Vụ bồi thường 5,2 triệu euro của VNA

Chưa biết có thắng nhưng cứ kháng án!

Luật sư Casati-Ollier:Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết hợp lý
Chưa biết có thắng nhưng cứ kháng án!

Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA) vừa quyết định theo tiếp vụ kiện đầy tốn kém giữa hãng hàng không này với luật sư Maurizio Liberati, người Ý. VNA có chứng cứ mới nào để lật ngược tình thế? Chiều qua 9-6, qua điện thoại, PV SGGP đã phỏng vấn ông Nguyễn Văn Nam, Đại sứ Việt Nam tại Ý, quanh vấn đề trên.

  • Có 2 bức thư mật

Chưa biết có thắng nhưng cứ kháng án! ảnh 1

- Thưa ông, không ít luật sư đã khuyên ta nên nộp tiền và ngừng theo kiện vì sẽ rất tốn kém. Với tư cách là cơ quan đại diện của Nhà nước tại Ý và đang trực tiếp tham gia hỗ trợ cho VNA trong vụ kiện này, ông thấy có cơ sở nào để Tòa Roma thay đổi án quyết?

- Đại sứ NGUYỄN VĂN NAM:
Trước hết, phải nói rằng vụ kiện này phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Luật pháp ở Ý rất phức tạp. Tuy nhiên, nhìn vào vụ kiện này, luật sư nào cũng thấy vô lý. Có yếu tố lừa đảo trong vụ án dân sự này.

Theo án đã quyết, VNA phải bồi thường cho Liberati. Tuy nhiên, luật pháp Ý cũng có quy định cho phép VNA đề nghị xem xét lại bản án nếu đưa ra các chứng cứ mới. Chứng cứ mới ở đây là có sự thỏa thuận ngầm giữa nguyên đơn Liberati và một bên bị đơn là Công ty Falcomar nhằm gây thiệt hại cho bên thứ ba là Vietnam Airlines. Hành vi này cấu thành tội phạm hình sự.

Chúng ta đã phát hiện ý đồ cấu kết, lừa đảo của hai bên liên quan nói trên thông qua hai bức thư mật của Liberati gửi cho luật sư bào chữa của Công ty Falcomar (thư đề ngày 23-9-1996 và 13-11-1996). Văn phòng Luật sư Guerreri tại Roma hiện là người bảo vệ lợi ích hợp pháp của Vietnam Airlines đang có trong tay hai bức thư này. Họ sẽ lấy đó làm căn cứ để kháng án.

- Theo Văn phòng luật sư Guerreri, cơ hội thắng của VNA là bao nhiêu phần trăm?

- Họ không bao giờ nói rõ về khả năng thắng kiện. Họ chỉ nói sẽ cố gắng tối đa. Họ đã bắt đầu thu thập tài liệu chứng cứ từ năm ngoái đến nay. Theo ý chủ quan của tôi, khi đã nhận tham gia, họ phải có cơ sở nào đó và tính tới uy tín của văn phòng họ.

  • Guerreri giúp được gì?

- Ở phương Tây có quy định: nếu cãi thắng, luật sư sẽ được trả thù lao rất cao, thua thì không được gì. Hợp đồng với Guerreri có làm theo cách này?

- Đây là hợp đồng giữa VNA với văn phòng luật sư Guerreri. Đại sứ quán chúng tôi không được biết.

- Vấn đề là liệu VNA có thắng kiện được không? Liệu ta có tin tưởng được Văn phòng luật sư Guerreri? Bởi có thể chỉ vì cần việc mà họ nhận theo kiện?

- Đây là văn phòng luật sư có uy tín, vị thế ở Ý. Họ hành nghề luật sư đã lâu năm. Qua tiếp xúc, tôi thấy họ làm việc nghiêm túc, có trình độ chuyên môn tốt.

  • Chậm nhất đến 13-7-2007 sẽ có phán quyết cuối cùng

- Mối liên hệ giữa Tòa phúc thẩm Paris với Tòa án Roma như thế nào? Khi Tòa sơ thẩm Roma và Tòa phúc thẩm Paris đã ra án quyết yêu cầu nộp tiền bồi thường ngay thì việc kháng án có phải là vô vọng?

- Vụ kiện này do tòa án ở Ý quyết định. Liberati cho rằng ở Pháp, VNA có nhiều tài sản nên nếu thi hành bản án tại đó, ông ta sẽ được bồi thường nhanh hơn. Chính vì vậy, ông ta đã đề nghị Tòa phúc thẩm Paris xét xử, ra án quyết để tiến hành các biện pháp thi hành bản án tại Pháp mà thôi. Án quyết của Tòa Paris không phải là phán quyết của tòa phúc thẩm đối với bản án sơ thẩm do Tòa án Roma đã tuyên.

