Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo của thành phố

Kiên quyết xử lý sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục (*)

Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và tổ chức Đảng trong ngành GD-ĐT, những năm qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục… Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, thời gian qua ngành GD-ĐT TP đã để xảy ra một số vụ tiêu cực, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành cũng như chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.    Để khắc phục những tồn tại, yếu kém nói trên, ngày 25-9-2006, Thành ủy TPHCM đã có Chỉ thị số 03 nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT của TP. Báo SGGP xin đăng nguyên văn chỉ thị này.
Kiên quyết xử lý sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục (*)

L.T.S: Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý và tổ chức Đảng trong ngành GD-ĐT, những năm qua, TPHCM đã có nhiều nỗ lực trong công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên, phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cao chất lượng giáo dục… Tuy nhiên, do một số nguyên nhân, thời gian qua ngành GD-ĐT TP đã để xảy ra một số vụ tiêu cực, làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành cũng như chất lượng dạy và học của giáo viên, học sinh.
   Để khắc phục những tồn tại, yếu kém nói trên, ngày 25-9-2006, Thành ủy TPHCM đã có Chỉ thị số 03 nhằm chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GD-ĐT của TP. Báo SGGP xin đăng nguyên văn chỉ thị này.

Kiên quyết xử lý sai phạm, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục (*) ảnh 1

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải.

Quán triệt sâu sắc quan điểm giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố.

Cùng với việc củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý giáo dục - đào tạo và tổ chức Đảng trong ngành, thành phố đã quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chú trọng đầu tư phát triển mạng lưới trường lớp, xây dựng nhiều trường học mới đạt chuẩn quốc gia; có chính sách chăm lo cho đội ngũ giáo viên và học sinh; từng bước thực hiện công bằng trong giáo dục thông qua gia tăng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho giáo dục ở các huyện, miễn học phí cho học sinh nghèo, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục; từ đó, động viên các nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đáp ứng được nhu cầu học tập của học sinh, bước đầu đạt một số tiến bộ trong thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, phổ cập giáo dục, nâng cao trình độ dân trí; nhiều tập thể, cán bộ, giáo viên nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đóng góp nhiều công sức, trí tuệ cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố.

Tuy nhiên, công tác giáo dục - đào tạo của thành phố còn một số tồn tại, yếu kém nổi lên như: cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa đồng bộ, trình độ năng lực của một bộ phận giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu; bệnh thành tích, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, hiện tượng “chạy điểm, chạy trường”, tiêu cực trong thi cử, tuyển sinh chậm được khắc phục; một số ít giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến lòng tin của nhân dân, của học sinh đối với ngành giáo dục - đào tạo thành phố.

Nguyên nhân của những tồn tại, yếu kém trên là do:

- Một số cấp ủy, chính quyền chưa theo dõi sâu sát để lãnh đạo chặt chẽ các hoạt động giáo dục - đào tạo ở địa phương, chưa quan tâm chỉ đạo công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong giáo viên, học sinh và công tác xây dựng Đảng trong nhà trường; chưa giáo dục, động viên đảng viên, cán bộ, công chức và các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục và phòng, chống tiêu cực trong dạy và học, thi cử, tuyển sinh,...

- Ngành giáo dục - đào tạo thành phố chưa phát huy tốt vai trò tham mưu giúp cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo công tác giáo dục - đào tạo; quản lý nhà nước chưa chặt chẽ, công tác thanh tra giáo dục còn yếu, chưa thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục - đào tạo; công tác tuyển sinh ở các trường, nhất là các trường trọng điểm, các trường có hệ dự bị, bán công bị dư luận phản ánh có tiêu cực, chậm phát hiện và xử lý các vụ việc sai phạm của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Để khắc phục tồn tại, yếu kém trên và tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động 05-CTr/TU ngày 22-1-1997 của Thành ủy khóa VI thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 khóa VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đến năm 2020; Kế hoạch 54-KH/TU ngày 21-7-2005 của Ban Thường vụ Thành ủy thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục và nhiệm vụ phát triển giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII đề ra; Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp, các ngành thành phố tập trung thực hiện tốt một số việc sau:

1/ Các quận - Huyện ủy và các tổ chức Đảng trong ngành giáo dục - đào tạo:

a) Các quận - Huyện ủy:

- Tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tiếp tục quán triệt sâu rộng các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phát triển giáo dục - đào tạo theo nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, chương trình hành động của Thành ủy; qua đó, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm của đảng viên, cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân, để tích cực tham gia thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục - đào tạo ở địa phương.

- Thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức Đảng trong ngành giáo dục - đào tạo. Tiếp tục củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò hạt nhân chính trị của chi bộ phòng giáo dục - đào tạo, các trường học; lãnh đạo thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở trường học nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo và phòng, chống tiêu cực trong ngành.

Thường xuyên kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh tồn tại, yếu kém phát sinh, kiên quyết xử lý nghiêm các sai phạm, tiêu cực trong công tác quản lý ở các trường. Định kỳ hàng năm, cấp ủy nghe chính quyền báo cáo và có ý kiến chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ giáo dục - đào tạo ở địa phương.

