Thông tin kịp thời các biểu hiện có dấu hiệu bạo lực gia đình

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ đề nghị cần có cơ chế pháp lý đầy đủ nhất cho người bị bạo lực gia đình với các trường hợp khi họ đã chết, chưa thành niên, bị khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự hoặc họ muốn được thông qua người đại diện để thực hiện quyền, trách nhiệm của mình.
Đoàn TPHCM dự họp Quốc hội sáng 27-10. Ảnh: QUANG PHÚC
Đoàn TPHCM dự họp Quốc hội sáng 27-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Chiều qua, 26-10, Quốc hội thảo luận về dự án Luật phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trao đổi bên lề hành lang Quốc hội, Đại biểu Quốc hội TPHCM Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TPHCM và đại biểu Nguyễn Trần Phượng Trân, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM đã chia sẻ một số vấn đề băn khoăn.

Cụ thể, tại khoản 2, điều 2 của dự luật có giải thích từ ngữ: “Cấm tiếp xúc là biện pháp cấm người có hành vi bạo lực gia đình đến gần người bị bạo lực gia đình hoặc sử dụng phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình”.

Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, nội dung “hoặc sử dụng các phương tiện, công cụ để thực hiện hành vi bạo lực gia đình” chưa rõ ràng và không phù hợp với mục đích “cấm”. Cùng với đó, quy định về cấm tiếp xúc tại dự thảo luật lại tác động đến quyền, nghĩa vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng, cấp dưỡng (theo quy định tại Luật Hôn nhân gia đình) và quyền, nghĩa vụ về giám hộ (quy định tại Bộ Luật dân sự) của người có hành vi bạo lực gia đình đối với người bị bạo lực. 

Do đó, đồng chí cho rằng, dự luật cần làm rõ quy định cấm tiếp xúc làm ảnh hưởng như thế nào đối với các quyền, nghĩa vụ của người bị cấm tiếp xúc trong quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng.

Thông tin kịp thời các biểu hiện có dấu hiệu bạo lực gia đình ảnh 1  Đồng chí Nguyễn Thị Lệ trong phiên họp Quốc hội sáng 27-10. Ảnh: QUANG PHÚC

Cùng đóng góp ý kiến vào Dự thảo Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân đánh giá cao ban soạn thảo đã ghi nhận, thu thập và tiếp thu, chỉnh lý những ý kiến góp ý của ĐBQH.

Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Trần Phượng Trân băn khoăn về các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. 

Đây là nội dung không phù hợp với mục đích cấm tiếp xúc. Đồng thời, quy định này cũng tác động đến quyền, nghĩa vụ về chăm sóc, nuôi dưỡng cấp dưỡng theo quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và quyền, nghĩa vụ về giám hộ, quy định tại Bộ luật Dân sự của người có hành vi bạo lực gia đình với người bị bạo lực gia đình”, ĐBQH Nguyễn Trần Phượng Trân phân tích. Do đó, ĐB cho rằng, dự thảo cần làm rõ quy định cấm tiếp xúc, nghĩa vụ của người bị cấm tiếp xúc trong quan hệ hôn nhân, quan hệ nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình.

Về nguyên tắc phòng chống bạo lực gia đình, bên cạnh việc ghi nhận về bình đẳng giới, đồng chí Nguyễn Thị Lệ đề nghị bổ sung nguyên tắc về chống kỳ thị, phân biệt đối xử trong phòng chống bạo lực gia đình.

Liên quan tới quyền và trách nhiệm của người bị bạo lực gia đình, dự thảo luật quy định: “Người bị bạo lực gia đình, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật của người bị bạo lực gia đình có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin liên quan đến vụ việc bạo lực gia đình khi có yêu cầu của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền”. 

Theo ĐBQH Nguyễn Thị Lệ, quy định trên chưa phù hợp đối với người bị bạo lực là người có khó khăn trong nhận thức, người bị khuyết tật bẩm sinh, người đang ở trong tình trạng thể chất, sức khỏe không thể thực hiện được trách nhiệm cung cấp thông tin… “Mặt khác, quy định này vô hình chung tạo ra áp lực rất lớn cho người bị bạo lực gia đình, nhất là khi họ bị thành viên khác trong gia đình đe dọa, cưỡng bức dẫn đến họ sợ hãi, không dám tố cáo, yêu cầu xử lý hành vi bạo lực đối với mình”, Chủ tịch HĐND TPHCM phân tích.

Do đó, theo đồng chí Nguyễn Thị Lệ, dự thảo luật cần quy định có cơ chế pháp lý đầy đủ nhất cho người bị bạo lực gia đình với các trường hợp khi họ đã chết, chưa thành niên, bị khuyết tật, mất năng lực hành vi dân sự hoặc họ muốn được thông qua người đại diện để thực hiện quyền, trách nhiệm của mình.

Thông tin kịp thời các biểu hiện có dấu hiệu bạo lực gia đình ảnh 2  ĐBQH TPHCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại diễn đàn Quốc hội. Ảnh: QUANG PHÚC

Liên quan tới vấn đề tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình, Chủ tịch HĐND TPHCM cũng đề xuất ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung về kỹ năng công tác xã hội đối với người bị bạo lực và người có hành vi bạo lực gia đình. Đây là một kỹ năng rất cần thiết cho đội ngũ tư vấn viên, cán bộ đoàn thể chính trị - xã hội để tham gia trợ giúp cho người bị bạo lực và người có hành vi bạo lực gia đình. Nhân viên công tác xã hội hoặc cán bộ Hội phụ nữ sẽ lập kế hoạch tái hòa nhập, hướng dẫn kỹ năng sống và tích cực, phối hợp hỗ trợ các nạn nhân tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, vui chơi giải trí để sớm tái hòa nhập với cuộc sống. Đội ngũ này cũng có thể xây dựng kế hoạch hỗ trợ người có hành vi bạo lực gia đình thay đổi nhận thức, cải tạo để không tái phạm.

Chủ tịch HĐND TPHCM Nguyễn Thị Lệ cũng đề xuất bổ sung thêm quy định trách nhiệm của các cơ sở giáo dục về trách nhiệm tư vấn và phối hợp với đội ngũ cộng tác viên gia đình và trẻ em trong tư vấn, kịp thời thông tin về các biểu hiện có dấu hiệu bạo lực gia đình để kịp thời phòng ngừa, can thiệp.

Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân cũng đề nghị dự thảo luật cần quy định cơ chế pháp lý đầy đủ, nhất là cho người bị bạo lực gia đình khi họ chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự… hoặc nếu họ muốn được thực hiện thông qua người đại diện để thực hiện quyền, trách nhiệm của mình.

Tin cùng chuyên mục