chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Thương mại APEC (MRT) sẽ diễn ra vào hai ngày 1 và 2- 6 - 2006, cũng tại TPHCM.

SOM II và các hội nghị liên quan tập trung vào những nội dung chính: Chuẩn bị cho Hội nghị Bộ trưởng Thương mại; Hoạt động tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại và đầu tư APEC; Hợp tác kinh tế và kỹ thuật; An ninh con người.

  • Lắng nghe tiếng nói của tư nhân

Hướng đến lợi ích cuộc sống mới ảnh 1

Các đại biểu trong buổi họp về nguồn nhân lực. Ảnh: VIỆT DŨNG

Một trong những nội dung chính thể hiện dấu ấn của VN trong năm APEC 2006 là: Xây dựng Tuyên bố riêng mạnh mẽ của MRT về nghị trình Phát triển Đô-ha (DDA) của WTO, thúc đẩy đàm phán Đô-ha hoàn thành với kết quả tốt đẹp và đúng thời hạn vào cuối năm nay; Dự thảo Kế hoạch hành động để triển khai Lộ trình Busan về thực hiện mục tiêu Bô-go để trình lên Hội nghị Bộ trưởng Thương mại.

Ở SOM II, vai trò và sự tham gia của khu vực tư nhân đặc biệt được nhấn mạnh. Đây là lần đầu tiên (sau 3 kỳ SOM đã họp) sẽ lắng nghe quan điểm của khu vực tư nhân về ảnh hưởng của các hoạt động thương mại tự do và các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực đối với doanh nghiệp và thảo luận về phương thứùc giải quyết các khuyến nghị của doanh nghiệp về vấn đề này. Mục tiêu khác của SOM II là tiếp tục giảm 5% chi phí giao dịch trong 4 lãnh vực truyền thống của Hành động thuận lợi hóa thương mại vào năm 2010.

Hội thảo của Nhóm chuyên gia về đầu tư (IEG) bàn về các vấn đề liên quan đến phương cách làm thế nào để thu hút đầu tư và xúc tiến đầu tư. Theo ông Roy Nixon, chuyên gia về đầu tư và chính sách thương mại của Úc, chủ trì hội nghị trên, muốn rút ngắn khoảng cách giữa các nền kinh tế cao – thấp, cần quan tâm đến việc nâng môi trường kinh doanh tổng thể của khối APEC chứ không nên chỉ tính chuyện làm thế nào để “nâng” từng nền kinh tế thành viên lẻ tẻ . Hội nghị cũng bàn về việc xuất bản sách hướng dẫn về đầu tư cho các thành viên kinh tế khối APEC để minh bạch hóa và chống tham nhũng.

Theo đánh giá của ông Roy Nixon: “Tình hình cải tổ của VN hiện nay đang rất tích cực; do vậy nguồn đầu tư từ các công ty nước ngoài và các công ty xuyên biên giới vào VN ngày một nhiều hơn và các nhà đầu tư đã chấp nhận rủi ro nhiều hơn khi bước vào đầu tư ở VN”. Đầu tư không chỉ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và đó là cơ sở kéo giảm tỷ lệ đói nghèo nữa.

  • Thuận lợi hóa thương mại hướng đến lợi ích cuộc sống mới

Trong nội dung hoạt động tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại - đầu tư của APEC, các đại biểu tham gia sẽ bàn việc triển khai các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, trong đó có việc triển khai các hướng dẫn mẫu về chống hàng giả, hàng nhái và nghiên cứu xây dựng hai hướng dẫn mẫu về nâng cao nhận thức của công chúng và loại bỏ hàng giả khỏi dây chuyền cung ứng. Đây là hội nghị được nhiều đại biểu quan tâm vì liên quan đến việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và đời sống con người.

“Muốn bảo vệ tốt đời sống con người phải xây dựng phương thức đồng hóa nhất các hệ thống chất lượng sản phẩm”, bà Sumol Pavittranon, một chuyên gia về dược phẩm của Bộ Sức khỏe cộng đồng Thái Lan, chủ trì hội nghị Diễn đàn Sáng tạo trong Khoa học đời sống (LISF) đã nói thế. Bà nói thêm, diễn đàn này sẽ giúp cho người dân sống tốt hơn vì những sản phẩm y tế, dược, thực phẩm trong khu vực APEC đều sẽ có chất lượng như nhau, được nghiên cứu và được chuyển giao công nghệ sản xuất từ những nước phát triển đến những nước đang phát triển. Sự chuyển giao công nghệ trong điều chế sản xuất thuốc điều trị cúm gia cầm và điều trị SARS, giữa các nước trong thời gian vừa qua là một ví dụ dễ hiểu.

