Theo thông tư 30 của Bộ Y tế, kể từ ngày 20-1, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố phải đảm bảo một số điều kiện nhằm bảo vệ sức khỏe người dân. Tuy nhiên, tại TPHCM hiệu lực của thông tư vẫn còn nằm trên giấy.
Sáng 21-1, tại cổng Trường Đại học Giao thông Vận tải (đường D3, phường 25, quận Bình Thạnh TPHCM) vẫn nhộn nhịp hàng rong từ xe bán bánh mì, bánh bao, bắp luộc nghi ngút khói cho đến xe hủ tíu, cháo lòng… Điều đáng nói là qua khảo sát sơ bộ với những người bán hàng rong tại khu vực này, chúng tôi đều nhận được những cái lắc đầu và những câu trả lời như không nghe, không thấy, không biết… về Thông tư 30 do Bộ Y tế ban hành.
Tại TPHCM, xung quanh các chợ, trường và các bệnh viện Từ Dũ, Chợ Rẫy, Hùng Vương, Chấn thương - Chỉnh hình, Phạm Ngọc Thạch… nhiều quầy hàng rong vẫn bày bán bún thịt nướng, cơm, bánh, bắp, cà phê… ở lòng, lề đường có nhiều xe cộ qua lại mà không hề che đậy. Nhiều người bán hàng tay không bốc đồ ăn cho khách. Bàn ghế không có. Thậm chí có không ít quầy hàng rong còn tận dụng cả diện tích ngay trên nắp cống để bán hàng. Những người bán hàng rong cũng đều thừa nhận “chưa hề biết” về quy định phải có giấy khám sức khỏe, có chứng từ chứng minh nguồn gốc nguyên liệu, giấy chứng nhận tập huấn an toàn vệ sinh…
Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Ba bán hủ tíu ở phường 25 quận Bình Thạnh cho biết, trước giờ bà mua hàng về bán nhưng cũng chỉ biết mua từ chợ chứ còn nó như thế nào thì chịu. “Thử hỏi, những thứ như xương, thịt heo, rau giá, gia vị ngoài chợ đều không có hóa đơn chứng từ thì người ta hỏi, tôi lấy đâu mà cung cấp?”, bà Ba nói.
Tuy nhiên cũng có một số người bán hàng rong tỏ vẻ quan tâm đến quy định mới nên đặt câu hỏi nếu muốn khám sức khỏe thì khám ở đâu, chi phí thế nào? Rồi tập huấn ở đâu, thời điểm nào…
Được biết, ngày 20-1 được xem là mốc triển khai Thông tư 30 chứ không có nghĩa để phạt các cơ sở chưa đủ điều kiện. Trước hết chính quyền thông báo cho mọi người biết chủ trương, các quy định; thông báo thời gian tổ chức các lớp tập huấn để người bán hàng biết.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, để tạo điều kiện cho người bán hàng rong, UBND TPHCM có chủ trương thực hiện tập huấn miễn phí cho những người bán hàng rong. Các cá nhân có thể liên hệ với trạm y tế, trung tâm y tế phường xã để được hướng dẫn.
TIẾN ĐẠT
Thông tin liên quan:
>> Thức ăn đường phố - Không phải bây giờ mới quản lý!