- Phát huy vai trò kiểm tra, giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân đối với hoạt động của ngành giáo dục - đào tạo; tăng cường tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện tốt các cuộc vận động của ngành giáo dục - đào tạo.

b) Các tổ chức Đảng trong ngành giáo dục - đào tạo thành phố:

- Tập trung lãnh đạo xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đảng viên, cán bộ, giáo viên trong thực hiện nhiệm vụ phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo và phòng, chống tiêu cực trong ngành. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, bố trí cán bộ quản lý của ngành. Xây dựng tổ chức Đảng ngành giáo dục - đào tạo trong sạch, vững mạnh.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò lãnh đạo, kiểm tra của đảng bộ, chi bộ, cấp ủy Sở Giáo dục - Đào tạo, phòng giáo dục - đào tạo quận - huyện, các trường học trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành. Có kế hoạch thực hiện tốt cuộc vận động “Sống có trách nhiệm” trong nhà trường do Sở Giáo dục - Đào tạo phát động.

- Phát huy vai trò của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Công đoàn, thanh tra nhân dân, hội đồng sư phạm, ban đại diện hội phụ huynh học sinh trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, quy chế về giảng dạy, học tập, thi cử, tuyển sinh, quản lý tài chánh - tài sản công,... để góp phần phòng ngừa sai phạm của đảng viên và cán bộ quản lý của ngành.

2/ Đảng đoàn Hội đồng Nhân dân thành phố:
nghiên cứu có nghị quyết về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo của thành phố; bổ sung chế độ, chính sách chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và chất vấn việc thực hiện của chính quyền.

3/ Ban cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân thành phố:

- Xây dựng chương trình hành động thực hiện Chỉ thị 33/2006/CT-TTg ngày 8-9-2006 của Thủ tướng Chính phủ về chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục, có kế hoạch thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”, gắn với việc triển khai thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy về chấn chỉnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo của thành phố.

Tập trung chỉ đạo xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo của thành phố đến năm 2020, các nhiệm vụ, chỉ tiêu về giáo dục - đào tạo theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ VIII; coi trọng giáo dục toàn diện, gắn trang bị kiến thức với giáo dục, rèn luyện đạo đức cho học sinh; tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, chú trọng các giải pháp thực hiện công bằng xã hội và chống khuynh hướng “thương mại hóa” trong giáo dục; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, có chính sách chăm lo đời sống cho cán bộ, giáo viên; tiếp tục chỉ đạo củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy ngành giáo dục - đào tạo thành phố và hội đồng giáo dục quận - huyện; đẩy mạnh thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; chấn chỉnh công tác quản lý, lập lại trật tự kỷ cương, kiên quyết đẩy lùi tiêu cực trong các cơ sở giáo dục; đổi mới phương pháp đánh giá thi đua để khắc phục bệnh thành tích, qua đó từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục - đào tạo của thành phố.

- Chỉ đạo ngành giáo dục - đào tạo và các sở - ngành chức năng, quận - huyện xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện ở từng đơn vị, địa phương. Trước mắt, tập trung chỉ đạo chấn chỉnh, xử lý nghiêm các vụ việc tiêu cực; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phòng ngừa tiêu cực trong ngành; định kỳ hàng năm tổ chức sơ kết việc thực hiện Chỉ thị này để rút kinh nghiệm chỉ đạo trong những năm sau.

4/ Đảng đoàn Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân:
xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động sâu rộng việc thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy trong đoàn viên, hội viên và nhân dân; quan tâm xây dựng nhận thức đúng đắn trong phụ huynh, ban đại diện hội phụ huynh học sinh về chăm lo việc học tập của con em mình, khắc phục tình trạng “chạy trường, chạy lớp”, các khoản thu ngoài quy định.

Phối hợp với các cơ quan chức năng xây dựng quy chế kiểm tra, giám sát hoạt động của ngành giáo dục - đào tạo, góp phần phòng chống tiêu cực, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh ở từng trường học, địa phương.

5/ Ban Tư tưởng - Văn hóa Thành ủy:
Xây dựng kế hoạch tổ chức phổ biến, tuyên truyền sâu rộng Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy trong Đảng bộ và trong nhân dân; chỉ đạo các cơ quan thông tin tăng cường các chuyên mục phản ánh quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong việc chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục - đào tạo; đề cao vai trò báo chí trong việc phát hiện, biểu dương các gương “Người tốt, việc tốt” trong sự nghiệp giáo dục - đào tạo của thành phố và phản ánh kịp thời các biểu hiện tiêu cực trên lĩnh vực này; theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị của Ban Thường vụ Thành ủy ở các cấp, các ngành, kịp thời báo cáo, đề xuất ý kiến với Ban Thường vụ Thành ủy có chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện ở các đơn vị, địa phương.

Chỉ thị này phổ biến đến chi bộ.

T/M BAN THƯỜNG VỤ

Bí thư LÊ THANH HẢI

(*) Tựa bài do SGGP đặt.

Tin cùng chuyên mục