  • Thúc đẩy sáng tạo để phát triển nguồn nhân lực

Nội dung phát triển nguồn nhân lực sẽ được tập trung bàn bạc, đây là nội dung quan trọng trong SOM II, bởi theo ông Nigel A.F.Haworth, chuyên gia nghiên cứu về phát triển nguồn nhân lực của ĐH Auckland (Tân Tây Lan), hội nghị vừa diễn ra có nhiều vấn đề suy nghĩ được bày tỏ đáng để lãnh đạo APEC quan tâm: hình thành và thúc đẩy sự sáng tạo là cơ sở thúc đẩy sự phát triển nguồn nhân lực và dĩ nhiên nguồn nhân lực thay đổi đầy sáng tạo sẽ thúc đẩy kinh tế phát triển.

Nói đây là nội dung quan trọng bởi trong chương trình nghị sự của đợt hội nghị lần này có đến 18 cuộc họp bàn về phát triển nguồn nhân lực. Và, Thái Lan sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng về Phát triển nguồn nhân lực vào tháng 10- 2006 dự kiến diễn ra tại Bangkok. Sau đó, Mỹ sẽ tài trợ cho hội thảo mang tên “Hội thảo Đối thoại công – tư về phát triển nguồn lao động” do VN và Thái Lan đồng tổ chức tại Việt Nam.

  • Bảo đảm an ninh - cần chống tội phạm từ xa

Nội dung cuối cùng mà SOM II nhắm đến đó là vấn đề An ninh con người. Một số sáng kiến được đưa ra ở SOM I như: bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ, bảo vệ thực phẩm, an ninh hàng không, an ninh đường sắt và hệ thống giao thông đông người, nâng cao năng lực chống tài trợ cho khủng bố, sẽ được tiếp tục bàn thảo tích cực ở SOM II này.

Bàn về an ninh con người trong SOM II có một hội thảo mang tên Hội thảo của nhóm không chính thức các chuyên gia về sự di chuyển của doanh nhân. Theo ông Vincent MCMahon, chuyên gia về An ninh biên giới của Chính phủ Úc, chủ trì hội nghị trên thì sáng kiến về nội dung này mới có từ tháng 9- 2005, thế nhưng đây là vấn đề không những được các cơ quan hữu quan của 21 nền kinh tế thành viên APEC quan tâm mà các doanh nhân cũng rất quan tâm.

Nhu cầu hợp tác kinh tế của doanh nhân không biên giới ngày càng cao, nhưng lẫn trong đó có cả bọn khủng bố, buôn người và nhiều loại tội phạm khác. Để biết và thông tin cho nhau đường đi, nhân thân, thủ đoạn và phương thức hoạt động của bọn tội phạm được phát hiện bằng những công nghệ, kỹ thuật nhận dạng tiên tiến giúp ngăn chặn bọn tội phạm từ các cửa biên giới.

Về nội dung liên quan đến an ninh con người, ở SOM II sẽ có những hội thảo riêng của Nhóm đặc trách chống khủng bố và hội thảo của Nhóm đặc trách các trường hợp khẩn cấp. 

PHẠM THỤC – ĐÀM THANH

Các hoạt động chính của APEC Việt Nam 2006

Năm APEC 2006, Việt Nam tổ chức khoảng 110 cuộc họp và hội nghị, trong đó có 22 hội nghị và các hoạt động lớn tại nhiều địa phương trong cả nứơc, trọng tâm là Hội nghị cấp cao, các Hội nghị Bộ trưởng và các Hội nghị SOM. Cụ thể là:

* Hội nghị Cấp cao tức Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 14: từ 18 đến 19-11-2006 tại Hà Nội.

* Hội nghị Liên Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại APEC: từ 15 đến 16-11-2006 tại Hà Nội.

* Hội nghị Bộ trưởng về dịch cúm gia cầm: từ 24 đến 25-4 –2006 tại Đà Nẵng.

* Hội nghị Bộ trưởng Thương mại: ngày 1 và 2-6-2006 tại TPHCM.

* Hội nghị Bộ trưởng Tài chính: từ 4 đến 8-9-2006 tại Hà Nội.

