Ngày 14-1, tạp chí Charlie Hebdo xuất bản trở lại số đầu tiên kể từ sau vụ thảm sát ngày 8-1 khiến 12 người thiệt mạng. Trên trang nhất của Charlie Hebdo đăng bức tranh biếm họa Nhà tiên tri Muhammad đang khóc, tay cầm tấm biển ghi “Tôi là Charlie”. Mặc dù với ảnh bìa này, Charlie Hebdo muốn gửi một thông điệp hòa giải và làm giảm sự tức giận của cộng đồng người Hồi giáo, nhưng theo giới quan sát, phản ứng của cộng đồng Hồi giáo đã không diễn ra đúng hoàn toàn như những người ở Charlie Hebdo nghĩ.
Phản ứng của người Hồi giáo
Ngày 14-1, nhánh al-Qaeda ở Yemen đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công trụ sở của tạp chí biếm họa Charlie Hebdo vì tạp chí này đã lăng mạ nhà tiên tri Muhammad. Theo Nasser bin Ali al-Ansi - thủ lĩnh hàng đầu của nhánh al-Qaeda ở Yemen (AQAP), Pháp trở thành “bữa tiệc của quỷ Satan”, đồng thời cảnh báo sẽ có thêm “các thảm họa và khủng bố”.
Cũng trong ngày 14-1, nhiều tờ báo trên thế giới số ra cùng ngày cũng đăng lại tấm hình này để bày tỏ tình đoàn kết với Charlie Hebdo và nước Pháp. Thay vì hiển thị những lời lẽ châm biếm đả kích để khắc họa hình ảnh nhà tiên tri một cách tiêu cực thì lần này các họa sĩ tại Charlie Hebdo lại chỉ muốn gửi thông điệp như lời nhắn như một sự hòa giải và giảm sự tức giận của cộng đồng người Hồi giáo ở Pháp. Chính phủ Pháp không có phản ứng gì với số báo này.
Tuy nhiên, theo CNN, khi hình ảnh trang bìa được lây lan qua phương tiện truyền thông xã hội, những người Hồi giáo có những cảm xúc lẫn lộn. Người thì cho đó là một lời thách thức “tuyên chiến”, cũng có ý kiến cho rằng điều đó có thể thông cảm được. Một tòa án ở Thổ Nhĩ Kỳ đã ra lệnh chặn các trang web đăng hình trang bìa của tạp chí Pháp Charlie Hebdo số ra mới nhất.
Đài phát thanh Al-Bayan của nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã miêu tả việc tạp chí châm biếm Charlie Hebdo của Pháp phát hành một bức biếm họa mới về nhà tiên tri Muhammad là hành động “cực kỳ ngu ngốc”.
Cùng ngày, Iran đã chỉ trích việc tuần báo Charlie Hebdo phát hành bức biếm họa mới về nhà tiên tri Muhammad là hành động “lăng mạ” và “khiêu khích”. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Marzieh Afkham cho rằng tạp chí này đã “kích động và làm tổn hại tình cảm của người Hồi giáo trên toàn thế giới. Điều này có khả năng làm thổi bùng lên ngọn lửa chủ nghĩa cực đoan”.
Al-Azhar - trung tâm đào tạo danh tiếng nhất của người Hồi giáo dòng Sunni, cảnh báo bức biếm họa mới chỉ có tác dụng khích động sự hận thù, không khuyến khích sự cùng tồn tại hòa bình giữa các dân tộc và cản trở người Hồi giáo hội nhập các xã hội châu Âu và phương Tây. Tổ chức Hồi giáo do nhà nước Ai Cập bảo trợ có tên là Dar al-Ifta cũng nhận xét trang bìa trong số ra mới nhất của tờ Charlie Hebdo đã kích động cảm xúc của 1,5 tỷ người Hồi giáo và sẽ dẫn đến làn sóng hận thù mới ở Pháp, cũng như phương Tây và không khuyến khích đối thoại văn hóa, điều mà người Hồi giáo mong muốn.
Hội đồng trung ương Hồi giáo tại Đức và các tổ chức tôn giáo tổ chức tuần hành lớn tại thủ đô Berlin để phản đối chủ nghĩa khủng bố, cực đoan và kêu gọi lòng khoan dung.
Khó ngăn được một “Charlie Hebdo thứ hai”
Cũng trong ngày 14-1, an ninh đã được tăng cường tại thủ đô Paris và tại trụ sở tuần san Le Canard Enchaine sau khi tờ tuần san biếm họa lớn nhất của Pháp này nhận được một bức thư điện tử với nội dung đe dọa khủng bố. Bức thư được gửi tới báo Le Canard Enchaine chỉ một ngày sau vụ khủng bố nhằm vào tòa soạn báo Charlie Hebdo.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trước đó, điều phối viên chống khủng bố của Liên minh châu Âu (EU) Gilles de Kerchove cho rằng không có cách nào có thể ngăn ngừa tuyệt đối các vụ tấn công khủng bố như những vụ vừa xảy ra tại Paris. Ông cho rằng câu trả lời không phải là bắt giam những phần tử thánh chiến quay trở về châu Âu từ Syria hay Iraq, bởi nhà tù đã trở thành “những vườn ươm khổng lồ” cho sự cực đoan hóa.
Ngày 14-1, Cục Hình sự Liên bang Đức (BKA) đã cảnh báo nguy cơ những kẻ bắt chước các vụ tấn công khủng bố ở Paris sẽ tiến hành tấn công tại Đức và châu Âu. BKA cho rằng sau vụ khủng bố tại Pháp, các đối tượng Hồi giáo cực đoan ở Đức đã lên các trang mạng tiếng Đức và các diễn đàn tiếng Arập để chia sẻ sự ủng hộ của chúng đối với các vụ tấn công này.
HẠNH CHI (tổng hợp)