* Nguyễn Hữu Thái (Trường THPT Cai Lậy, Tiền Giang): Vừa qua em được nhà trường tổ chức đưa học sinh đi tham quan các trường đại học tại TPHCM. Sau khi tham quan em ấn tượng và thích ngành công nghệ hóa học. Vậy học ngành này ra trường cơ hội việc làm của em sẽ như thế nào?
* Ông Thái Doãn Thanh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cho biết, ngành công nghệ hóa học là một trong hai ngành chủ lực của Khoa Công nghệ hóa học với 4 chuyên ngành, gồm: Công nghệ hóa vô cơ, Công nghệ hóa hữu cơ, Công nghệ hóa phân tích, Công nghệ hóa dầu. Điều này cho thấy ngành công nghệ hóa học là ngành học nền tảng và liên quan hầu hết đến các ngành học, lĩnh vực công nghệ trong xã hội công nghiệp. Đối với ngoài thị trường lao động, ngành này liên quan nhiều lĩnh vực như dầu khí, hóa chất cơ bản, vật liệu chế tạo và xây dựng, lĩnh vực công nghệ thực phẩm, thủy sản, môi trường, sinh học, nông nghiệp, khoáng sản, kiểm định và quản lý chất lượng, nhựa, polimer… nên tạo được nhiều cơ hội cho sinh viên, học sinh sau khi ra trường. Thống kê của nhà trường cho thấy, sinh viên, học sinh ra trường đều nhanh chóng tìm được việc làm đúng ngành và phát huy được kiến thức học được từ nhà trường.
Thực tế trong xã hội hiện đại, không ở đâu lại không có dấu ấn của công nghệ hóa học. Ngày nay, những sản phẩm của ngành này phổ biến đến mức chúng ta hầu như quên mất đó từng là những phát minh vĩ đại làm thay đổi toàn bộ cuộc sống của con người như nhựa hay cao su nhân tạo... Theo điều tra của Trường Đại học Tổng hợp Minnesota (Hoa Kỳ), những người được đào tạo trong ngành này có thể làm việc trong các lĩnh vực như ở các viện nghiên cứu, trường đại học; sản xuất các sản phẩm vô cơ (hóa chất vô cơ, phân bón, màu cho sơn, gốm sứ...), sản xuất các sản phẩm hữu cơ (pôlime, phim mỏng, vải sợi, thuốc nhuộm), lĩnh vực vật liệu (ăn mòn và chống ăn mòn, pin khô, pin ướt), mạ điện, luyện kim và nguyên liệu cho các quá trình công nghiệp, ngành công nghệ thực phẩm, ngành công nghiệp lên men sản xuất các chất kháng sinh, thực phẩm bổ sung, công nghệ sinh học ứng dụng, xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm môi trường, sản xuất sạch và công nghệ năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng hạt nhân... Cơ hội làm việc trong ngành công nghệ hóa học rất phong phú bởi đây là ngành có tính ứng dụng rất cao và liên quan tới nhiều ngành khoa học, công nghệ, nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau.
* Nguyễn Thanh Huy (Trường THPT Bảo Lộc, Lâm Đồng): Năm nay em thi khối A1 và chọn ngành điện tử truyền thông. Theo em biết có khá nhiều trường đào tạo ngành này. Với học lực khá em nên chọn trường như thế nào?
* Huy thân mến, đúng như em nói hiện nay có rất nhiều trường đào tạo ngành điện tử truyền thông và mỗi trường có thế mạnh khác nhau. Theo học ngành này, sinh viên sẽ được đào tạo kiến thức chuyên môn về mạng viễn thông, mạng truyền số liệu, viba số, hệ thống phát thanh truyền hình, công nghệ phân tích và xử lý tín hiệu, âm thanh, hình ảnh; thiết kế, xây dựng, khai thác, vận hành, sử dụng, bảo trì các thiết bị điện tử, thiết bị viễn thông.
Ví dụ như học tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM, sinh viên được thực hành tại trung tâm thí nghiệm hiện đại, tham quan, thực tập trong các tập đoàn viễn thông lớn như: Viettel, CMC, VNPT, các đài truyền hình quốc gia và khu vực...; được phát triển kỹ năng chuyên môn bằng cách tham gia CLB Điện tử ứng dụng, CLB Sáng tạo kỹ thuật, CLB Lập trình nhúng… Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc tại các đài phát thanh truyền hình, công ty tư vấn thiết kế mạng viễn thông, công ty thiết kế và sản xuất vi mạch, công ty sản xuất các thiết bị điện tử viễn thông. Ngoài ra, kỹ sư ngành này có thể đảm nhận vai trò giám đốc kỹ thuật, trưởng bộ phận kỹ thuật tại các công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, truyền thông.