Thông điệp của những chồi non

Thông điệp của những chồi non

Cuộc thi “Prudential- Văn hay chữ tốt” do Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM phối hợp tổ chức, với sự tài trợ của Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential đã bước qua năm thứ 6. Đây là cuộc thi được tổ chức hàng năm nhân mỗi đầu năm học với mong muốn góp phần khôi phục lại truyền thống văn hóa của cha ông qua việc tôn vinh tiếng nói, chữ viết của dân tộc và khơi gợi phong trào cùng yêu thích môn văn học trong nhà trường phổ thông.

  • Từ sáng kiến của Báo Sài Gòn Giải Phóng
Thông điệp của những chồi non ảnh 1

Phó Tổng Biên tập Báo SGGP Trần Văn Tuấn trao thưởng cho em Nguyễn Quốc Tấn Trung tỉnh Tiền Giang, giải nhất cuộc thi cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Vào khoảng tháng 10-2000, Báo SGGP và Sở GD-ĐT TPHCM đã cùng ngồi lại để bàn việc tổ chức một cuộc thi với mục đích khôi phục lại niềm say mê học văn trong nhà trường phổ thông. Thời điểm này, qua thống kê của Sở GD-ĐT thành phố, phần lớn học sinh trong các trường trung học đều không hứng thú mấy đến việc học văn, dẫn đến kết quả học tập môn này không như ý muốn.

Nhiều học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông đã rất ngán ngại trong việc thi vào đại học các khối có môn văn là môn thi bắt buộc. Thực tế này dẫn đến hệ quả đáng lo: nhiều sinh viên tốt nghiệp đại học nhưng vẫn chưa thể viết đúng chính tả; chưa phân biệt thành thạo được thế nào là câu đơn, câu kép, câu phức hợp…

Trước tình hình trên, Báo SGGP đã có sáng kiến tổ chức cuộc thi với tên gọi “Văn hay chữ tốt”. Sau đó, để ghi nhận cụ thể tấm lòng của nhà tài trợ, cuộc thi chính thức mang tên đầy đủ: Cuộc thi Prudential- Văn hay chữ tốt.

Trong suốt 6 năm qua, cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” luôn nhận được sự đồng tình, khích lệ của dư luận và sự ủng hộ của giới báo chí. Số lượng học sinh tham gia chương trình tăng trung bình mỗi năm gần 20.000 em. Từ khoảng 20.000 em tham gia cuộc thi lần đầu tiên vào năm 2000 tại TPHCM, đến lần thứ 6 (năm 2005) đã có hơn 152.000 thí sinh dự thi.

Đặc biệt, năm 2004, lần đầu tiên cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” tổ chức tại TP.Cần Thơ – thành phố trung tâm vùng ĐBSCL- chương trình đã thu hút sự chú ý đặc biệt của ngành giáo dục và trở thành một sự kiện mang tầm vóc khu vực. Tiếp tục phát huy tính truyền thống của chương trình, góp phần thúc đẩy sự phát triển mặt bằng dân trí khu vực ĐBSCL, năm nay, cuộc thi “Prudential – Văn hay chữ tốt” lần 6 được mở rộng đến học sinh Trung học cơ sở 10 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL (tổ chức từ tháng 9/2005 đến tháng 11/2005).

Số học sinh tham gia cuộc thi (tuy mới là lần đầu) đã lên đến con số đầy bất ngờ với 208.272 thí sinh dự thi cấp trường; 2.957 thí sinh được tuyển vào vòng thi cấp quận, huyện; 272 thí sinh vào vòng thi cấp tỉnh, thành và đặc biệt, có đến 30 thí sinh đoạt giải nhất, nhì , ba cấp tỉnh lọt vào tranh giải cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một tín hiệu vui, dự báo trước mắt những chuyển biến tích cực về chất đối với sự phát triển của giáo dục- đào tạo vùng ĐBSCL trong tương lai nói chung và việc dạy và học văn trong nhà trường khu vực này nói riêng.

  • Đến việc khơi nguồn lòng nhân ái và khát vọng qua cuộc thi
Thông điệp của những chồi non ảnh 2

Phó Tổng Giám đốc Công ty BHNT Prudential VN Nguyễn Văn Hảo trao đổi với gia đình em Trần Mai Ngọc Châu và nhận tài trợ em đến khi vào đại học. Ảnh: MAI HẢI

Từ các bài viết của những thí sinh đoạt giải qua 6 lần thi, chúng ta có thêm cơ sở để nhìn nhận, đánh giá về tình cảm, tâm hồn, suy nghĩ của tuổi thơ. Mỗi tác phẩm các em thể hiện qua các vòng thi cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực (ở ĐBSCL) là một mảnh đời riêng, chứa đựng biết bao niềm vui, nỗi buồn, khát vọng về một mái ấm gia đình hạnh phúc; về những kỷ niệm đầu đời… Tất cả đã làm sáng lên chân giá trị về cuộc sống con người: vẫn còn đó những tấm lòng nhân hậu, hiếu thảo; biết chắt chiu, gìn giữ những điều tốt đẹp nhất được xây đắp từ cội nguồn cha ông…

Hãy nghe Nguyễn Ngọc Anh, học sinh Trường THPT bán công Nguyễn Thị Diệu, quận 3 TPHCM bộc bạch về ước mơ của mình: “Tôi nhớ đến ngày tôi còn bé thơ, xem Sea Games trên ti vi mà lòng ao ước đến một ngày, Việt Nam và thành phố thân yêu của tôi sẽ được đăng cai cuộc thi này, và tuyệt vời làm sao, năm 2003 thành phố ta đã được chào đón bao vị khách du lịch Quốc tế đến tham dự Sea Games. Tôi không thể nào quên được cái cảm giác náo nức, hân hoan của người dân thành phố, và bầu không khí rạo rực, háo hức, màu nắng vàng tươi chiến thắng, và màu trời xanh đầy ước mong, hy vọng.

