- nguyenthlan@yahoo.com: Em rất thích trở thành chuyên gia công nghệ thông tin. Vậy em chọn ngành công nghệ thông tin hay ngành điện tử - truyền thông?
>> Ngành công nghệ thông tin sẽ hợp với sở thích của em. Hiện nay trên cả nước có khá nhiều trường đào tạo ngành công nghệ thông tin như các trường thành viên của ĐH Quốc gia TPHCM, ĐH Công nghiệp Thực phẩm THCM, ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Quốc tế Hồng Bàng. Theo đại diện của Trường ĐH Công nghệ TPHCM, sinh viên theo học ngành này tại trường sẽ được đào tạo kiến thức chuyên sâu về công nghệ phần mềm, hệ thống thông tin, mạng máy tính, kỹ thuật máy tính; kỹ năng triển khai ứng dụng công nghệ thông tin và nắm bắt các xu thế công nghệ mới. Sinh viên có khả năng lập trình các phần mềm máy tính, điện thoại di động, game, thương mại điện tử. Sinh viên được thực hành tại hệ thống phòng Lab, trung tâm máy tính hiện đại và đa tiện ích; thao tác trên các phần mềm mới nhất của Microsoft, Oracle…; phát triển toàn diện kỹ năng chuyên môn thông qua việc tham gia CLB Lập trình tài năng, CLB Bạn trẻ yêu công nghệ. Ra trường, người học có thể đảm nhiệm chuyên viên, kỹ sư, lập trình viên tư vấn, thiết kế, vận hành, bảo trì, gia công phần mềm, các giải pháp xử lý thông tin, hệ thống mạng máy tính tại các doanh nghiệp, ngân hàng, bệnh viện, trường học.
- Cho em hỏi học ngành Công nghệ sinh học ra trường có nhiều cơ hội việc làm không khi ngành này được đánh giá một trong những ngành có nhu cầu nhân lực cao?
>> Ông Phạm Thái Sơn, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM, cho biết: Đúng như tìm hiểu của em, ngành công nghệ sinh học trong tương lai có nhu cầu về nguồn nhân lực rất lớn. Tuy nhiên, có nhiều cơ hội việc làm hay không còn phụ thuộc vào năng lực của chính người học. Hiện nay, trường xác định ngành Công nghệ sinh học cùng với ngành Kỹ thuật môi trường là hai ngành mũi nhọn của trường và tuyển sinh 2 khối A, B. Thời gian đào tạo 4 năm (đại học), 3 năm (cao đẳng) và 1,5 năm (liên thông từ cao đẳng lên đại học). Cùng với các phòng thí nhiệm vi sinh, công nghệ sinh học, sinh viên theo học ngành này sẽ được trang bị các kiến thức cơ bản, cơ sở và chuyên ngành cần thiết để tham gia các hoạt động nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ sinh học ứng dụng trong thực phẩm, xử lý môi trường, ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp…
- Trần Văn Dũng (Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, TPHCM): Em hay tò mò và tháo ráp các linh kiện tivi, máy nghe nhạc, đầu đĩa karaoke… Vậy em học ngành gì để có thể sửa chữa và thiết kế được những bo mạch ở các thiết bị điện, điện tử gia dụng?
>> Ông Nguyễn Trọng Tuấn, Trưởng phòng Thông tin Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cho biết: Theo như em nói thì em có sở thích phù hợp với ngành điện - điện tử. Theo học ngành này, ngoài kiến thức nền và kiến thức chung của ngành điện - điện tử, điện tử viễn thông, sinh viên sẽ được học các công nghệ tiên tiến như vi điều khiển, lập trình PLC, lý thuyết điều khiển tự động, kỹ thuật truyền hình số, điện tử y sinh... Ngoài ra sinh viên còn được học các môn học bổ trợ như Anh văn, tin học, các kỹ năng mềm và dành nhiều thời gian luyện tay nghề trong các phòng thí nghiệm, thực hành và cơ sở sản xuất - dịch vụ, tham gia các câu lạc bộ điện tử và viết bài cho tạp chí Tạp chí Điện - Điện tử - Tự động hóa.
Sinh viên tốt nghiệp có thể làm kỹ sư thiết kế mô phỏng mạch điện tử bằng các phần mềm hiện đại, cài đặt hệ thống máy tính, mạng máy tính; thiết kế lập trình các thiết bị điện tử công nghiệp, tự động hóa như các bộ PLC, Inverter; huấn luyện, đào tạo công nhân, kỹ thuật viên ngành điện - điện tử công nghiệp và dân dụng; giảng dạy và nghiên cứu khoa học hoặc học lên thạc sĩ, tiến sĩ...