* Hội nghị Doanh nghiệp vừa và nhỏ: từ 25 đến 29-9-2006 tại TP HaÏ Long.

* Hội nghị Bộ trưởng Du lịch: từ 26 đến 18-10-2006 tại Hội An.

* 4 Hội nghị các Quan chức cao cấp (SOM):
- SOM 1: từ 20-2 đến 2-3-2006 tại Hà Nội.
- SOM 2: từ 22 đến 30-5-2006 tại TPHCM.
- SOM 3: từ 3 đến 14-9-2006 tại miền Trung.
- SOM kết thúc: từ 12 đến 13-11-2006 tại Hà Nội.

* Hội nghị Cấp cao các chủ tịch tổng giám đốc với sự tham gia của 500 công ty hàng đầu tại khu vực APEC: từ 17 đến 19-11-2006.

Ngoài ra, còn có các hội nghị, hội thảo chuyên ngành của hơn 50 ủy ban, tiểu ban, Nhóm công tác của APEC, Trại hè thanh niên APEC, Hội chợ triển lãm APEC (tháng 10-2006 tại TPHCM).

APEC là gì?

* APEC là tập hợp các chữ cái đầu tiên trong tên gọi bằng tiếng Anh của tổ chức Asia – Pacific Economic Cooperation tức Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương.

* Năm 1989, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Kinh tế nhóm họp ở Canberra (thủ đô của Australia), APEC được thành lập theo sáng kiến của nước chủ nhà. Có 12 thành viên sáng lập APEC, gồm Mỹ, Nhật, Australia, New Zealand, Canada, Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Singapore, Bru-nây, Indonesia, Malaysia.

* Hiện tại, APEC có 21 thành viên, gồm 12 thành viên sáng lập và 9 thành viên mới được kết nạp từ 1991 đến năm 1998 là Trung Quốc, lãnh thổ Hồng Công, lãnh thổ Đài Loan, Papua New Ghine, Mêhicô, Chile, Việt Nam, Nga, Peru. Từ năm 1998, APEC quyết định tạm ngừng thời hạn xem xét kết nạp thành viên mới trong 10 năm để củng cố tổ chức.

* 21 nền kinh tế thành viên APEC hiện chiếm khoảng 52% diện tích lãnh thổ, 59% dân số, 70% nguồn tài nguyên thiên nhiên thế giới; đóng góp khoảng 57% GDP toàn cầu (khoảng 20.700 tỷ USD) và 46% thương mại thế giới (khoảng 7.000 tỷ USD)

* APEC hoạt động như một diễn đàn hợp tác thương mại và kinh tế đa phương. Các nền kinh tế thành viên thực hiện các hành động riêng lẻ và tập thể nhằm mở cửa thị trường và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Các hành động này được thảo luận tại Hội nghị các quan chức cao cấp (SOM), Hội nghị Bộ trưởng và cuối cùng là Hội nghị các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên. Các nhà lãnh đạo APEC là những người đưa ra định hướng chính sách của APEC.

* Các hoạt động của APEC dựa trên 3 trụ cột chính: Tự do hóa thương mại đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; hợp tác kinh tế và kỹ thuật. Kết quả hoạt động trên 3 lĩnh vực này giúp các nền kinh tế thành viên APEC củng cố nền kinh tế của mình thông qua việc chia sẻ ý kiến và thúc đẩy hợp tác khu vực.

* Các lợi ích mà công dân khu vực châu Á – Thái Bình Dương được hưởng trực tiếp từ các hành động tập thể và riêng lẻ của các thành viên APEC gồm: có nhiều cơ hội việc làm và học tập, hệ thống an toàn xã hội được củng cố, đói nghèo giảm. Ở phạm vi rộng hơn, các nền kinh tế thành viên APEC có giá sinh hoạt thấp hơn do việc cắt giảm các rào cản thương mại.

* Những thành tựu kinh tế - xã hội quan trọng: Các nền kinh tế APEC hiện đang dẫn đầu thế giới về hệ thống quản lý; khu vực APEC đang trên đà đạt tới những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc; tỷ lệ dân số đói nghèo của APEC giảm hơn một nửa; tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực APEC rất thấp; ngày càng có nhiều công dân APEC được hưởng giáo dục cấp tiểu học và trung học...  

Phạm Thục - Đàm Thanh

Tin cùng chuyên mục