- Dấu hiệu lừa đảo đã có từ lâu. Trong cuộc họp giữa Văn phòng Chính phủ với VNA và đại diện một số bộ, ngành về vụ này, cũng đã có ý kiến đề nghị phải làm rõ yếu tố lừa đảo. Vậy tại sao hồi đó VNA và các luật sư của mình không tập trung làm rõ để kháng án?

- Tôi sang Ý chưa lâu nên nắm bắt vụ này chưa thật sâu. Thường thì phía luật sư không công bố hồ sơ vụ án và tài liệu của họ. Còn trong vụ này, đã thấy rất rõ dấu hiệu lừa đảo. Như ta đã biết, lợi dụng việc tham gia vào quá trình chuẩn bị thỏa thuận hợp tác giữa VNA và Alitalia (Hãng Hàng không quốc gia Italia), Liberati đã phát đơn kiện Công ty Falcomar (công ty làm đại lý bán vé máy bay cho VNA) đòi được bồi thường tiền công đã tham gia vào quá trình đàm phán.

Khi tham gia tố tụng tại Tòa sơ thẩm Roma, Liberati đã thỏa thuận với luật sư bảo vệ lợi ích của Công ty Falcomar, yêu cầu ông này khẳng định trước Tòa Roma là Liberati đã thực sự thực hiện các công việc pháp lý chuyên môn cùng nhiều công việc khác. Đổi lại, Liberati hứa sẽ rút lại đơn kiện đối với Falcomar.

Thực tế là Falcomar đã rút êm khỏi vụ kiện mà không phải bồi thường cho Liberati. Để thực hiện âm mưu nói trên, sau đó, Liberati và đại diện của Falcomar đã cố tình không thông báo cho VNA về hậu quả nghiêm trọng của vụ kiện. Hậu quả là VNA đã bị Tòa sơ thẩm Roma xử vắng mặt và phải bồi thường cho Liberati với bản án hết sức vô lý số 8395/2000 ngày 7-3-2000.

- Theo ông, tới đây kịch bản của vụ kiện sẽ diễn ra như thế nào? Khi nào có phán quyết cuối cùng về việc kháng án?

- Văn phòng Luật sư Guerreri đã nộp đơn kháng án. Ngày 17-10 tới, tòa sẽ xem xét đơn kháng án của Guerreri. Nếu tòa chấp thuận đơn kháng án và hủy bản án số 8395/2000 thì VNA sẽ thắng. Và nếu trường hợp này xảy ra thì Liberati sẽ tiếp tục kiện. Như vậy, vụ việc sẽ được giải quyết tại phiên tòa phúc thẩm vào ngày 13-7-2007. Phiên tòa này sẽ ra phán quyết cuối cùng.

- Xin cảm ơn ông!

NAM QUỐC thực hiện

Luật sư Casati-Ollier:
Tòa phúc thẩm Paris đã ra phán quyết hợp lý

Liên quan đến vụ bồi thường 5,2 triệu euro của VNA, luật sư Casati-Ollier (đảm trách hồ sơ của Việt Nam thuộc Văn phòng luật sư Beaumont - Garnault, Pháp) đã từng có văn bản gửi VNA. SGGP xin trích đăng một phần ý kiến của vị luật sư này:

Đây là quyết định hợp lý của Tòa phúc thẩm Paris. Việt Nam không nên kháng án lên Tòa thượng thẩm quyết định này. Thông thường, sau khi bản án của Tòa phúc thẩm ban hành, trong trường hợp kháng án lên Tòa thượng thẩm, các bên có thời hạn 2 tháng kể từ ngày bản án được thông báo chính thức qua đường thừa phát lại để xin kháng án tiếp lên Tòa thượng thẩm. Tuy nhiên, mọi kháng án lên Tòa thượng thẩm không có giá trị làm ngừng thi hành quyết định do Tòa phúc thẩm ban hành mà bên bị xin được xem xét lại. Phần khác, chức năng của Tòa thượng thẩm là xem xét quyết định của Tòa phúc thẩm có tuân thủ mọi điều luật chung, các quy tắc luật và thủ tục tố tụng khi xét xử chứ không xem xét lại sự việc, tính xác thực của các sự việc, bằng chứng,...K.Q.

Tin cùng chuyên mục