Tôi mơ đến một ngày nào đó, Việt Nam và thành phố chúng ta sẽ được đăng cai Thế vận hội Olympic, như một mốc son chói lọi sẽ ghi sâu vào tâm hồn người dân ta, mãi mãi!”.

Còn Trần Kiều Nhi, học sinh Trường THCS Bình Tây, quận 6, TPHCM thì lại có riêng ao ước của mình về viễn cảnh một quê hương tươi đẹp bên dòng sông hiền hòa: “Tôi đi, rời xa thành phố không phải vì tôi muốn thế mà vì tình yêu của tôi dành cho con sông. Tôi sẽ đi khắp mọi nơi trên đất nước để tìm ra giải pháp cứu sông. Mười năm, mười năm không phải là một khoảng thời gian quá dài để tôi có thể hoàn thành ước mơ đó.

Ước mơ được trở thành một nhà bảo vệ môi trường thật giỏi. Tôi biết điều đó thật khó đối  với một cô bé mười bốn tuổi. Nhưng tôi sẽ không bỏ cuộc, bởi lẽ ở nơi ấy, ở thành phố, sông vẫn ngày ngày chờ tôi đến giúp. “Sông, xin cố lên, đừng bỏ cuộc, thế nào rồi một ngày nào đó tôi sẽ làm cho mọi người phải yêu thương và giữ gìn sông”. Đáng quý biết bao những trái tim bé bỏng mà ấp ủ nhiều ước mong, khát vọng cháy bỏng đến vậy.

Nguyễn Quốc Tấn Trung, thí sinh tỉnh tiền Giang, học sinh nam duy nhất lần đầu tiên giành giải nhất cấp khu vực ĐBSCL và cũng là học sinh nam đoạt giải cao nhất từ trước đến nay, “chín chắn” trong suy nghĩ của mình với những điều kỳ diệu từ một “đất nước hóa rồng”, dù chỉ trong mơ: “Không còn nữa những ngôi nhà tranh, vách đất; không còn nữa những bếp lửa “khói bụi mù trời”, những ngôi nhà khang trang rộng rãi, những bếp lửa không làm hại môi trường.

Trong sân nhà, những chiếc xe lạ kỳ, không hề có bánh; những chiếc xe mà tôi chỉ được thấy trong phim ảnh ngày xưa. Trên sông, những chiếc ghe êm ái lướt, không phải khổ sở vì những tiếng nổ đáng ghét. Nhiên liệu sử dụng cho động cơ lại rất tiết kiệm.

Quê hương tôi còn thay đổi cơ cấu cây trồng. Thay vì độc canh lúa nước và trồng thêm một số hoa màu, người nông dân còn trồng rất nhiều lọai cây ăn quả xen canh những lọai cây kiểng làm cho thu nhập của người dân càng tăng cao. Không chỉ thế, những nhà kính có khả năng điều chỉnh nhiệt độ, ánh sáng giúp cho người nông dân còn có thể trồng những lọai nông sản ôn đới, một lọai nông sản mà ngày xưa, vào những năm 2005- 2006 chỉ có thể trồng ở Đà Lạt, Tây Nguyên… Nhân dân lại càng được hạnh phúc hơn khi giờ đây, lũ lụt chỉ còn là quá khứ, hạn hán chỉ còn là chuyện nhỏ. Đã qua rồi cái thời những người nông dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. 

Qua rồi cái thời “Trời yên biển lặng mới yên tấm lòng”.  Giờ đây chỉ có hạnh phúc  và ấm no!”.
Còn rất nhiều, nhiều nữa những lời tự bạch, tâm sự của hàng trăm ngàn thí sinh tham dự cuộc thi này mà trong đó, từng lời, từng câu chất chứa biết bao ý tưởng đẹp, mang đậm tính nhân văn truyền thống của cha ông để lại. Đó cũng chính là mục đích vươn tới của cuộc thi.

KIỀU PHAN

 - Tại lễ trao giải cuộc thi Prudential- Văn hay chữ tốt năm 2005 khu vực đồng bằng sông Cửu Long, ông Nguyễn Văn Hảo, Phó Tổng Giám đốc Công ty Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam thông báo tin vui: Các thí sinh đoạt giải nhất cấp tỉnh ở 10 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL và giải nhất cấp khu vực ĐBSCL ngoài việc được nhận phần thưởng bằng hiện kim theo cơ cấu giải thưởng của Ban tổ chức, các học sinh này còn được Prudential tặng một suất học bổng trị giá 3.000.000 đồng cho năm học này. Giá trị học bổng sẽ được thực hiện cho các năm tiếp theo đến hết cấp học phổ thông nếu các em đạt danh hiệu học sinh giỏi mỗi năm học.

- Lãnh đạo Sở Giáo dục- Đào tạo tỉnh Tiền Giang thông báo với Ban tổ chức cuộc thi Prudential- Văn hay chữ tốt cho biết ý định sẽ đăng cai tổ chức cuộc thi cấp khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong năm sau 2006. Đây là một tín hiệu vui cho thấy, tiếng vang của cuộc thi đã lan tỏa đến vùng đồng bằng ngào ngạt phù sa của vùng sông nước Nam bộ này.

Tin cùng chuyên mục