Thống trị kinh tế bằng… luật

Thời gian qua, ngân hàng BNP Paribas của Pháp, hãng xe hơi Volkswagen, ngân hàng Deutsche Bank đều của Đức... lần lượt hứng chịu các án phạt hàng tỷ USD của Mỹ. Tuần san L’Express đã chỉ trích động thái của Chính phủ Mỹ là cách trấn lột tàn bạo bằng phạt tiền kinh tế. Theo báo này, thống trị kinh tế bằng luật là công cụ có từ lâu đời của các cường quốc, nhất là Mỹ. Nếu diễn giải theo ngôn từ ngoại giao, đấy chính là quyền lực mềm cho phép Mỹ áp đặt các chuẩn mực và tiêu chuẩn của mình lên toàn thế giới. Còn nói theo ngôn ngữ pháp lý, đó là một nền tư pháp chủ nghĩa đế quốc.

Xuất phát từ đạo luật FCPA (Foreign Corrupt Practices Act) ban hành năm 1977, cho phép phạt các doanh nghiệp nào của Mỹ bị kết tội tham nhũng ở nước ngoài, Mỹ dần dần củng cố các công cụ pháp lý để mở rộng phạm vi áp dụng, chống lại cả những doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ như đạo luật Helms-Burton và D’Amato, ban hành trong những năm 1990, cấm các doanh nghiệp giao dịch thương mại với các nước bị cấm vận và sau này là Patriot Act. Theo giới quan sát, bước ngoặt quan trọng nhất là sau đợt tấn công khủng bố tháng 9-2001. Luật sư Stephane de Navacelle cho rằng kể từ thời điểm này, Mỹ quyết định biến cuộc chiến chống tham nhũng thành một trong những vũ khí chống khủng bố.

Châu Âu chỉ trích Mỹ đã đề ra những mức tiền phạt một cách tùy tiện. Về mặt chính thức, các tiêu chí thẩm định là hợp lý và khách quan, tùy theo mức thang quy định. Nhưng trên thực tế, các cuộc thương thuyết được tiến hành bên trong hậu trường, nếu không muốn nói là mập mờ. Điển hình là vụ Deutsche Bank từ 14 tỷ USD như lúc ban đầu, mức tiền nộp phạt đã tụt xuống 3 lần chỉ sau vài ngày thương thuyết. Doanh nghiệp châu Âu cảm thấy bất công, bị lép vế so với các doanh nghiệp Mỹ. Cùng là doanh nghiệp nước ngoài, nhưng tại Mỹ, các doanh nghiệp châu Âu bị buộc nộp phạt nặng, trong khi ngược lại, các doanh nghiệp Mỹ tại châu Âu lại hưởng mức phạt nhẹ hơn. Volkswagen phải nộp phạt đến 14,7 tỷ USD chỉ vì gian lận các thông số phát thải khí gây ô nhiễm. Trong khi năm 2015, hãng xe General Motor của Mỹ che giấu các khiếm khuyết về túi khí làm 124 người chết nhưng chỉ bị châu Âu phạt 900 triệu USD.

Tính từ năm 2008, các doanh nghiệp châu Âu đã phải nộp phạt gần 20 tỷ USD cho chính quyền Mỹ vì những cáo buộc vi phạm lệnh cấm vận hay tham nhũng quốc tế. Nhất là với cáo buộc tham nhũng, doanh nghiệp châu Âu là những doanh nghiệp bị trừng phạt nghiêm khắc nhất, lãnh từ 10-17 án phạt. Một doanh nghiệp chấp nhận hợp tác cũng đồng nghĩa với việc đeo 3 cái án: nộp phạt; chấp nhận thiết lập các chương trình tuân thủ chi phí cao; chấp nhận đặt các hoạt động của mình dưới sự giám sát của các cố vấn doanh nghiệp.

Trong bối cảnh căng thẳng giữa đôi bờ Đại Tây Dương hiện nay, ngày càng xuất hiện nhiều lời chỉ trích. Châu Âu sẽ làm gì để bảo vệ các ngành mũi nhọn của mình? Làm sao châu Âu có thể để bị cướp mất những thị phần trên thế giới? Nghị sĩ Pierre Lellouche thuộc đảng Cộng hòa ở Pháp đã chua chát nhận định: châu Âu bất lực chứng kiến một sự trấn lột có tổ chức.

ĐỖ CAO

Tin cùng chuyên mục